TP.HCM cần gần 100.000 tỷ đồng để chống ngập trong 5 năm tới
Trên đây là số liệu của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước (Trung tâm chống ngập) đưa ra trong một báo cáo gửi tới UBND TP gần đây. Tuy vậy cho đến nay TP mới bố trí được một phần số tiền nói trên.
- 23-10-2016Bí thư Đinh La Thăng: “97.000 tỷ chống ngập... chưa biết trông vào đâu”
- 17-10-2016Nhật Bản sẽ đầu tư 22 tỷ yen giúp Thành phố Hồ Chí Minh chống ngập
- 15-10-2016TP.HCM được chọn tư vấn giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Cụ thể số tiền mà Trung tâm chống ngập đưa ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là 97.298 tỷ đồng, trong đó các dự án đã có nguồn vốn và đang triển khai là 22.948 tỷ đồng (bao gồm: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (11.281 tỷ), Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè (10.085 tỷ), Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát (1.582 tỷ)).
Với 74.350 tỷ còn lại, Trung tâm chống ngập chia thành 5 nguồn dự kiến, cụ thể:
Nguồn ngân sách TP: Dự kiến sẽ được phân bổ 6.967 tỷ đồng (khoảng 1.400 tỷ mỗi năm), số tiền này sẽ dùng để đầu xây dựng và cải tạo các tuyến kênh, cống thoát nước theo Quyết định 752 của Thủ tướng. Ngoài ra hàng năm TP sẽ giao cho quận, huyện nâng cấp, cải tạo, xây dựng các tuyến hẻm bằng nguồn vốn phân cấp với nguồn vốn dự kiến khoảng 537 tỷ đồng.
Nguồn vốn quỹ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp: Dự kiến sẽ là 10.008 tỷ đồng, và sẽ được dùng để cải tạo các tuyến cống, nạo vét 4 trục tiêu, thoát nước chính của TP và xây hồ điều tiết.
Nguồn vốn ngân sách Trung ương: Với khoảng 1.788 tỷ đồng, TP dự định sẽ thực hiện dự án chống ngập tại bờ tả sông Sài Gòn và xây cống kiểm soát triều sông Kinh.
Nguồn xã hội hóa: Những dự án phụ thuộc vào nguồn vốn này được chia làm 2 loại. Trong đó dự án đã có nguồn là xây dựng 6 cống kiểm soát triều tại Tân Thuận (quận 7), Bến Nghé (quận 1), Phú Xuân (Nhà Bè), Mương Chuối (Nhà Bè), Cây Khô (Nhà Bè), Phú Định (quận 8) và 68 cống nhỏ dưới đê và 7km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn với số tiền 9.926 tỷ đồng.
Trong khi đó các dự án chưa có nguồn vốn bao gồm 2 hồ điều tiết tại Gò Dưa và Khánh Hội, cải tạo rạch Xuyên Tâm, rạch Bùi Hữu Nghĩa, Văn Tháng. Những dự án này sẽ tốn khoảng 6.430 tỷ đồng.
Cuối cùng là nguồn ODA: Theo Trung tâm chống ngập hiện Ngân hàng Thế giới đã đồng ý cho vay 9.789 tỷ đồng để thực hiện dự án Quản lý rủi ro ngập khu vực TP.HCM, trong đó sẽ nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên với chiều dài khoảng 32km để giải quyết thoát nước và chính trang đô thị cho lưu vực rộng 14.500ha.
Tuy nhiên vẫn còn các dự án với tổng số vốn 22.442 tỷ đồng chưa có nguồn đầu tư, trong đó có 4 dự án xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao là Tân Hóa – Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn và Bình Tân.
Tính chung, trong phần này số liệu thống kê của Trung tâm chống ngập cho thấy tổng số vốn đã có nguồn là 38.478 tỷ đồng và cần huy động thêm 35.872 tỷ đồng (chưa có nguồn).