MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM cần làm gì để trở thành “Thành phố Digital” với quy mô kinh tế số chiếm 25% GRDP thành phố vào 2025?

04-05-2022 - 11:00 AM | Kinh tế số

TPHCM cần làm gì để trở thành “Thành phố Digital” với quy mô kinh tế số chiếm 25% GRDP thành phố vào 2025?

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, chủ trương xây dựng TP.HCM trở thành “Thành phố Digital” là một trong năm nhiệm vụ thành phố cần thực hiện ngay.

Vào tháng 4, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo TPHCM với các doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông. 

Báo cáo về sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết, TPHCM đã triển khai hàng loạt các chương trình, đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, TPHCM xác định tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, Kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của thành phố.

Thực tiễn TPHCM cho thấy, TPHCM có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số, là một trong những địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất cả nước. Hạ tầng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% phường, xã, thị trấn.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Lâm Đình Thắng, trong năm 2021, chuyển đổi số đã phục vụ đắc lực cho phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Qua tác động của đại dịch, nhiều ngành dịch vụ truyền thống có tốc độ tăng trường giảm nhưng ngành khoa học công nghệ có mức tăng trưởng tăng 3,8%, ngành thông tin - truyền thông tăng 6,08% so với cùng kỳ.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phạm Bình An cho hay, theo tính toán của đơn vị này, quy mô của nền kinh tế số TPHCM năm 2021 là 8,27 tỷ USD, tương đương với 14,41% GRDP của thành phố. Đến năm 2025, nền kinh tế số sẽ chiếm 25% và 40% năm 2030 trong GRDP của TPHCM, đạt được mục tiêu đề ra.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, chuyển đổi số phải là cuộc cách mạng, tạo ra sự phát triển vượt bậc, đột phá, đóng góp cho sự phát triển của thành phố và cả nước. 

"Phải đưa thành phố về đúng vị trí, không phải so sánh với 62 tỉnh, thành còn lại mà với các thành phố lớn của khu vực và thế giới", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đồng thời, ông đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia cùng đóng góp, trở thành "đồng tác giả" cho sự phát triển của thành phố nói riêng và cả nước nói chung thời gian tới. Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, TPHCM có 5 nhiệm vụ cần thực hiện ngay, đó là: cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số; chiến lược nguồn nhân lực; chiến lược đảm bảo an ninh an toàn thông tin; chiến lược dữ liệu; xây dựng TPHCM trở thành "Thành phố Digital".

Về định hướng phát triển năm 2022, chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh được triển khai đồng bộ trên 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, các lĩnh vực sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp lớn như: Đổi mới và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Phát triển nguồn nhân lực; An toàn thông tin. 

Trong đó, thành phố định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất là về tổ chức lại cơ chế chỉ đạo điều hành và hình thành các chính sách nền tảng, đòn bẩy. TP thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Theo đó, yêu cầu tất cả các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức cũng phải thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số do người đứng đầu chính quyền làm Trưởng ban và có Kế hoạch chuyển đổi số trong năm 2022 với những mục tiêu, giải pháp, thời gian và phân công rất cụ thể.

Thứ hai, TP tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn TP và phát triển kho cơ sở dữ liệu dùng chung.

Thứ tư, tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), định hướng đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số; cung cấp giải pháp thông minh cho các dịch vụ và sản phẩm thông minh. Phổ biến, đứa Trí tuệ nhân tạo đến các trường ĐH, CĐ, mở rộng mời các trường Đại học trong khu vực Đông Nam Á cùng tham gia.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán qua mạng; tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ mới trong thanh toán tiêu dùng…

Thứ sáu, chú trọng việc đào tạo, chuyển đổi nhân lực đáp ứng nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng trong đổi mới công nghệ và sản xuất của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ, khai thác Kho dữ liệu dùng chung trong phòng chống, dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM.

Thứ tám, phát triển hạ tầng số và công tác đảm bảo an toàn thông tin.

https://cafef.vn/tphcm-can-lam-gi-de-tro-thanh-thanh-pho-digital-voi-quy-mo-kinh-te-so-chiem-25-grdp-thanh-pho-vao-2025-20220504100205452.chn

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên