TP.HCM: Chuẩn bị công khai toàn bộ thông tin về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
Trước ngày 30/8/2018, UBND TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị công bố công khai Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/6/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) trên địa bàn.
Song song đó, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các đơn vị tiến hành công bố chỉ tiêu phân khai sử dụng đất của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cho TP.HCM; công bố bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 TP.HCM; công bố bản đồ kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) TP.HCM; công bố báo cáo thuyết minh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) TP.HCM.
Cụ thể, theo Nghị quyết 80 của Chính phủ, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp của thành phố năm 2010 là 118.052 ha, đến năm 2020 giảm xuống 88.005 ha (giảm 25%); đất phi nông nghiệp tăng từ 90.868 ha vào năm 2010 lên 118.890 ha vào năm 2020 (tăng hơn 30%), đất đô thị tăng từ 53.841 ha vào năm 2010 lên 62.704 ha vào năm 2020 (tăng 16,4%). Đất chưa sử dụng năm 2010 là 635 ha, đến năm 2020 giảm xuống còn 309 ha, nghĩa là giảm 51,3%.
Một trong những chỉ đạo nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ tại Nghị quyết 80 đối với TPHCM là quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích.
Thời gian qua, để thực hiện điều chỉnh quy hoạch này, TP.HCM đã đề ra 5 nhóm giải pháp chính như: nhóm giải pháp về đầu tư phát triển, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp có tính đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu và giải pháp bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, giải pháp tổ chức thực hiện cho từng mục tiêu cụ thể, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh thành phố.
Theo đó, trong các nhóm giải pháp, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm; hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm; quy hoạch sử dụng đất không gian ngầm theo các tuyến metro để tăng quỹ đất.
Ngoài ra, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện di dời 474 chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975… Đặc biệt, để góp phần tình trạng ngập úng, TP.HCM sẽ triển khai các hồ điều tiết chống ngập; ở các khu đô thị bắt buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hồ điều tiết nước; kêu gọi vốn đầu tư cho hàng chục dự án chống ngập cấp bách…