MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới

Kinh tế TP.HCM thời gian qua được đánh giá đã có những bước hồi phục khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc phục hồi này được đánh giá là chưa bền, chỉ là trong ngắn hạn.

Doanh nghiệp TP.HCM cũng chỉ mới bắt đầu sản xuất lại để phục vụ cao điểm cuối năm hay Noel chứ các đơn hàng dài hạn và trong năm 2024 vẫn lặn tăm. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp đang phải đứng trước “nguy nhiều hơn cơ” và rất cần có sự hỗ trợ, giúp sức của chính quyền trong việc gỡ các nút thắt cũng như tìm các thị trường mới.

Chưa có đơn hàng cho năm sau

Công ty cổ phần sản xuất, thương mại và thiết kế mỹ thuật A và Em (Quận 1) chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mây tre, lục bình và sơn mài với thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu. Tuy nhiên thị trường này đang khó khăn, sức mua giảm nên doanh nghiệp chỉ duy trì được một số đơn hàng với khách hàng cũ.

TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới - Ảnh 1.

TP.HCM dự kiến không đạt GRDP năm 2023 là 7,5% như kế hoạch

Để đẩy mạnh xuất khẩu dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và chuẩn bị đơn hàng mới trong năm 2024, doanh nghiệp này rất cần “đi chợ” ở những thị trường mới. Bà Phó Thị Bích Trâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, doanh nghiệp rất cần TP hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm thị trường mới, thuê gian hàng lớn cho các doanh nghiệp chia ra dùng chung để giảm chi phí.

“TP.HCM và Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường mới như Mỹ, DuBai… Các thị trường này rất tiềm năng nhưng chi phí đi tham dự các hội chợ rất đắt, giá thuê các gian hàng cũng rất đắt nên doanh nghiệp không có điều kiện tham gia” - bà Phó Thị Bích Trâm nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, tình hình tuy có khá hơn giai đoạn trước khi các hoạt động xuất khẩu hàng dệt may, thực phẩm bắt đầu có các đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là các đơn hàng để phục vụ cao điểm cuối năm, Noel… còn các đơn hàng dài hạn cho năm sau thì chưa có.

TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới - Ảnh 2.

Doanh nghiệp rất cần Thành phố và cơ quan chức năng hỗ trợ xúc tiến thương mại tìm thị trường mới (Ảnh: Lệ Hằng)

Qua khảo sát, gần như tất cả các doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh vẫn chưa có cải thiện, nhiều doanh nghiệp còn chưa được hoàn thuế hoặc chậm; thủ tục đất đai chưa có gì thay đổi khi việc gì liên quan đến đất đai đều khó. Đặc biệt, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp cận vốn dù lãi suất giảm.

“Chúng ta thấy rõ là ngân hàng đã có những động thái tích cực và hiện nay có bức tranh ngược lại so với đầu năm. Tức bây giờ thừa tiền, lãi suất đã giảm, thậm chí đã giảm hơn so với trước đây rồi nhưng mà vốn không hấp thụ được. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp không có nhu cầu và không mạnh dạn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp đều phản ánh là "chúng tôi cũng chưa biết vay để làm cái gì, để mở rộng sản xuất như thế nào, bởi vì cũng chưa thấy cái gì sáng sủa" - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Phát triển thị trường trong nước với tiêu chí quốc tế

Theo Cục Thống kê TP.HCM, GRDP quý 3 của TP.HCM là 6,71%, cộng chung 9 tháng TP có tốc độ tăng trưởng 4,57% (cao hơn so với tốc độ tăng trưởng cả nước). Đây được xem là một điểm rất sáng của TP.HCM nếu như nhớ lại con số tăng trưởng chỉ 0,7% ở quí 1. Chính nhờ các phương thuốc đúng bệnh chính là những hành động quyết liệt của TP cũng như sự thẩm thấu các chính sách của Trung ương… đã giúp GRDP TP.HCM nhanh chóng lên con số 5,8% trong quí 2 và quí 3 là 6,71%.

Tuy nhiên, với các diễn biến hiện nay, TP.HCM dự kiến sẽ không đạt con số GRDP năm 2023 là từ 7,5% bởi nếu muốn chạm vào con số trên, tăng trưởng quí 4 của TP phải trên 15% (điều này khó khả thi).

TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Hà Khánh

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, tuy tăng trưởng chưa đạt nhưng TP.HCM đã làm hết sức và đây cũng là những con số rất đáng mừng. TP.HCM cần nỗ lực hết mình, tập trung cao độ với quan điểm là “hôm nay hơn hôm qua, tháng này hơn tháng trước, quí sau hơn quí trước”. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh, TP.HCM cần làm hết các biện pháp, nỗ lực tối đa giải quyết các công việc, các tồn đọng và chấp nhận các kết quả, không nên chạy theo các con số, không nóng vội mà thiếu đi các giải pháp trung và dài hạn.

Trong các tháng còn lại của năm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị TP.HCM cần tập trung giải ngân đầu tư công, mua sắm công, kích cầu tiêu dùng nội địa; tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai; chuẩn bị kế hoạch Tết Nguyên đán và năm 2024… Đặc biệt, cần phải hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp đang tập trung nhưng cũng có những khó khăn chưa thể tự tháo gỡ được thì quan điểm của chúng ta "cùng với doanh nghiệp chứ không phải tháo gỡ cho doanh nghiệp". Chúng ta phải ngồi lại để thực hiện và tìm giải pháp với từng nhóm doanh nghiệp, nhất là nhóm hiện nay đang gặp khó khăn về vốn thì như thế nào? Làm sao để tiếp tục tháo gỡ, chia sẻ và khơi thông dòng vốn để phát huy hiệu quả” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói.

TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Hà Khánh

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, hiện nay kinh tế vẫn đang rất khó khăn và TP cần phải tính đến khả năng 1 - 2 năm nữa tình hình vẫn chưa cải thiện. Lúc đó cả xuất khẩu, nhập khẩu đều sẽ rất khó khăn, dẫn đến áp lực lạm phát trong nước, trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng. Vấn đề quan trọng nhất là phải giữ bằng được các thị trường hiện có và tìm thêm các thị trường mới, như: Mỹ, Canada…

Đồng thời, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng, cần phải phát triển thị trường trong nước: “Các nước hiện nay cũng phải quay lại việc phát triển thị trường trong nước. Việc phát triển của TP.HCM theo những tiêu chí quốc tế cũng là một bước tập dượt để chuẩn bị cho mục tiêu dài hơi hơn, xa hơn, đi sâu hơn vào các thị trường mới khi điều kiện thuận lợi để phát triển”.

TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận xét, TP.HCM khó có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm bởi chu kỳ kinh tế giảm tác động rất mạnh cũng như độ trễ chính sách. Theo các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và trong nước thì chu kỳ kinh tế phải đến quí II năm 2024 mới trở lại. Do đó, TP không nên quá kỳ vọng vào tăng trưởng mà nên chuẩn bị để bắt nhịp, phát triển nhanh khi chu kỳ kinh tế quay trở lại.

TP.HCM chuẩn bị đón đầu "chu kỳ" kinh tế mới - Ảnh 5.

TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Ảnh: Lệ Hằng

“Câu chuyện đặt ra làm sao khi mà chu kỳ kinh tế quay trở lại chúng ta bắt được xu thế này và bứt phá. Những con số thống kê là quan trọng nhưng chúng ta tham khảo, phân tích chứ không phải là quá kỳ vọng, dồn hết lực vô tăng trưởng thì các yếu tố khác sẽ chậm” - TS. Trương Minh Huy Vũ nói.

TP.HCM vẫn đang nỗ lực cố gắng tập trung cao độ để thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ của năm. Dự kiến năm 2023, TP.HCM sẽ có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt, 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt là tốc độ tăng trưởng và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân. Ngay trong tháng 10 này, TP.HCM sẽ có hội nghị quan trọng để bàn các giải pháp đẩy mạnh trụ cột tăng trưởng là giải ngân đầu tư công cũng như bàn các giải pháp để thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là TP sẽ tập trung kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán.

Về dài hạn, thành phố sẽ chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024. Thuận lợi là việc triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù vẫn đang được TP triển khai đúng tiến độ. Minh chứng là mới đây, HĐND TP.HCM đã thông qua 100 nghị quyết làm tiền đề quan trọng để TP phát triển.

Theo Hà Khánh, Lệ Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên