MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 Đề án Đô thị thông minh

Sau hơn một năm thực hiện Đề án Đô thị thông minh, TPHCM đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.

Ngày 12/5, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 thuộc Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Sau hơn một năm thực hiện Đề án Đô thị thông minh, TPHCM đã triển khai Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở; Xây dựng Trung tâm điều hành chỉ huy của đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế- xã hội và thành lập Trung tâm An toàn thông tin thành phố.

TPHCM công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 Đề án Đô thị thông minh - Ảnh 1.

Sau hơn một năm thực hiện Đề án Đô thị thông minh, TPHCM đã triển khai Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở. (Ảnh: KT)


Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là chương trình thứ 8 trong chương trình đột phá không nằm trong kế hoạch ban đầu, nhưng sau hơn 1 năm triển khai quyết liệt, đã đem lại nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng. Trong đó, nổi bật nhất là sự hoạt động của kho dữ liệu của thành phố tại Công viên phần mềm Quang Trung,  trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các Sở, ngành đã giúp bộ máy chính quyền hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn. Trung tâm điều hành chỉ huy của đô thị thông minh cũng đã phản ánh được tình hình giao thông, mạng lưới camera, thông tin về điện nước…

Bí thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND và các sở, ban, ngành cần sớm cung cấp các địa chỉ, dữ liệu để người dân, doanh nghiệp cần việc có thể vào khai thác ngay; UBND thành phố cũng cần cập nhật dữ liệu về các kết luận của thanh tra thành phố, để người dân và báo chí có thể giám sát. Đồng thời, sớm đưa cơ sở dữ liệu danh mục các dự án đầu tư đang hoạt động trên địa bàn thành phố; công bố danh mục quy trình thời hạn xử lý các hồ sơ trình lên Ủy ban. Đưa cơ sở dữ liệu về các trường Đại học, Cao đẳng, Phổ thông trung học…cũng như dữ liệu về các cơ sở y tế và địa chính để phục vụ nhu cầu sản xuất, cuộc sống, sinh hoạt của người dân.


Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị, UBND thành phố cần xác định 200 địa chỉ nhạy cảm để được giám sát nhanh; Có phương án tích hợp camera chuyên ngành hướng tới giúp TPHCM trở thành thành phố an toàn. Trong đó, cần phân loại các quyền truy cập các trang điều hành, xác định camera có thể nhận dạng được mặt người, kết nối Trung tâm điều hành với các quận huyện, đẩy mạnh dự báo kinh tế những năm tiếp theo của thành phố.

“Chúng tôi đề nghị các đồng chí phải chạy chương trình mô phỏng về ngập của thành phố với các điều kiện từ nay đến hết năm 2020, khi chúng ta làm các công trình, mọi việc thì có chuyển biến như thế nào? Những giải pháp đến năm 2025, nếu làm được gì thì đến năm 2025 ngập kiểu gì? Phải công bố được điều này. Đây chính là đô thị thông minh, là quản lý trên cơ sở dự báo chứ không phải trên cơ sở ăn xổi hàng ngày, hàng tháng, hàng năm nữa”, Bí thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.



Theo Tiến Dũng

VOV

Trở lên trên