TPHCM: Cuối năm 2019 xây xong khu tái định cư Safari Củ Chi
Theo kết luận thanh tra toàn diện về dự án này của Chính phủ, TPHCM phải khẩn trương xây dựng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho những hộ đã đăng ký tái định cư. Trong thời gian chờ xây dựng, UBND TPHCM cần tìm nơi tạm cư cho các hộ này.
Dự án hạ tầng khu tái định cư được duyệt từ năm 2013, với quy mô 18ha, gồm 275 nền (247 hộ có nhu cầu tái định cư), thuộc ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 177 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: san lấp, xây dựng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, chiếu sáng, thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, cây xanh, vỉa hè, công viên.
UBND huyện Củ Chi cho biết ngày 19/6, địa phương đã tổ chức khảo sát mặt bằng và thi công hạng mục hạ tầng của 5 khu đất với tổng diện tích 9,5ha, gồm 161 nền. Đến ngày 8/8, huyện tổ chức khởi công. Tuy nhiên, trong 5 ngày thi công có 26 hộ dân đến ngăn cản không cho thi công.
Theo huyện Củ Chi, các hộ dân này có đất bị ảnh hưởng trong dự án công viên mới, nhưng đất không nằm trong khu xây dựng khu tái định cư. Các hộ yêu cầu phải giải quyết xong kiến nghị của các hộ liên quan đến dự án Safari thì mới được thực hiện khu tái định cư.
Trước đó, ngày 14/6, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Safari. Theo đó, TTCP cho rằng nguyên nhân gây khiếu nại kéo dài là: Chủ đầu tư không đủ năng lực và kinh nghiệm; các sở - ngành chậm thực hiện đồ án quy hoạch; chưa xây dựng khu tái định cư; quá trình bồi thường có sự chênh lệch trong đơn giá...
Cụ thể, dự án Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (thuộc huyện Củ Chi), có diện tích 456,85 ha, cấp phép từ năm 2004 và được UBND TPHCM giao Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Đây là dự án lớn, ảnh hưởng đến 705 hộ dân nhưng trải qua nhiều năm, do không đủ năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm thực hiện dự án, lại phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí cao, không phù hợp quy định nhà nước nên chủ đầu tư không thực hiện được các kế hoạch đề ra, khiến dự án kéo dài nhiều năm.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau 13 năm kể từ ngày TPHCM có văn bản chấp thuận thì đồ án quy hoạch mới hoàn thành và được phê duyệt là thời gian quá dài, trong khi thiết kế quy hoạch chi tiết là tài liệu quan trọng nhưng không được quan tâm đúng mức.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, khi giải phóng mặt bằng phải xây dựng khu tái định cư cho người dân, trường hợp chưa có phải bố trí khu tạm cư hoặc chi tiền tạm cư. Thế nhưng, đến nay, dù đã thu hồi khoảng 80% diện tích đất nhưng khu tái định cư chưa được khởi công, người dân không được bố trí tạm cư (tạm cư tại chỗ) cũng như tại thời điểm thanh tra, người dân chưa được chi tiền tạm cư.
Đặc biệt, theo kết luận thanh tra, một trong những vấn đề cốt lõi gây bức xúc kéo dài là chính sách áp giá bồi thường được người dân cho là không công bằng, gây tình trạng so bì, khiến ngân sách chi vượt.
Cụ thể, qua kiểm tra 705 hồ sơ đền bù, TTCP phát hiện có đến 578 hồ sơ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hằng năm (màu, lúa màu) hoặc đất trồng cây lâu năm (màu, vườn, thổ vườn) được huyện áp giá "đất vườn gò trong khu dân cư" với đơn giá 150.000 đồng/m2, cao gấp đôi đất trồng cây lâu năm đã có hệ số K. Việc này khiến số tiền chi đền bù tăng thêm 104,7 tỉ đồng. Số tiền này đã được chi trả cho 689/705 hộ dân, qua thanh tra chưa phát hiện vụ lợi nhưng TTCP yêu cầu phải kiểm điểm nghiêm khắc, đặc biệt là trách nhiệm của UBND TPHCM, Hội đồng Thẩm định huyện Củ Chi.
Trước những sai phạm trên, TTCP kiến nghị khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho những hộ dân đã đăng ký tái định cư. Trong thời gian chưa xây dựng xong khu tái định cư thì UBND TPHCM cần tìm nơi tạm cư, chi tiền tạm cư cho các hộ này, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Củ Chi và Công ty MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn có phương án, biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng.