MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM đặt mục tiêu tối thiểu 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ vay

29-10-2020 - 21:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Thành phố đặt mục tiêu đến 2025 tối thiểu 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP.

Theo đó, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính. Ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng. Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm.

Mục tiêu tối thiểu 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng. Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng tại địa bàn đạt 7%. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%. Ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

TP.HCM đặt ra mục tiêu phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức được cấp phép cung ứng để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng của những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân cư nông thôn, ngoại thành, người có thu nhập thấp, người yếu thế.

Đồng thời, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính phù hợp, tạo thuận lợi và an toàn cho các giao dịch, đảm bảo thông tin thông suốt giữa tất cả các bên tham gia thị trường.

Mặt khác, phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp.

Theo Huyền Trâm

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên