TP.HCM ‘đói vốn’ đầu tư hạ tầng đô thị
Đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng tại TP.HCM lên tới hơn 500.000 tỉ đồng. Thế nhưng, ngân sách của TP.HCM hiện chỉ mới đáp ứng được 31,8%.
- 06-06-2017Cần trả lại mặt đường sau khi thi công đường sắt đô thị
- 05-06-2017Sẽ xây khu đô thị thông minh 4 tỷ USD tại Hà Nội
- 10-03-2017Quy hoạch hạ tầng đô thị - Yếu tố quyết định để mua nhà chung cư
Thiếu vốn để đầu tư hạ tầng
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số và lao động lần lượt chiếm 9% và 8%. Đất không tăng nhưng dân số ngày càng tăng khiến không gian càng bị nén. Trên 1 km2, dân số TP.HCM gấp 14 lần, còn lao động gấp 12 lần cả nước… Các con số đang không ngừng tăng và đây chính là những thách thức lớn trong quá trình TP.HCM phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa nói rằng mặc dù kết cấu hạ tầng đô thị TP.HCM thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên hạ tầng đô thị của TP hình thành từ lâu nên lạc hậu, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Điều này đã gây bức xúc trong nhân dân như ngập nước, kẹt xe.
Để xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển của TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng (chưa bao gồm chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch) lên tới hơn 500.000 tỉ đồng. Thế nhưng, ngân sách của TP.HCM hiện chỉ mới đáp ứng được 31,8%.
Theo một số chuyên gia kinh tế, TP.HCM sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cấp bách và trọng điểm. Đặc biệt, việc điều tiết ngân sách địa phương giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ càng khiến ngân sách TP.HCM thêm thiếu hụt.
Tính toán của Sở Tài chính TP.HCM cho biết việc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP bị giảm 5% trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ làm cho ngân sách hụt khoảng 50.000 tỉ đồng, tức mỗi năm hụt khoảng 10.000 tỉ đồng.
Giao thông cần nguồn vốn “khủng”
Chỉ tính riêng ở lĩnh vực giao thông, theo ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, hiện nay TP.HCM đã đầu tư được hơn 106km các tuyến đường hướng tâm, xây dựng tuyến metro số 1, đang đầu tư vành đai 2 (chưa khép kín), xây dựng được gần 65 km trục xuyên tâm, đang kêu gọi đầu tư 2 tuyến đường trên cao…
Mặc dù vậy, quỹ đất dành cho giao thông trên đất xây dựng của TP chỉ đạt 8,5% với hơn 8 triệu phương tiện, trong khi theo quy hoạch là 22,3%. Do đó, để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2025, TP cần 553.879 tỉ đồng kinh phí đầu tư cho 203 dự án.
Trong số này, các công trình giao thông cầu đường bộ kết nối liên vùng, các tuyến vành đai và các trục hướng tâm cần tổng kinh phí là 339.946 tỉ đồng cho 137 dự án; các công trình bãi đậu xe ôtô cần tổng kinh phí 71.458 tỉ đồng cho 41 dự án; vận tải hành khách công cộng với tổng kinh phí 142.475 tỉ đồng cho 25 dự án.
Theo ông Cường, trong những năm qua, công tác đầu tư hạ tầng giao thông được lãnh đạo TP quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp nên kết quả đầu tư chưa được hoàn tất theo quy hoạch duyệt do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là việc thiếu hụt nguồn vốn giữa nhu cầu và thực tế.
Giữa tháng 4.2017 vừa qua, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho TP được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với 12 dự án giao thông do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội.
Dự kiến, tổng mức đầu tư của 12 dự án này hơn 66.000 tỉ đồng. Trong đó, có những dự án cấp bách cần xây dựng ngay, đơn cử như dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 2 để hình thành được tuyến tránh cho các phương tiện giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực phía đông của TP…
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn ngân sách, khả năng bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn (2017-2020) chưa có. Trong khi đó, việc kêu gọi nguồn vốn ODA lại bị hạn chế.
Do đó, với nhiều công trình cần ưu tiên, việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư với quy mô thích hợp là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay. TP cũng sẽ huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư phát triển đô thị. Thế nhưng, hình thức này cũng gặp khó khăn vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang lại lợi nhuận không cao như những lĩnh vực khác.
Hàng loạt lĩnh vực cần vốn lớn
Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông, hàng loạt lĩnh vực khác tại TP.HCM cũng đang cần cần nguồn vốn lớn để phát triển.
Như về vấn đề nhà ở, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn nói rằng TP.HCM đang có khoảng 935 chung cư cũ, trong đó có 577 chung cư được xây dựng trước năm 1975, phần lớn bị xuống cấp. Đến năm 2020, TP cần cơ bản hoàn thành tháo dỡ và xây mới ít nhất 50% chung cư hư hỏng nặng.
Đối với chương trình chỉnh trang phát triển đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch, TP cần phải di dời khoảng 20.000 căn hộ, trong đó chiếm hơn 50% trên địa bàn quận 8. Đây là hai nhiệm vụ rất khó khăn và đang cần vốn lớn của doanh nghiệp.
Hay trong lĩnh vực môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng thông tin rằng TP.HCM đang rất khó khăn khi mỗi ngày phải xử lý 8.300 tấn rác, trong đó chiếm đến 76% là công nghệ chôn lấp. Dự báo đến năm 2020, TP sẽ phải xử lý hơn 10.000 tấn rác mỗi ngày (mỗi năm tăng 5%).
Để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, TP.HCM đang kêu gọi các nhà đầu tư có công nghệ đốt, phát điện tham gia. Ngoài ra, TP cũng kêu gọi nhà đầu tư sân golf, công viên cây xanh… tại các bãi chôn lấp rác đã ngưng tiếp nhận.
Ngoài các lĩnh vực trên, một số lĩnh vực vẫn còn “đói” vốn nên TP.HCM vẫn đang kêu gọi đầu tư, đơn cử như các dự án chống ngập. Để chống ngập hiệu quả, đến năm 2020, TP cần tới hơn 73.000 tỉ đồng để thực hiện.
Một thế giới