Tp.HCM dự kiến thu phí công trình, hạ tầng cảng biển vào tháng 8/2020
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 796/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố.
Theo đó, Tp.HCM dự kiến sẽ thu phí hạ tầng cảng biển vào tháng 8 năm nay. Tại cuộc họp trước đó, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, Hải Phòng đang thu phí này rất hiệu quả. Trường hợp Tp.HCM tổ chức thu phí hạ tầng cảng biển sẽ tạo được nguồn thu lớn để đầu tư hạ tầng giao thông, tháo gỡ vướng mắc trong kết nối cảng biển với hệ thống giao thông và phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển. Lợi ích mang lại là sẽ tạo nguồn thu vững chắc cho sự phát triển của Tp.HCM.
Từ đề xuất trên, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND Tp.HCM lập tổ công tác, tìm hiểu kinh nghiệm Hải Phòng và sớm báo cáo HĐND Tp.HCM về việc thu phí.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 796/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố. Nhân sự Tổ công tác gồm 19 thành viên, trong đó đại diện của Cục Hải quan Tp.HCM là Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng - Tổ phó Tổ công tác và 2 thành viên là cán bộ của đơn vị.
Dự kiến tháng 8/2020, Đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại Tp.HCM sẽ được trình UBND TPHCM xem xét, thông qua.
Được biết, Tp.HCM có vị trí cảng biển và sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tương đồng với Hải Phòng. Cảng biển Tp.HCM gồm 4 khu bến chính nằm dọc các sông từ phía đông xuống phía nam thành phố: Cảng Cát Lái (7 cảng), cảng trên sông Sài Gòn (12 cảng), cảng Nhà Bè (11 cảng), cảng Hiệp Phước (12 cảng).
Tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa qua cảng bình quân hàng năm là 5%, liên tục tăng nhanh và vượt mức dự báo. Trung bình có khoảng 26.000 lượt xe vận tải hàng hóa ra vào cảng biển mỗi ngày.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ kết nối các cụm cảng phát triển chậm, không theo kịp sự phát triển của các cảng biển, dẫn đến ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường... Đây là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Tp.HCM.
Chính vì vậy, giải pháp cho vấn đề này là phải đầu tư xây dựng các tuyến đường mới, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để đảm bảo lưu thông hàng hóa, tăng sức cạnh tranh hệ thống cảng. Để có nguồn vốn hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển, việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố là phù hợp.