MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: Không đánh đổi đất vàng cho hình thức BT

12-11-2017 - 16:27 PM | Bất động sản

Bên cạnh mặt tích cực giúp huy động được nguồn vốn lớn từ xã hội, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng hoặc theo hình thức BT, BOT khá phổ biến trong thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, có thể phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm.

Chưa phát huy hết hiệu quả

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM (KH-ĐT), cho biết thông qua hình thức BT trong giai đoạn 2015 - 2017, thành phố đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, để đầu tư phát triển hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện ngân sách còn hạn chế.

Qua triển khai, thành phố đã hoàn thành những dự án như: cầu Phú Mỹ 2; cầu Sài Gòn 2; mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, nhà máy xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát… góp phần thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố.

Cũng theo đánh giá của Sở KH-ĐT, dù có nhiều hiệu quả, các dự án theo hình thức PPP, BT… vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thành phố. Có rất nhiều nhà đầu tư muốn khai thác hình thức BT nhưng quỹ đất và ngân sách hạn chế. Khó khăn trong đền bù giải tỏa cũng gây ức chế cho doanh nghiệp khi dự án kéo dài, chậm trễ.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình MPP – Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng TP.HCM có thuận lợi trong đầu tư theo phương thức BT. Bởi tính khả thi của các dự án rất cao vì tác động kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng lớn.

Bên cạnh đó, địa phương cũng quy tụ được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực nhất nước. Tuy nhiên, vẫn có nhiều rủi ro là khả thi về tài chính không cao, trong khi đó nguồn lực địa phương có hạn nên không hỗ trợ được quá trình phát triển dự án.

Tiến sĩ Du đưa ra dẫn chứng, trong vòng 30 năm qua phương thức đối tác công tư này ở TP.HCM đang gặp rất nhiều trục trặc và chưa gặt hái được thành công. Ngay cả dự án khu đô thị phía Nam thành phố (Phú Mỹ Hưng) được xem là dự án thành công nhất, với số vốn ngân sách thu được hơn 1 tỷ USD, nhưng vẫn cần đánh giá lại. Bởi trên thực tế thành phố chỉ thành công ở khoảng 400 ha so với diện tích 2.600 ha.

Tiếp theo là Khu đô thị Thủ Thiêm, từ khi hình thành dự án đến nay chưa có công trình nào được gọi là trọng điểm hay vì mục tiêu phát triển. Năm 2009, TP.HCM đã quyết định bỏ ra hơn 20.000 tỷ để đền bù trực tiếp, nếu tính lãi suất cho khoản này theo chi phí sử dụng vốn thì nó tương đương với chi phí bỏ ra, mà việc khai thác vẫn chưa đâu vào đâu.

Trên thực tế thời gian qua bên cạnh mặt tích cực giúp huy động được nguồn vốn lớn từ xã hội, có ý kiến cho rằng việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng hoặc theo hình thức BT, BOT khá phổ biến trong thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, có thể phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm.

Do hình thức BT dựa hoàn toàn vào việc đổi đất lấy hạ tầng và bên cạnh quỹ đất hạn chế, có ý kiến cho rằng quá trình đổi đất còn không minh bạch gây bức xúc cho các nhà đầu tư.

Đi sâu vào phân tích những hạn chế, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM đã chỉ ra những hạn chế nói trên thể hiện ở chỗ có thể đã tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi "kép" như mong muốn. Một là khi nhận thầu thi công công trình (đầu B - Building: Xây dựng), dự toán công trình thường do nhà thầu cũng là đơn vị đề xuất; hai là các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa và đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông để đầu tư kinh doanh bất động sản (đầu T - Transfer: Chuyển giao), thường cũng do nhà thầu kiêm nhà đầu tư đề xuất các khu đất được thanh toán bù trừ.

Đại diện HoREA khẳng định việc thực hiện phổ biến hình thức chỉ định nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án BT, BOT… làm giảm đi tính minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh; tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước (vì dự toán công trình nếu không được thẩm định chặt chẽ có thể bị nhà thầu nâng cao hơn giá trị thực, đồng thời nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách) và gây quan ngại cho xã hội.

Sử dụng hình thức đấu giá công khai

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, mô hình BT thì hoàn toàn dựa vào phương thức đổi đất lấy hạ tầng, mà thực chất là hàng đổi hàng; vốn dĩ rất cực đoan và nhiều rắc rối. Nếu phương thức này cứ tiến hành như hiện nay thì chủ đầu tư có 2 lần lợi thế. Vừa tính được dự toán của công trình và vừa định giá được thông qua chỉ định thầu. Đó là vấn đề đặt ra để chúng ta xem lại cách làm trong thời gian tới phù hợp với tiềm năng.

Hiện tại, trong điều kiện của TP.HCM, khai thác giá trị từ đất vẫn là phương án tối ưu, quan trọng nhất để tạo nguồn lực cho phát triển. Việc cần làm là thành phố nên hạn chế hợp tác đầu tư theo kiểu “hàng đổi hàng”, mà đẩy mạnh đổi tiền mặt lấy hạ tầng. Tiền mặt huy động từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, thành lập quỹ đầu tư, hoặc phát hành trái phiếu công trình. Như vậy, giá trị từ đất mới được phát huy tối đa.

Theo kế hoạch, từ năm 2016 - 2020, thành phố có nhu cầu đầu tư lớn với tổng vốn khoảng 850 nghìn tỷ đồng, trong đó khả năng ngân sách chỉ đáp ứng được 20%. Để huy động nguồn lực xã hội hóa như hình thức BT, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chính quyền thành phố cần phải tính toán hết sức cẩn thận, chặt chẽ để sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Đặc biệt là câu chuyện những khu đất vàng.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc chỉ định nhà đầu tư cho các khu đất vàng… mà nguồn vốn nhà đầu tư chỉ chiếm 10%, còn 90% toàn vốn vay đã ảnh hưởng đến vốn đầu tư. Trong khi Nhà nước lại thiếu cơ chế kiểm soát, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hưởng lợi hai lần.

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị phải đấu giá công khai, minh bạch với các hình thức PPP, BT, kể cả các khu đất vàng đối ứng cũng phải đấu giá, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM ông Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các khu đất vàng của thành phố. Nếu không quản lý khéo dễ rơi vào tình trạng tiêu cực. Do đó chủ trương của thành phố là phải đấu giá, không BT đổi những mảnh đất này được.

Và để thực hiện việc này, trước mắt UBND TPHCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng danh mục quỹ đất công khai để đấu thầu, thanh toán các hợp đồng BT tại thành phố. Đồng thời, Sở Tài chính sẽ xây dựng kế hoạch đa dạng các phương thức thanh toán cho chủ đầu tư dự án BT.

Còn về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hoàn thành dự thảo sửa đổi bổ sung nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để trình Chính phủ xem xét ban hành thay thế Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Hiện đang có khoảng 130 nhà đầu tư đăng ký tham gia các dự án theo hình thức đối tác công tư tại thành phố với tổng vốn khoảng 350.000 tỉ đồng. Do cần phải có quy trình mới công khai minh bạch hơn nên UBND TPHCM chủ trương tạm dừng tất cả các dự án đầu tư theo hình thức BT.

Theo G.MIÊU - T.VY

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên