MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM muốn được tự tăng thuế, phí, ban hành chính sách thu phí mới và được hưởng 100%

14-11-2017 - 11:03 AM | Xã hội

Đây là một trong những nội dung thuộc Tờ trình về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh do Chính phủ trình lên Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 lần này.

Ngày 14/11, Quốc hội tiếp tục làm việc với nội dung liên quan đến Tờ trình về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, địa phương này đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước của cả nước.

Tuy nhiên, vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đang chậm lại. Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức ép quy mô dân số tăng nhanh, hạ tầng chậm cải thiện, tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, khả năng thu hút vốn đầu tư mới giảm, cản trở sự phát triển bền vững của Thành phố.

Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển mới. Nội dung những có chế chính sách đặc thù của Tp.HCM được đề xuất theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền TP. Hồ Chí Minh.

5 nội dung lớn trong nổi bật trong cơ chế chính sách đối với Tp.HCM liên quan đến quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Về quản lý đất đai, Tờ trình đề xuất thí điểm giao cho HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất. Nội dung này theo quy định tại Điều 58 của Luật đất đai năm 2013, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Về quản lý đầu tư, đề xuất thí điểm giao cho HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố theo quy định của Luật đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật đầu tư công. Nội dung này theo quy định tại Điều 8 của Luật đầu tư công, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời quy định về trình tự, thủ tục quyết định thực hiện như đối với dự án nhóm B đã giao cho Thành phố thực hiện, nhưng bổ sung thêm điều kiện phải có báo cáo tiền khả thi.

Về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, giao cho TP. Hồ Chí Minh được thực hiện thí điểm đối với Luật thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu); tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới. Đồng thời quy định UBND thành phố phải lập đề án để trình HĐND thành phố xem xét báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Các khoản thu tăng thêm do điều chỉnh chính sách thu trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.

Sau khi bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định của cấp có thẩm quyền quyết định cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, HĐND TP. Hồ Chí Minh được quyết định sử dụng nguồn tiền lương còn dư để thực hiện tăng chi đầu tư, mua sắm,...

Ngoài ra Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho Thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của TP. Hồ Chí Minh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Theo quy định hiện hành mức dư nợ vay của TP. Hồ Chí Minh không quá 70% thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Tờ trình cũng ghi rõ việc tăng giới hạn mức dư nợ vay sẽ tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh có thêm dư địa huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển Thành phố.

Đề xuất ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sau khi đã khấu trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).

Theo quy định tại khoản k Điều 35 của Luật ngân sách nhà nước khoản thu trên ngân sách trung ương hưởng 100%. Nay dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách TP. Hồ Chí Minh được hưởng 50%, trừ thu tiền sử dụng đất gắn tài sản trên đất của các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Ngân sách thành phố cũng được đề xuất hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP. Hồ Chí Minh quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

TP. Hồ Chí Minh sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập và 02 bệnh viện tuyến cuối của Thành phố; ngân sách trung ương sẽ không bổ sung cho Thành phố 18.800 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP. Hồ Chí Minh quản lý, HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố. Việc thực hiện các quy định này phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra UBND TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, để phù hợp với đặc điểm của Thành phố.

Theo Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên