MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: Nhiều thách thức cho siêu đô thị

10-10-2016 - 10:55 AM | Bất động sản

TPHCM đang đi những bước đầu tiên để hướng đến xây dựng “TP thông minh”. Tuy nhiên, chính quyền TP đang phải đối mặt với không ít thách thức, như không kiểm soát được gia tăng dân số cơ học, quá tải hạ tầng giao thông, tình trạng phát triển các khu đô thị manh mún, tác động từ biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Đây là đề tài được đem ra mổ xẻ tại chương trình hội thảo chuyên đề “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TPHCM” vào cuối tuần qua.

Chưa đáp ứng yêu cầu đô thị đặc biệt

Nhận xét về phát triển đô thị của TPHCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng TPHCM là đô thị đặc biệt, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh. Thời gian qua chính quyền đã thực hiện nhiều chương trình chỉnh trang, nâng cấp đô thị tạo nên diện mạo mới cho TP. Ấn tượng nhất là sự hồi sinh của những dòng kênh đen Nhiêu Lộc- Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm…

Phải đẩy mạnh sự phân cấp, phân quyền cho TPHCM trong công tác chỉnh trang đô thị. Áp dụng cơ chế đặc thù cho TPHCM nhằm tạo vốn, thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng. Thực hiện các biện pháp, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước để thị trường BĐS phát triển lành mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM

Hàng triệu người dân sống ven và trên những dòng kênh này đã được cải thiện đáng kể về môi trường sống. Hàng loạt công trình trọng điểm về giao thông cũng được đầu tư xây dựng góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, TPHCM cũng đối mặt với nhiều khó khăn mới như không kiểm soát nổi về gia tăng dân số cơ học, tình trạng lấn chiếm kênh rạch để làm nhà, quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, xây dựng nhiều khu dân cư manh mún… Trong khi đó, theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, TP hiện có 474 chung cư hư, cũ, xuống cấp cần sửa chữa thay mới. Những bất cập này đã tạo sự quá tải cho phát triển đô thị của TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong những năm qua, TP tập trung nguồn vốn để chỉnh trang và phát triển đô thị, di dời nhà ở ven kênh rạch, xây dựng mới các chung cư cũ; đồng thời thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới, nhà ở xã hội. Thực hiện nghị quyết Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2020 TP di dời toàn bộ 20.000 người dân đang sống trên và ven kênh rạch, thay thế và xây mới 50% chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Để hoàn thành mục tiêu này, TPHCM phải có những giải pháp kịp thời và sự đồng thuận của Nhân dân.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch-Phát triển TPHCM, hệ thống cơ sở hạ tầng của Sài Gòn do người Pháp xây dựng ban đầu chỉ 50km2 cho 500.000 người, sau đó mở rộng ra 170 km2 cho 1,2 triệu người. Giai đoạn trước năm 1975, Sài Gòn được tiếp tục mở rộng ra hơn 250km2 cho 2,5 triệu người và đến nay là 2.100km2 cho khoảng 10 triệu người. Hình thái phát triển của TP về cơ bản là mở rộng ra từ một trung tâm theo kiểu vết dầu loang, lấy các trục giao thông nối dài làm điểm tựa để hình thành các khu dân cư và các điểm nút dịch vụ.

Mỗi một giai đoạn mở rộng lại có một sự thay đổi lớn về đất đai, dân số và kèm theo đó là hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Sự không đồng bộ về hạ tầng là một trong số các thách thức rất lớn cho nâng cấp, chỉnh trang và phát triển. Hầu hết các trường hợp cố gắng đều mang đến sự lệch pha và hậu quả rõ rệt nhất là sự không đồng bộ hệ thống cấp nước, thoát nước, đường giao thông, cầu cống và vỉa hè.

Chấp nhận phát triển không đồng bộ?

Theo quan điểm muốn phát triển toàn TP thành một hệ thống thống nhất, đồng bộ, liên kết chặt chẽ là không thể, TP phải chấp nhận sự phát triển không đồng bộ. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là một thực tế. Một thí dụ điển hình là hệ thống cống thoát nước ở trung tâm TP được làm từ thời Pháp có độ dài 932km, có tiết diện 0,8x 1,6m.

Để thay thế hệ thống cống thoát lớn hơn 4-6m là không thể, vì phải nâng nền toàn bộ các quận 1, 3 và 5, hoặc đào sâu xuống hơn nữa sẽ thấp hơn mức nước sông Sài Gòn. Như vậy các tiêu chuẩn đồng bộ, thống nhất trong nhiều trường hợp chỉ có thể thực hiện được theo khu vực, chấp nhận phân mảnh, phân khu và có các phần trung gian chuyển tiếp để nối giữa cũ và mới, giữa hiện đại và truyền thống...

Lịch sử của các thế hệ trước đã để lại cho TPHCM một khu vực trung tâm với trạng thái cư trú rất khó khăn cho cải tạo, nâng cấp và chỉnh trang. Nhà hình ống chiếm quá nhiều mặt bằng diện tích, nhưng lượng dân số sống trên đó lại rất ít, hiệu quả sử dụng đất rất thấp. Do vậy cần phải cấu trúc lại các khu dân cư từ chỗ phân tán trên diện rộng sang dạng “nén”. Việc này mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm đất dành cho không gian công cộng.

PGS. TS Nguyễn Minh Hòa

Bên cạnh đó, dân số TP gia tăng liên tục và phân bố không đều, đặc biệt giai đoạn từ năm 1990 đến nay. Theo đó, hiện dân số TP là 8,7 triệu thường trú và 2,5 triệu người vãng lại, mỗi năm tăng thêm 200.000-250.000 dân. Điều đặc biệt là hơn 70% dân số tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm và vành đai 1 và 2 trong diện tích khoảng 170km2.

Trong khi quỹ đất đã cạn kiệt, dân số gia tăng nhanh, mật độ cao; việc phá bỏ các khu chung cư cũ nát, tái định cư tại chỗ, phát triển các dự án công trình công cộng (công viên, trường học, nhà trẻ, nhà hát...), sắp xếp lại dân cư cho hợp lý hơn tạo ra các khoảng trống cho dễ thở, đảm bảo các tiêu chí quốc gia (chưa nói tầm quốc tế) về mật độ cây xanh, giao thông, diện tích nhà ở… rất khó khăn.

Do điều kiện sống của khu vực trung tâm khá tốt, thuận tiện giao thông và các dịch vụ, cho nên với những khu nhà lụp xụp cần phải giải tỏa như Mả Lạng, Cô Bắc, Cô Giang, những khu ổ chuột dọc theo kênh rạch ở Bình Thạnh, quận 4, các chung cư cũ cần dỡ bỏ là cần thiết, nhưng người dân có nguyện vọng và có quyền tái định cư tại chỗ, loanh quanh quận 1, quận 3. Nhưng do dân số quá đông, trong khi khoảng đất lớn, sạch để xây các khu nhà mới ngày càng trở nên hiếm hoi, do vậy nhiều dự án chỉnh trang đô thị vẫn mãi ở trên giấy, không biết đến bao giờ mới hiện thực hóa được.

Ngập nước và kẹt xe đang là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Ngập nước và kẹt xe đang là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Cơ chế và giải pháp đặc thù

Thực tế, theo PGS. Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường cán bộ TPHCM, thời gian qua TP đã kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng các cơ chế phân cấp mạnh mẽ và một số chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho TP chủ động huy động các nguồn lực cho đầu tư, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cũng cho rằng ngoài việc cần những cơ chế đặc thù để huy động các nguồn lực phát triển đô thị, TP cũng cần đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án BĐS, trước hết là các dự án xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, các dự án chỉnh trang kênh rạch; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải phóng mặt bằng, giải quyết tạm cư, tái định cư; tạo điều kiện thông thoáng trong việc chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư, nhất là các dự án đang bồi thường giải phóng mặt bằng dở dang để tái khởi động, giúp cho thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng theo hướng minh bạch, lành mạnh và bền vững.

TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng để TPHCM phát triển cần phải làm ngay 5 việc. Thứ nhất, chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị cần nhắm đến mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh. Thứ 2, nhất quán trong các chính sách, đảm bảo phát triển đô thị nén với việc tập trung vào những nơi đã định hình đô thị; hạn chế phát triển đô thị mới phân tán với mật độ thấp và phải giữ được vành đai xanh của TP.

Thứ 3, gắn chương trình đột phá về giải quyết ùn tắc giao thông với chỉnh trang và phát triển đô thị bằng việc định hướng vận tải công cộng. Thứ 4, phát triển Thủ Thiêm gắn kết với khu trung tâm hiện hữu để đưa TPHCM thành trung tâm cung cấp dịch vụ cho cả vùng Nam bộ. Cuối cùng, phát triển vùng kinh tế Nam TPHCM gắn với liên kết vùng để khai thông bế tắc trong liên kết vùng hiện nay.

Về giải pháp điều chỉnh quy hoạch đô thị nhằm thực hiện hiệu quả chương trình chỉnh trang đô thị, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng TP cần tổ chức nghiên cứu phân vùng trong quản lý phát triển đô thị và nghiên cứu kế hoạch phát triển đô thị của từng khu vực cụ thể cũng như cho toàn TP. TPHCM cần giữ cho bằng được hệ thống các đồ án quy hoạch chung, xây dựng đô thị tại các quận, huyện đã được phê duyệt như hiện nay. Theo giải pháp phân vùng này, TP có thể xây dựng được các tiêu chí khá thuận lợi cho công tác chỉnh trang đô thị.

Theo Trà Giang

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên