MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM quyết tâm có mặt bằng để sớm khởi công Vành đai 3

TP.HCM quyết tâm có mặt bằng để sớm khởi công Vành đai 3

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An; tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 75.378 tỷ đồng, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM dự kiến khởi công vào tháng 6/2023. Đây là một dự án đặc biệt lớn, trải dài ở 4 tỉnh, thành với 8 dự án thành phần. Do đó sự đồng bộ là quan trọng nhất để dự án có thể được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng mong mỏi của hơn 20 triệu người dân ở Đông Nam bộ.

Và khâu quan trọng nhất, quyết định thành công của toàn dự án chính là giải phóng mặt bằng. Đây cũng là nhiệm vụ mà các địa phương đang ráo riết triển khai trong thời gian qua.

Người dân đồng tình, mong giá đền bù thoả đáng

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An; tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 75.378 tỷ đồng, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương. Đây là dự án mang tầm vóc quốc gia, dự kiến khởi công vào năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026. Dự án khi hoàn thành sẽ là động lực thúc đẩy vùng Đông Nam bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Với một dự án trọng điểm quốc gia, khối lượng công việc rất lớn trong khi thời gian không còn nhiều, các địa phương đang khẩn trương triển khai các phần việc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, được đánh giá là chiếm hơn 50% khả năng thành công.

TP.HCM quyết tâm có mặt bằng để sớm khởi công Vành đai 3 - Ảnh 1.

Dự án Vành đai 3 kỳ vọng sẽ giúp Đông Nam bộ cất cánh

Tại Bình Dương, thống kê sơ bộ có khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Qua các buổi họp, hầu hết các hộ dân đều đồng tình ủng hộ việc thực hiện dự án quan trọng theo chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, người dân mong muốn các cơ quan chức năng xem xét giá đền bù giải tỏa cần phù hợp với giá thị trường để họ có thể ổn định cuộc sống.

Bà Phạm Thị Bình, một hộ dân ở Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dự án cho biết: "Gia đình được thông báo đường Vành đai 3 vào tới sân nhà. Đường nhỏ không nói, nhưng đường Vành đai 3 xe chạy ầm ầm không chịu nổi. Nhà này sẽ không dám ở phải xây hàng rào, nếu mà sợ thì phải thụt lùi vào trong, tốn tiền. Do đó, giá đền bù phải thỏa thuận đúng giá, nếu không đúng giá cũng tội người dân".

TP.HCM quyết tâm có mặt bằng để sớm khởi công Vành đai 3 - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Bình, một hộ dân ở Bình Dương chỉ căn nhà sẽ phải giải tỏa một phần để làm đường Vành đai 3. (Ảnh: T.L)

Theo nhiều người dân, dự án Vành đai 3 được quy hoạch rất lâu nhưng thông tin đến người dân về dự án cũng như tiến độ thực hiện còn hạn chế. Do thời gian dự án kéo dài, nhà cửa xuống cấp nhưng họ không thể sửa chữa, cải tạo. Do đó, bà con mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.

Ông Huỳnh Mộng Cường, ngụ ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết: "Mong nhà nước hỗ trợ cho bà con giá đền bù thỏa đáng. Mong rằng cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tái định cư suất chính chứ không phân biệt suất phụ hay suất chính, thì người dân sẽ không đồng lòng".

TP.HCM quyết tâm có mặt bằng để sớm khởi công Vành đai 3 - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Mộng Cường - người dân ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch xem quy hoạch về đường Vành đai 3 (Ảnh: D.P)

Hiện các địa phương vẫn đang tiến hành khẩn trương việc giải phóng mặt bằng, nhưng khó khăn là vẫn còn nhiều chủ đất do ở xa nên chưa thể liên hệ. Tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), có khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng mới chỉ mời được 60 hộ dân để nắm thông tin.

Ông Nguyễn Thành Dũng, nhân viên Tổ bồi thường giải phóng mặt bằng của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết: "Trước mắt, chúng tôi nhờ vào những hộ dân lân cận dò hỏi giúp, nếu không thuận tiện sẽ đăng báo, đài về thông tin dự án để giúp người dân nắm bắt và sớm liên hệ với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Dầu Một để cung cấp giấy tờ, hồ sơ. Từ đó, chúng tôi se lập hồ sơ bồi thường đúng theo quy định".

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến cuối năm 2022, người dân khu vực bị giải tỏa sẽ có quyết định thu hồi đất, trong đó nêu rõ diện tích thu hồi và được đền bù.

Đối với mức giá đền bù, bà Hoàng thông tin: "Giá sẽ rơi được xác định trong năm 2023. Hội đồng thẩm định giá sẽ thẩm định giá. Tôi đề nghị tiếp tục nắm lại tâm tư, nguyện vọng của bà con, làm thế nào khi có kiểm đếm, thu hồi thì nhận được sự đồng thuận của bà con".

TP.HCM quyết tâm có mặt bằng để sớm khởi công Vành đai 3 - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (Ảnh: D.P)

Xem Vành đai 3 là kiểu mẫu trong giải phóng mặt bằng

Với TP.HCM, dự án Vành đai 3 đi qua 4 địa phương là TP Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh với chiều dài hơn 47km, dự kiến có hơn 1.600 hộ bị ảnh hưởng. Sở Tài nguyên – Môi trường cùng với các sở, ngành TP đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Các địa phương cũng vận động nhân dân để tạo sự đồng thuận, giúp cho việc đo đạc, kiểm đếm thuận lợi trước thời điểm ban hành thông báo thu hồi đất.

Trong đó, tại TP Thủ Đức, nơi có hơn 520 trường hợp bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng đã đo đạc, kiểm đếm hơn 2/3; còn ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, do số hộ ảnh hưởng ít hơn nên công tác này gần như hoàn thành.

TP.HCM quyết tâm có mặt bằng để sớm khởi công Vành đai 3 - Ảnh 5.

Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Thủ Dầu Một,Bình Dương chỉ cho người dân biết nhà người dân bị ảnh hưởng bởi đường Vành đai 3 (Ảnh: T.L)

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cho biết, Sở đăng kí và cam kết với lãnh đạo TP Dự án Vành đai 3 sẽ là dự án kiểu mẫu cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và sẽ áp dụng chung cho tất cả các dự án tại TP.HCM từ năm 2023 trở về sau; việc này được thực hiện bằng các hành động cụ thể.

"Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ cùng với địa phương hỗ trợ tối đa bà con nhân dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án trong việc đăng kí kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng với phần đất còn lại sau khi thu hồi. Đồng thời sẽ rút ngắn thời gian đăng kí biến động giảm diện tích để người dân sớm nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có thể thực hiện ngay các quyền của người sử dụng đất theo quy định" - ông Võ Trung Trực nhấn mạnh.

Dự kiến đến ngày 30/11, TP sẽ trình dự án khả thi về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sau đó sẽ tiến hành các bước thu hồi đất, tái định cư… Mới đây, TP.HCM cũng đã thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng việc kí kết giao ước thi đua giữa các sở, ngành và các địa phương có dự án đi qua.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này và đề nghị công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Vành đai 3 phải “mẫu mực và tiến độ”, đảm bảo đến tháng 6/2023 cơ bản giao mặt bằng đủ điều kiện khởi công dự án và phấn đấu đến cuối quý 3/2023 hoàn thành bàn giao mặt bằng, thay vì cuối năm như kế hoạch.

Ông Phan Văn Mãi cũng khẳng định tầm quan trọng của công tác điều tra xã hội học, nắm bắt, hiểu được tâm tư tình cảm của người dân để đền bù hỗ trợ, tái định cư phù hợp với nguyện vọng người dân.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ lên 3 tháng là một “áp lực” nhưng TP hoàn toàn có khả năng làm được.

TP.HCM quyết tâm có mặt bằng để sớm khởi công Vành đai 3 - Ảnh 6.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ảnh: H.K)

Theo ông Phúc: "Như Chủ tịch giao nhiệm vụ thì hiện các địa phương đang phấn đấu đẩy nhanh hơn nữa công tác này. Tất nhiên tuỳ thuộc vào công tác chuẩn bị, quá trình vận động bà con, tuỳ thuộc sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng chúng ta có niềm tin rằng với dự án Vành đai 3 này, tiến độ dự án thành phần 1 và 2 chắc chắn sẽ đẩy nhanh hơn nữa trong thời gian tới".

Cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ dự án, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết dự kiến đến cuối tháng 4/2023 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng ít nhất 70% để khởi công sớm dự án thành phần trên địa bàn, thay vì tháng 6/2023 như Trung ương giao.

Để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, các địa phương đang khẩn trương tiến hành các phần việc có liên quan trong công tác phối hợp điều tra, khảo sát, điều phối nguồn cung ứng vật liệu giữa các địa phương, đảm bảo cung cấp vật liệu xây dựng theo tiến độ thực hiện cho các dự án thành phần.

Theo Nhóm PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên