MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM sẽ làm gì để xử lý hết hơn 500 dự án "án binh bất động"?

10-12-2016 - 08:27 AM | Bất động sản

TP.HCM hiện còn hơn 500 dự án “treo” đang gây nhức nhối với các cơ quan chức năng và người dân. Mặc dù nhiều năm qua, thành phố đã có các biện pháp xử lý, nhưng đến nay hàng loạt dự án này vẫn "treo" dai dẳng.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM cuối tuần qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết hiện toàn TP. HCM có 502 dự án tạm ngưng, chiếm 41,18% số dự án trên địa bàn. Nhiều dự án trong số này đã khởi động cả chục năm, nhưng vẫn “án binh bất động”.

Điển hình như theo báo cáo của UBND quận 9, về quy hoạch quận có gần 200ha thuộc dự án của một số trường đại học, trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá dự kiến xây mới gồm có: Trường ĐH Kiến trúc (quy mô 40 ha), Trường ĐH Kinh tế (50 ha), Trường ĐH Luật (30 ha), ĐH Marketing (15 ha), Nhạc viện TP (20 ha), Học viện Tư pháp (9 ha), Trường Đào tạo cán bộ ngành giáo dục TP (5 ha), Trường CĐ và ĐH Nguyễn Tất Thành (14 ha), Trường CĐ Tài chính hải quan (21 ha), ký túc xá Trường Bưu chính viễn thông…

Đến nay chỉ có Trường ĐH Luật đang lập hồ sơ triển khai dự án, còn một số trường khác vẫn chưa triển khai dù đã được TP.HCM giao đất. Còn lại các dự án khác đến nay đều "treo", chưa thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai dự án.

Tại TP. HCM, không chỉ dự án của các chủ đầu tư thiếu năng lực mới bị “trùm mền”, mà cả những dự án của một số đơn vị có tiềm lực tài chính cũng bị đình trệ. Chẳng hạn, Dự án Khu công viên vui chơi giải trí đa năng Park City, quy mô 49,5 ha, được cấp phép từ năm 2008 cho Saigon Max. Đây là công ty liên doanh giữa Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Saigon Entertainment Park Holding (S) Pte Ltd (Singapore).​ Hiện nay dự án này là một bãi đất mênh mông cỏ dại, nhiều người dân đã dựng nhà tạm để sinh sống qua ngày.

Đánh giá về nguyên nhân các dự án đang treo, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, dự án dở dang có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp tạm dừng để đánh giá lại nhu cầu của thị trường, nhưng cơ bản nhất vẫn là do doanh nghiệp gặp khó về vốn.

Về việc xử lý các dự án treo, ông Phong cho rằng quan điểm của UBND TP.HCM là không chấp nhận các dự án đã được cấp phép mà triển khai chậm, kéo dài, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Các cơ quan chức năng gần đây đã kiểm tra, xử lý nhiều dự án cụ thể và từ đó cũng nhận thấy, người dân đã bị ảnh hưởng rất lớn, công chuyện làm ăn, xây cất không được thuận lợi.

Qua đó, UBND TP.HCM đã giao cho cơ quan chức năng xử lý đối với các dự án kéo dài. Việc này thành phố có thái độ hết sức kiên quyết, rõ ràng: nếu dự án không triển khai được thì phải thu hồi. Lãnh đạo TP rất nhức nhối với các dự án kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. TP.HCM cam kết sẽ xử lý quyết liệt và trong thời gian nhanh nhất.

Theo ý kiến của một chuyên gia về quy hoạch đô thị, những dự án nào mà chủ đầu tư làm không được như cam kết thì cho 3 - 6 tháng để kêu gọi đầu tư, nếu như không kêu gọi được thì phải xóa, trả lại đất cho người dân xây dựng theo quy hoạch, không thể để xảy ra tình trạng người dân tự phân lô, xây dựng tự phát. Trong trường hợp tìm được nhà đầu tư khác thì có thể cho họ làm lại quy hoạch mới hoặc theo quy hoạch cũ nhưng phải cam kết cụ thể thời gian thực hiện và phải ký quỹ. Nếu làm được điều này sẽ không còn dự án "treo" nữa.

Đăng Khải

Thời Đại

Trở lên trên