TP.HCM sẽ làm nhà 100 triệu như thế nào?
Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng dẫn đầu đoàn công tác của Thành ủy TP.HCM đến Bình Dương khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về mô hình nhà 100 triệu cho người thu nhập thấp.
- 06-01-2017Năm 2017, doanh nghiệp bất động sản muốn thay đổi hoàn toàn quan niệm nhà giá rẻ
- 20-12-2016Ông Lê Khắc Hiệp: "Vingroup muốn thay đổi hoàn toàn quan niệm nhà giá rẻ là có chất lượng thấp"
- 20-12-2016Đầu tư dự án nhà giá rẻ: Doanh nghiệp chấp nhận lãi ít để đi đường dài
- 16-12-2016Vingroup, Vihajico, Him Lam Land…và hàng loạt đại gia khác sẽ thay đổi cục diện thị trường nhà giá rẻ Việt Nam
Trao đổi với các lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Bí thư Đinh La Thăng cho biết dù đã giao Sở Xây dựng và Liên đoàn Lao động TP.HCM tìm hiểu để báo cáo về mô hình nhà 100 triệu ở Bình Dương, nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa thực hiện được việc này.
Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong Khu chế xuất Tân Thuận và các khu vực liền kề, từ đó lập quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân với các hình thức: được mua, thuê, thuê mua và các vấn đề liên quan.
Trong khi đó, ở Bình Dương đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), trong đó có 2 công ty Nhà nước trên địa bàn có nhiều kinh nghiệm phát triển NƠXH là Becamex IDC và Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH MTV (3-2). Đồng thời, một số chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại cũng xin chuyển đổi công năng thành NƠXH cho người lao động thu nhập thấp để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo Sở Xây dựng Bình Dương, đến nay có trên 15.000 lao động đã được an cư trong các khu NƠXH do Becamex IDC đầu tư. Đầu tháng 4/2015, Becamex IDC đã khánh thành và đưa vào sử dụng 4.895 căn hộ NƠXH tại 4 địa phương trong tỉnh là TX.Thuận An (752 căn), TP.Thủ Dầu Một (2.435 căn), TX.Bến Cát (1.388 căn) và huyện Bàu Bàng (320 căn). Đây là giai đoạn 1 của Đề án NƠXH tỉnh Bình Dương được hoàn thành sau hơn 2 năm triển khai thi công và bàn giao cho khách hàng.
Được biết, mỗi căn hộ có chiều rộng 5m và dài 4m gồm có 1 gác lửng với tổng diện tích 30m2 nằm trong chung cư từ 2 đến 5 tầng, hành lang, lối đi chung giữa 2 căn hộ là 1,4m. Riêng căn hộ tầng 1 (trệt) có chiều rộng 5m và dài 9,4m, mặt tiền giáp đường nên có thể vừa sử dụng để ở vừa để kinh doanh hoặc làm dịch vụ phục vụ cho cư dân tại khu căn hộ.
Nhờ vào việc điều chỉnh tầng 1 có thể phục vụ mục đích thương mại như thế nên nhà đầu tư dễ hoàn vốn, giữ vững tiêu chí nhà ở giá rẻ cho các căn hộ ở tầng trên. Ở giai đoạn 2 của dự án, Becamex IDC mạnh dạn điều chỉnh diện tích các căn hộ lên đến trên 50m2 và chiều cao lên đến 15 - 16 tầng để tiếp tục đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng việc phát triển NƠXH ngoài mục đích tạo hàng ngàn mái ấm an cư cho người thu nhập thấp còn nhằm nâng cao hiệu quả công việc của người lao động, từ đó giúp phát triển công nghiệp bền vững và thu hút đầu tư về tỉnh.
Mục đích sâu xa hơn nữa, NƠXH là các cụm đô thị phát triển bền vững nằm trong tổng thể quy hoạch và phát triển đô thị chung của Bình Dương, góp phần đưa tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020.
Theo lãnh đạo tỉnh, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho dân nghèo đô thị, cán bộ, công chức, công nhân... tỉnh đã quyết định phê duyệt Đề án xây dựng NƠXH Becamex để đầu tư xây dựng hơn 64.000 căn hộ, tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.
Đề án bắt đầu thực hiện từ năm 2012, đến nay đã bàn giao 5.000 căn hộ cho người dân với giá bán chỉ từ 90 triệu đồng/căn hộ 30m2. Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây thêm 10.000 căn hộ diện tích từ 50 - 70m2 dành cho người có thu nhập trung bình. Số căn hộ còn lại sẽ tiếp tục được xây dựng ở những nơi có nhiều khu công nghiệp.
Để có quỹ đất xây dựng nhà giá rẻ, Bình Dương đã thực hiện nhiều bước đón đầu. Cụ thể, bắt buộc các khu công nghiệp phải dành hạ tầng để xây nhà lưu trú, cho phép chuyển nhượng sau 5 năm thay vì 10 năm như quy định trước đây của Chính phủ với nhà ở xã hội.
Sau khi nhận được đất sạch, các nhà đầu tư chỉ tính giá xây dựng, còn chi phí đất, bồi thường, xây dựng hạ tầng bên trong và ngoài căn hộ được địa phương hỗ trợ như: xây dựng đường, nhà trẻ, công viên, khu thương mại dịch vụ, nhà xe, y tế, các dịch vụ giải trí…
Với những căn nhà ở xã hội rộng 30m2 (diện tích sàn 20m2, gác 10m2), có mức giá khoảng hơn 100 triệu đồng, người mua nhà chỉ phải trả trước 20%, phần còn lại được vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và trả góp 1-2 triệu đồng/tháng.
Như vậy, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, với sự hỗ trợ khá mạnh tay từ chính quyền địa phương, việc còn lại là các nhà đầu tư phải làm sao đẩy nhanh thời gian thi công dự án để người lao động, người thu nhập thấp sớm được có nhà ở.
Ông Đinh Duy Trinh, Giám đốc điều hành Công ty Bản Việt Land, tính toán rằng TP.HCM hoàn toàn có thể làm được nhà xã hội giá rẻ như ở Bình Dương, nếu được nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ các gói hỗ trợ của Chính phủ. Cũng như Bình Dương, nhà nước cần hỗ trợ đầu tư kết nối hạ tầng, xây dựng các tiện ích phục vụ người dân như điện, đường, trường, trạm, chợ.
Theo tính toán của ông Trinh, nếu làm những khu nhà thấp tầng như ở Bình Dương, không có thang máy thì giá thành xây dựng khoảng 4 triệu đồng/m2 sàn xây dựng. Như vậy, một căn hộ có diện tích tối thiểu theo quy chuẩn về nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng là 25 m2 thì giá thành cũng khoảng 100 triệu đồng/căn.
Trao đổi về việc liệu TP.HCM có làm được như Bình Dương không, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng thành phố hoàn toàn có thể làm được căn hộ 100 triệu đồng theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng (diện tích tối thiểu là 25 m2).
Nhưng để làm được theo ông Châu, TPHCM cần có quỹ đất sạch, miễn tiền sử dụng đất, chiều cao chung cư khoảng 4 - 5 tầng trở lại, không có thang máy. Nhà nước phải hỗ trợ thêm 100% vốn để đầu tư hạ tầng như đường sá, cấp điện nước...Có thể là đất ở những nông trường ở Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ và Bình Chánh, khi xây dựng hàng loạt chung cư giống nhau như vậy sẽ giúp hạ giá thành, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cần hỗ trợ thiết kế mẫu nhà ở xã hội để các địa phương có thể lấy mẫu đó làm không cần phải tốn chi phí cho khâu thiết kế. Các cơ quan chức năng và quan trọng nhất là Bộ Xây dựng cần hỗ trợ tối đa về chính sách, giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, bởi thủ tục càng đơn giản, thời gian càng rút ngắn thì càng giúp giảm giá thành.
Trong thời gian tới, TP.HCM và tỉnh Bình Dương sẽ hợp tác nghiên cứu nhằm phát triển những vùng đất giáp ranh giữa hai địa phương để đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình này. Song song đó, TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu sớm ban hành các cơ chế linh hoạt hơn trong việc quy định đối tượng được mua nhà ở xã hội. Bởi vì hiện vẫn còn xuất hiện cơ chế xin cho, “xếp hàng chờ phân phối”, người dân gặp rắc rối lòng vòng trong việc mua và chuyển nhượng.
Theo ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cơ chế linh hoạt này sẽ đa dạng hóa cơ chế tài chính cho đối tượng mua, như mua đứt ngay từ đầu, mua theo các thời hạn khác nhau, thuê mua... Ngoài ra, với những dự án nhà ở 100 triệu đồng được xây dựng tại những vị trí giáp ranh, người dân TP.HCM sinh sống gần Bình Dương có thể mua nhà ở tại Bình Dương.