TP.HCM sẽ phát triển thêm tối thiểu 40 triệu m2 sàn nhà ở đến 2020
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2018, TP.HCM đã phát triển tăng thêm 11,52 triệu m² sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở trên địa bàn thành phố là 173,77 triệu m², diện tích nhà ở bình quân là 19,75m²/người.
Cụ thể, TP.HCM đã hoàn thành 8 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 9,6ha, 3.728 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 314.160m2; đã khởi công 5 dự án, với quy mô 5.865 căn hộ.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND TP.HCM 124 dự án nhà ở thương mại với tổng diện tích sàn xây dựng trên 5.420.000m². Trong năm 2019, Sở Xây dựng TP.HCM phấn đấu phát triển thêm 8 triệu m² sàn xây dựng nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn thành phố là 178,25 triệu m² và diện tích nhà ở bình quân đầu người vào cuối năm 2019 lên 19,81m²/người.
Cũng theo Sở Xây dựng TP.HCM, Quyết định 5087/2018 của UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2020 nêu rõ, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tối thiểu là 40 triệu m2 sàn; nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP.HCM đến năm 2020 tối thiểu là 19,8 m2/người, trong đó ở khu vực đô thị (bao gồm 19 quận) là 16,3 m2/người và khu vực nông thôn (bao gồm 5 huyện) là 20,9 m2/người.
Nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 31.228.000 m2 sàn xây dựng. Nhà ở trong các dự án tăng thêm khoảng 8.772.319 m2 sàn xây dựng. Nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2.204.000 m2 sàn xây dựng.
Đối với khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3 sẽ phát triển nhà ở có kiểm soát đến năm 2020; không chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư đối với các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở.
Trường hợp chủ đầu tư các dự án nhà ở đã được công nhận, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng để đủ điều kiện khởi công, đảm bảo theo các quy định của pháp luật hiện hành. Các UBND quận 1 và 3 theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án đã được công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư, triển khai thi công xây dựng, đảm bảo tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng tại khu vực trung tâm, ưu tiên lựa chọn và công nhận chủ đầu tư để tháo dỡ trước năm 2020 đối với 4 chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm và triển khai xây dựng chung cư mới.
Khu vực nội thành hiện hữu (gồm 11 quận: 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú), tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp; chỉ xem xét, thuận chủ trương để triển khai thực hiện các dự án nhà ở mới khi đã có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.
Về khu vực nội thành phát triển (gồm 6 quận: 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức): Tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, 9, Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng; hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án nhà ở mới khi chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng phù hợp và đảm bảo theo quy định.
Các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ: Tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai; ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; phát triển các khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.