TP.HCM sẽ thu hồi 188 dự án gây khổ cho dân
Năm 2019 là thời cơ để TP bứt phá phát triển, đột phá về cải cách hành chính, xử lý dứt điểm khiếu nại, tố cáo đông người...
Chiều 6-12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM tiếp tục phiên chất vấn các lãnh đạo UBND TP và giám đốc các sở/ngành về kết quả thực hiện các lời hứa và giải pháp trong các nghị quyết chất vấn.
Nhận rõ khuyết điểm qua các cuộc thanh tra
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong năm 2018 địa phương đã đạt nhiều kết quả khá toàn diện. Hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá so với năm 2017. Tổng sản phẩm GRDP đạt hơn 1,33 triệu tỉ đồng, ước tăng 8,3%, cao hơn cùng kỳ.
Ông Phong cho rằng kết quả trên là sự nỗ lực lớn trong điều kiện TP.HCM gặp nhiều khó khăn, đón và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, giám sát từ các cơ quan trung ương, trong đó có nhiều vụ việc rất phức tạp, kéo dài từ các nhiệm kỳ trước. Các vụ này vô cùng khó khăn trong quá trình giải quyết như vụ việc khiếu kiện, khiếu nại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao quận 9, dự án Safari huyện Củ Chi, khu đất 8-12 Lê Duẩn, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng…
“Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp TP.HCM nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức TP, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính” - ông Phong nói.
Ông cũng nhìn nhận các cuộc thanh tra, điều tra, truy tố ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP, chưa kể doanh nghiệp các ngành nghề hiện nay của TP gặp khá nhiều khó khăn, e ngại đầu tư. Một số dự án trọng điểm, quy mô lớn của TP thi công chậm do vướng thủ tục pháp lý, cơ chế thanh toán, xác nhận về giải ngân vốn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của TP như ở dự án metro Bến Thành-Suối Tiên và metro Bến Thành-Tham Lương...
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết sẽ thu hồi 188 dự án gây khổ cho dân. Ảnh: TÁ LÂM
Đột phá về cải cách hành chính
Với các câu hỏi của đại biểu mong muốn được biết định hướng phát triển trong năm 2019, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đây là năm thời cơ quan trọng để TP.HCM bứt phá phát triển, lấy lại niềm tin của nhân dân. Đó sẽ là năm đột phá về cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Phong cho biết TP.HCM sẽ tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong công tác cải cách hành chính với 10 giải pháp đồng bộ như thực hiện hiệu quả đề án ủy quyền, giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp và người dân; xây dựng chính quyền điện tử...
Theo ông Phong, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện bảy chương trình đột phá, đảm bảo tiến độ cụ thể theo kế hoạch giai đoạn 2018-2020. Tiến hành rà soát tiến độ thực hiện bảy chương trình này, xác định rõ những việc, các chỉ tiêu lớn đã thực hiện đến đâu trong từng chương trình, từ đó xác định những giải pháp tiếp theo để thực hiện hiệu quả; thay đổi mạnh mẽ trong lãnh đạo, điều hành, phương thức triển khai thực hiện.
TP cũng sẽ đẩy nhanh việc triển khai các dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm như xây dựng các cây cầu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quảng trường trung tâm, nhà hát giao hưởng và vũ kịch... để tạo hiệu ứng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển TP.
Ngoài ra, ông Phong cho biết sẽ tăng cường đối thoại trực tiếp của cán bộ lãnh đạo, của người đứng đầu trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, khiếu nại đông người; không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy sự ghi nhận, đánh giá khách quan, công tâm, trách nhiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND TP và từng thành viên UBND TP trong việc thực hiện nhiệm vụ. Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, TP.HCM sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn đối với UBND TP và các thành viên trong việc thực thi nhiệm vụ thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG
Dự án kéo dài làm khổ dân
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP liên quan đến quy hoạch treo và dự án treo, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận quy hoạch không khả thi đã làm khổ dân. “Dù pháp luật không cấm mua bán nhưng không ai lại bỏ tiền đi mua nhà ở trong quy hoạch” - ông Tuyến nói.
Từ đó ông Tuyến cho biết đối với dự án đã có quy hoạch nhưng không triển khai thì TP.HCM đã chỉ đạo Sở TN&MT và quận/huyện rà soát. Kết quả là có 188 dự án thuộc diện này. Ông Tuyến cho biết tới đây sẽ công bố việc thu hồi và công bố các dự án này để dùng vào các mục tiêu trọng điểm của TP.
Đối với các dự án kéo dài không triển khai nhưng không thể hủy bỏ như rạch Xuyên Tâm, Bình Quới-Thanh Đa, Safari, đường Vành đai 3…, ông Tuyến khẳng định nếu bỏ các dự án này thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế-xã hội của TP nhưng nếu để kéo dài không thực hiện thì sẽ làm khổ người dân. “Đối với các dự án này, TP sẽ thay đổi cách làm là tách ra thành dự án bồi thường giải phóng mặt bằng riêng và có biện pháp triển khai ngay để đảm bảo thu hồi đất đúng mục tiêu được duyệt và như đã công bố với dân” - ông Tuyến nói.
Còn đối với các dự án đang thanh tra, ông Tuyến nói TP đã có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ để rà soát lần nữa, nếu không vướng thì sẽ tiếp tục cho triển khai. Riêng những quy hoạch hẻm, công viên cây xanh, trường học không phù hợp thì TP cũng sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch để không ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Ngoài ra, với các dự án gây ô nhiễm môi trường không phù hợp trong đô thị, TP cũng đã yêu cầu quận/huyện làm việc với doanh nghiệp để chuyển đổi ngành nghề, nếu không sẽ thu hồi.
Trả lời câu hỏi về tiến độ dự án chống ngập do triều cường với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng đã ngưng thi công suốt bảy tháng qua, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết dự án này được thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao), liên quan giữa ba bên là Ngân hàng BIDV, UBND TP và Công ty Trung Nam. Dự án đang bị vướng thủ tục giải ngân nên phải ngưng thi công.
Theo hợp đồng, nhà đầu tư Trung Nam chuẩn bị về vốn 1.000 tỉ đồng, BIDV cho vay lại hơn 8.000 tỉ đồng. UBND TP thuê tư vấn giám sát, hạng mục nào thi công đúng quy định thì xác nhận. Hiện khối lượng công việc được giải ngân tương đương 4.200 tỉ đồng. “Tuy nhiên, có một số hạng mục chưa phù hợp theo quy định, Trung Nam sử dụng thép không đúng như thiết kế đã được Sở NN&PTNT phê duyệt mà không báo cáo UBND TP. Trong khi theo hợp đồng, khi thay đổi phải được TP chấp thuận” - ông Tuyến nói.
Về vấn đề thép Trung Quốc, ông Tuyến cho biết TP sẽ thuê tư vấn độc lập dưới sự giám sát của Bộ NN&PTNT để đánh giá chất lượng có đảm bảo không. “Nếu đảm bảo an toàn thì TP ghi nhận và tính toán giá trị nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn” - ông Tuyến nói và cho rằng dù vấn đề chống ngập là rất bức thiết, người dân rất bức xúc nhưng TP không thể làm sai quy định. TP.HCM sẽ ủy quyền cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập ký xác nhận báo cáo cho vay dự án.
Về sách giáo khoa (SGK) riêng, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, trả lời các đại biểu là Sở đang phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện. "Sở chỉ quản lý nhà nước về giáo dục, không có chức năng biên soạn SGK" - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, Sở tìm nhân lực, mời những chuyên gia, người có chuyên môn, giáo viên giỏi để xây dựng bộ sách, theo các mục tiêu: bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành rồi đưa thêm các nội dung đặc trưng của địa phương; tích hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để đổi mới, phát triển năng lực người học. Hiện Bộ chỉ ban hành khung chương trình mới chứ chưa có khung chương trình các bộ môn. Sau khi có khung chương trình các bộ môn thì NXB Giáo dục và Sở mới bắt tay hình thành bộ SGK rồi trình Bộ Giáo dục thẩm định, quyết định xem có cho phép áp dụng ở TP.HCM hay không.
Ông cũng cho hay là với nguồn nhân lực, chuyên gia ở TP.HCM cùng cộng tác thực hiện thì sẽ có một bộ SGK rất chất lượng...
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh