TP.HCM: Shipper chỉ được vận chuyển các mặt hàng thiết yếu
Để thực hiện triệt để giãn cách xã hội, hạn chế tuyệt đối việc ra đường, TP.HCM sẽ tăng cường công an, quân đội tuần tra, có văn bản quy định đối tượng, khung giờ di chuyển nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Sáng 25/7, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM đã trải qua 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tính chất của biến chủng Delta khiến tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao dù TP đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ nhiều biện pháp. Trong thời gian tới, các biện pháp cần phải được thực hiện kiên quyết hơn, siết chặt hơn nữa để đưa TP.HCM sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm, thực hiện theo Công văn số 2468 của UBND TP, Sở GTVT chỉ tổ chức cho xe tải lưu thông vào TP và cấp mã nhận diện (QR Code) để kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng thiết yếu (theo Chỉ thị 12 của Thành ủy). Từ 9/7/2021 đến nay, Sở đã cấp cho gần 43.000 phương tiện và giải quyết cơ bản cho các xe được phép ra/vào TP.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm phát biểu tại họp báo - Ảnh: TTBC
Về việc tổ chức phân luồng, kiểm soát lưu thông tại các chốt ở cửa ngõ ra/vào TP và trong nội thành, Công văn 2468 cũng đã có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, UBND các quận - huyện, TP. Thủ Đức chịu trách nhiệm tổ chức kiểm soát tùy theo tình hình thức tế tại địa bàn; thiết lập các chốt theo phương pháp kiểm tra linh hoạt, khoa học.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm bổ sung, người giao hàng (shipper) trên địa bàn TP.HCM chỉ được vận chuyển các mặt hàng thiết yếu. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt nếu người giao hàng không thuộc các hãng vận chuyển, không xuất trình giấy tờ tùy thân và đang vận chuyển hàng không thiết yếu.
Liên quan đến việc giao, nhận hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng cho biết, hiện nay, 2/3 xe máy đi đường là người giao hàng với 2 hình thức: shipper công nghệ và xe ôm truyền thống chuyển sang shipper. Để tăng cường phòng, chống dịch TP sẽ cấm các phương tiện giao hàng tự phát vì khó kiểm soát. Riêng các đơn vị vận chuyển được hoạt động nhưng phải tổ chức có trật tự, quy củ để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Để thực hiện triệt để giãn cách, cách ly, hạn chế tuyệt đối việc ra đường, tiếp xúc, TP sẽ tăng cường lực lượng công an, quân đội tuần tra, kiểm soát, có văn bản quy định đối tượng, khung giờ di chuyển. Cùng với đó, tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ các vấn đề y tế cho người dân, đặc biệt là người khó khăn, yếu thế.
Doanh nghiệp và tiếp thị