MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Tăng hơn 3 nghìn ha đất cho các dự án hạ tầng, huỷ bỏ những dự án treo dai dẳng

12-08-2018 - 14:24 PM | Bất động sản

UBND TPHCM vừa tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TPHCM.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TP.HCM đã được xây dựng công phu, chi tiết, có tính thực tiễn và được xác định trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng phê duyệt. 

Theo đó, các chỉ tiêu sử dụng đất theo cấp quốc gia phân bổ, loại đất có diện tích tăng nhiều. Đầu tiên là đất phát triển hạ tầng: Chỉ tiêu quốc gia phân bổ là 31.677ha, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 34.921ha, cao hơn 3.244ha. 

Bên cạnh đó, nhóm đất phi nông nghiệp chỉ tiêu quốc gia phân bổ là 117.810ha, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là 188.890ha, cao hơn 1.080ha. Đối với đất rừng phòng hộ, chỉ tiêu quốc gia phân bổ là 33.292ha, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 33.901ha, cao hơn 609ha… 

Các loại đất còn lại hầu như giữ nguyên hoặc biến động không đáng kể: đất ở tại đô thị là 24.060ha, bằng chỉ tiêu quốc gia phân bổ; đất trồng lúa là 3.000ha, bằng chỉ tiêu quốc gia phân bổ… 

Trong Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, loại đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản trong kỳ cuối 2016 - 2020 với diện tích 26.246ha (kỳ đầu từ năm 2011 - 2015 chỉ có 3.121ha được chuyển đổi), năm 2018 có diện tích chuyển đổi nhiều nhất với 11.743ha.

Trong giai đoạn cuối của thời kỳ 2016 - 2020, TP.HCM tập trung kế hoạch xây dựng giao thông kết nối giữa các khu dân cư và các tuyến metro để tiếp cận nhanh với giao thông công cộng; chú trọng đầu tư các khu đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi để hạn chế di chuyển người dân vào khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy chương trình giãn dân ra các khu đô thị mới. 

Trong đó, kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh của thành phố tại 4 hướng, phía Đông: phường Long Trường, quận 9 với diện tích 280ha, giáp với trục cao tốc Long Thành - Dầu Giây; phía Tây, khu vực giáp quốc lộ 1A thuộc xã Tân Kiên huyện Bình Chánh diện tích 200ha, trục đường Nguyễn Văn Linh; phía Nam, khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ, diện tích 110ha; phía Bắc, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, hướng quốc lộ 22 với diện tích 500ha. 

UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở ngành công khai chỉ tiêu sử dụng đất TP.HCM đến năm 2020 cho các quận, huyện để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối.

Đối với việc xử lý các dự án đã được ghi trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, TP.HCM đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá lại tình hình thực hiện các năm từ 2016 - 2018, tất cả những dự án đã giao có triển khai hay không, nếu không thì thu hồi, như huyện Nhà Bè có 87 dự án nhưng rất nhiều dự án nhận xong rồi để đó. 

UBND TP.HCM đề nghị giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường lập tổ công tác rà soát, trước hết là Nhà Bè, sau đó là tất cả các quận, huyện. Giao đất cho doanh nghiệp triển khai dự án, theo quy hoạch đã công bố cho người dân rất rõ ràng nhưng cứ để kéo dài là không thể chấp nhận. 

Do đó, các dự án trong quy hoạch đã ghi vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại quận, huyện đã được công bố 3 năm, từ năm 2016 đến nay mà không thực hiện thì hủy bỏ dự án, sau đó giải quyết quyền lợi cho người dân trong khu vực. 

Các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà chậm đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư phải có văn bản gia hạn thời gian thực hiện 24 tháng theo quy định, đồng thời chuyển cơ quan thuế thu nghĩa vụ tài chính; trường hợp không có văn bản đề nghị gia hạn, hoặc sau khi gia hạn 24 tháng mà không đưa vào sử dụng thì thu hồi. 


Gia Khang

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên