TP.HCM xây dựng gói hỗ trợ thứ hai cho đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Theo Cổng thông tin điện tử TP. HCM, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 chiều 17/8, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng gói hỗ trợ thứ hai cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
- 18-08-2020Từ ngày 1/10, phạt đến 10 triệu đồng khi gọi, nhắn tin quảng cáo mà chưa được người sử dụng cho phép
- 18-08-2020Samsung Việt Nam phủ nhận việc chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ
- 18-08-2020Sức vươn mạnh mẽ trong xuất khẩu của Việt Nam
Số liệu thống kê mới nhất đến 31/7, TP. HCM có trên 23.000 doanh nghiệp (doanh nghiệp) thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã có trên 21.000 doanh nghiệp phải ngưng hoạt động và giải thế, dẫn đến kéo giảm số vốn trên 12.600 tỷ đồng. Như vậy có hàng chục ngàn người bị mất việc làm, tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 chiều 17/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố đã được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Trên 15 ngày qua không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, không có nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trên mặt trận thứ hai, công cuộc phục hồi phát triển kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Phong, ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch. Trước dịch, có những khách sạn đạt tỉ lệ lấp đầy phòng lên đến 70-80% nhưng hiện nay nhiều khách sạn 3 sao, 4 sao của Tổng công ty du lịch Sài Gòn chỉ đạt 2-3%. Không có du khách kéo theo giảm hiệu suất thu từ du lịch, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Hiện 62% tổng giá trị sản phẩm của Thành phố đến từ dịch vụ, nên cơn bão COVID-19 tác động rất mạnh đến nền kinh tế.
Ông Phong cho rằng đây là thử thách Thành phố cần vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Do vậy, các quận, huyện, sở, ngành cần phấn đấu cao hơn, tìm những giải pháp cụ thể, thích ứng với những tình huống mới để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Các đồng chí chủ tịch các quận, huyện rà soát lại xem hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn mình có chính xác không. Cố gắng lắng nghe doanh nghiệp xem họ đang khó khăn gì, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của quận, huyện thì chủ động chia sẻ, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Còn những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo lên Thành phố để cùng tìm biện pháp giải quyết". Ông Phong chỉ đạo và nhấn mạnh, trong những lúc khó khăn như hiện nay, sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp rất đáng trân trọng, rất ý nghĩa.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng lưu ý, trong đợt 3 thi đua 200 ngày thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp, các sở, ngành, quận, huyện đặt mục tiêu giảm 30% thời gian xử lý hồ sơ công việc so với quy trình ở các cơ quan. Chủ tịch cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng gói hỗ trợ thứ hai cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Cùng với việc xây dựng gói hỗ trợ thứ hai, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu duy trì giao ban kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh tế doanh từ cấp quận, huyện đến Thành phố, đồng thời thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình.
Theo báo cáo của Sở Công thương, trong hai tuần đầu tháng 8, doanh thu các mặt hàng thiết yếu của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã giảm khoảng 10%, lượng khách giảm đến 50%. Như vậy, người dân TP. HCM có tâm lý đề phòng với dịch bệnh, e ngại đến nơi đông người và cũng không còn tình trạng gom hàng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh, Thành phố không cho phép sự chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19. Nếu để phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng thì lây lan rất nhanh. Bởi vì TP có mật độ dân cư rất đông, các hoạt động kinh tế rất nhộn nhịp mà để xảy ra một trường hợp như vậy thì hết sức nguy hiểm.
"Yêu cầu các cấp, các ngành xác định tâm thế sống chung với dịch bệnh và chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với việc triển khai các biện pháp phát triển kinh tế xã hội, giữ thế chủ động trong công tác phòng, chống dịch", ông Phong chỉ đạo.