MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM xin tạm ứng 4.788 tỷ đồng cho tuyến metro số 1

25-11-2017 - 07:47 AM | Bất động sản

Số tiền trên nhằm đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu cuối năm 2017 và đầu năm 2018 trong thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.

Ngày 24/11, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tạm ứng vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên).

Theo kế hoạch, vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã giao cho dự án tuyến metro số 1 còn lại là 4.788 tỷ đồng. UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính tham mưu việc ứng trước theo chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Chính phủ.

Việc tạm ứng số tiền trên nhằm đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu cuối năm 2017 và đầu năm 2018 trong thời gian thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án,

Trước đó, UBND TPHCM đã chi tạm ứng từ vốn ngân sách để thanh toán cho các nhà thầu nhằm đảm bảo tiến độ thi công của dự án với tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, số tiền tạm ứng chỉ như muối bỏ biển vì bình quân mỗi tháng TPHCM phải thanh toán cho nhà thầu khoảng 500 -600 tỷ đồng.

Nguồn vốn ODA phân bổ cho dự án tuyến metro số 1 bị “tắc” hơn một năm qua và luôn trong tình trạng nợ tiền các nhà thầu. UBND TPHCM phải chi tạm ứng nhiều đợt để các nhà thầu trả lương, thưởng tết cho công nhân. Mọi vướng mắc bắt nguồn từ thủ tục điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án.

Từ mức phê duyệt ban đầu của Thủ tướng Chính phủ là xấp xỉ 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư của dự án tuyến metro số 1 đã đội lên gần 2,5 tỷ USD. Trên cơ sở tham mưu của các Bộ Ngành chức năng và UBND TPHCM, Thủ tướng đã chấp thuận cho UBND TPHCM phê duyệt quyết định điều chỉnh dự án.

Tuy nhiên, với quy mô vốn đầu tư sau khi được điều chỉnh (gần 2,5 tỷ USD), theo quy định, dự án này cần được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Dự án cũng chưa xác định rõ giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư được phê duyệt và dự kiến điều chỉnh.

Vì “nút thắt” này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không phân bổ vốn ODA theo kế hoạch để thực hiện dự án. Bộ Tài chính cũng thống nhất với chủ trương này của Bộ Kế hoạch – Đầu tư.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TPHCM vừa qua, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định quyết định điều chỉnh dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên Bộ chỉ phân bổ vốn “cầm chừng”, tránh dự án bị ngưng trệ.

Để đảm bảo tiến độ thi công, tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý ứng trước vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện dự án. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7.

Tuy nhiên, đến nay, sau gần 4 tháng, việc ứng trước vốn cho dự án vẫn chưa được thực hiện.

Theo HUY THỊNH

Tiền Phong

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên