Trà đá vỉa hè: Lãi 2.000%, kiếm bạc triệu mỗi ngày
Chỉ cần làm phép tính đơn giản: Mỗi cốc trà đá mất tiền vốn là 250 đồng, nhưng có quán bán với giá 5.000 đồng, như vậy người bán lãi tới 2.000%, chưa kể những đồ uống khác, tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới là đúng rồi.
Mùa hè chính là thời điểm các quán trà đá, trà chanh vỉa hè mọc lên như nấm phục vụ nhu cầu của các thượng đế. Trà đá len lỏi vào từng ngóc ngách, đường to ngõ nhỏ, đâu đâu cũng thấy.
Khắp các đường phố Hà Nội, từ bến xe, vỉa hè, trước sảnh các tòa nhà văn phòng, bờ kè hồ Tây... đều nhan nhản các quán trà đá. Điều đó đủ thấy, các hàng trà đá đang phục vụ một lượng khách lớn và bội thu như thế nào.
Các hàng trà đá, đặc biệt ở một số con phố lớn như Bà Triêu, Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt luôn nườm nượp khách vì ở đây có các tòa nhà văn phòng, phục vụ lượng khách lớn là nhân viên công sở.
Lãi như bán trà đá
Giá trà đá hiện nay được bán trung bình từ 3.000 - 5.000 đồng/cốc. Nghe thì rẻ nhưng nếu biết chi phí để "sản xuất" một cốc trà đá, nhiều người sẽ phải giật mình bởi mức lợi nhuận “khủng” của sản phẩm này.
Theo chị Thu Hiền, chủ một quán trà đá trên trên đường Hồng Hà, một cốc trà đá bao gồm khoảng 200ml nước chè và đá tốn khoảng 250 đồng.
Vì là quán nhỏ, đường vắng, chỉ phục vụ chủ yếu là những người hay đi dạo, đi bộ ở đường Trần Nhật Duật và khu dân bãi nên chị chỉ bán giá 3.000 đồng/cốc. Thời gian bán hàng từ 19h - 24h đêm mỗi ngày.
Trung bình một buổi tối, chị Hiền tiếp khá nhiều khách lẻ và khoảng 6 - 7 tốp khách đông: Có tốp khách khoảng 2 - 3 người, có tốp đến chục người, chưa kể mỗi người còn uống vài cốc.
Tính ra, mỗi tối, chị bán khoảng 50 cốc trà, riêng tiền trà đá mỗi ngày chị thu khoảng trên dưới 120.000 đồng, chưa kể hướng dương, thuốc lá và nhiều thứ lặt vặt khác.
Nhẩm tính qua cũng thấy, thu nhập hàng tháng của chị không thua kém bất cứ lương của nhân viên trình độ đại học nào.
Lân la hỏi chuyện người phụ nữ được mệnh danh là "bà trùm" tại khu phố Phúc Tân, Hoàn Kiếm, tôi biết thêm được nhiều câu chuyện thú vị từ việc kinh doanh trà đá.
Gọi là ''bà trùm'' vì dù chỉ sở hữu một quán hàng nước bé tí ti trong ngõ nhưng người phụ nữ này còn rõ hơn cán bộ hộ khẩu vì có thể nắm rõ toàn bộ thông tin về gia đình, cuộc sống của hầu hết các gia đình trong khu phố đó.
Quán trà đá của chị một ngày có đến hơn trăm lượt khách, phần lớn là dân buôn bán, kinh doanh ở ngoài phố đổ về. Nhiều người chủ yếu đến uống trà đá để tìm hiểu thị trường, tình hình buôn bán cũng như xem xét giá cả đất đai ở đây để đầu tư.
Chia sẻ với tôi, chị cho biết, sau nhiều năm tích cóp từ việc bán trà đá kèm môi giới nhà đất, chị dành dụm được hơn 500 triệu mua cho con trai một mảnh đất ở quê để sinh sống và lấy vợ, còn mình vẫn tiếp tục bán trà đá trên Hà Nội.
"Có lần vô tình biết được một gia đình khá giả gần đó rao bán căn nhà với giá 7,8 tỷ đồng, tôi mách cho một khách quen đang bán hàng ở phố Quang Trung hay xuống đây uống trà. Gặp chủ nhà phóng khoáng, sau khi giao dịch thành công, tôi được người ta cho luôn 1% tiền mua nhà vì "mát tay", chị hồ hởi kể.
Tại phố Đào Duy Từ, khu phố nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội là nơi tụ tập của các bạn trẻ Hà thành thì các quán trà đá cũng phải phục vụ hết công suất. Tôi ghé vào quán một bà cụ có mái tóc hoa râm, nhưng vẫn nhiệt tình chạy đi chạy lại, bê nước, xếp ghế cho khách luôn chân luôn tay không ngừng nghỉ.
Khi chúng tôi hỏi về việc kinh doanh, ban đầu bà chủ cũng tỏ ý né tránh. Bà cho biết, bây giờ nhiều hàng cà phê sang trọng, có điều hòa mát rượi nên khách thích vào đó hơn, chứ không còn ngồi lê la trà đá, hàng nước như ngày trước nữa. Hơn nữa, vào thời điểm mùa hè oi bức nhất, khách cũng ngại ra đường ngồi vì nóng.
"Chỉ có hàng cà phê là "kiếm" thôi các cô cậu ơi, bán mấy chục nghìn một cốc nước, chứ trà đá bán 5.000 đồng/cốc thì lấy đâu ra tiền", bà chủ quán vừa cười vừa nói chuyện với chúng tôi.
Tuy nhiên, theo quan sát, quán trà đá của bà chủ này không khi nào ngơi khách từ khi chúng tôi bước vào. Mà quán trà đá không chỉ bán trà đá, mà còn bán nhiều loại nước khác như nước vối, nhân trần, kẹo cao su, thuốc lá, kẹo lạc...
Nếu so sánh với một quán cà phê sang trọng bán 40 - 50.000 đồng một cốc nước nhưng phải trả vô vàn các loại chi phí như tiền thuê nhân viên, thuê mặt bằng, tu sửa cơ sở vật chất, đầu tư máy móc pha chế... thì thu nhập của một quán hàng nước bán 4.000 - 5.000 đồng một cốc có lẽ còn nhiều hơn.
Ở hầu hết các quán hàng nước, trà đá vỉa hè ở Việt Nam, đồ nghề kinh doanh chỉ là một cái bàn thô sơ, trên bày biện một ít thuốc lá, kẹo lạc, hướng dương..., bên cạnh là ấm nước chè, nước vối, nhân trần cùng vài chiếc ghế để khách ngồi.
Với mức vốn ít ỏi như thế, không khó để hiểu vì sao trà đá vỉa hè lại được coi là lĩnh vực kinh doanh có lãi suất "khủng" nhất hiện nay.
Theo bà chủ tóc hoa râm, những ngày đông nhất số lượng khách có khi lên đến 400 người. Một cốc trà đá khoảng 5.000 đồng, người chủ lãi khoảng 4.500 đồng. Với 400 lượt khách, người chủ sẽ lãi khoảng 1,8 triệu đồng/ngày, một tháng thu về hơn 50 triệu đồng - niềm mơ ước của rất nhiều người lao động cũng như nhân viên trí thức bậc cao hiện nay.
"Chém" khách kinh hoàng
Nhắc tới giới kinh doanh trà đá Hà Nội không thể không nhắc điểm hút bạc cầu Long Biên. Đây là một địa điểm vui chơi hóng mát ưa thích, quen thuộc của nhiều người.
Trên cầu Long Biên thậm chí có khu vực riêng dành cho các quán trà đá, trà chanh hoạt động. Tuy nhiên, đây cũng là nơi nổi tiếng về nạn móc túi và "chặt chém" khách.
Dọc cây cầu Long Biên 2km là hàng chục quán trà đá, trà chanh hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp. Nhưng, nếu không để ý hoặc không hỏi giá kỹ càng trước khi ngồi xuống và gọi đồ thì rất có thể bạn sẽ là nạn nhân của các vụ "chặt chém" kinh hoàng tại đây.
Diễn đàn mạng sửng sốt khi một hóa đơn trà đá cầu Long Biên được đăng tải. Theo đó, một quán trà đá “chém” khách với "hóa đơn" cho 2 cốc nước - một trà đá và một trà chanh là 90.000 đồng. Hỏi kỹ ra mới biết, hóa ra cốc trà đá có giá 10.000 đồng, cốc trà chanh có giá 30.000 đồng và tiền chiếu là... 50.000 đồng.
Như vậy, với mỗi hóa đơn khoảng 100.000 đồng, chủ quán đã “bỏ túi” hơn 90.000 đồng sau khi trừ hết chi phí. Với cách “chém gà” này, chỉ cần mỗi đêm có 10 đôi khách như trên là con buôn cầu Long Biên cầm chắc 500.000 đồng trong túi, cộng thêm cả các khoản thu linh tinh khác từ việc bán hướng dương, củ đậu, kẹo lạc, kẹo cao su… Nếu chăm chỉ “chặt chém”, thu nhập mỗi tháng từ việc bán trà đá và các loại nước giải khát trên cầu Long Biên không dưới 20 triệu/tháng.
Đây không phải là tình trạng hiếm gặp xảy ra tại các quán nước trên cầu Long Biên. Nhiều người vô tư nghĩ rằng mình uống nước, trả tiền nước sao còn phải trả tiền chỗ ngồi. Mặc dù hóa đơn thanh toán vô lý như vậy nhưng khách hàng vẫn phải ngậm ngùi "móc ví" sau một hồi đôi co, vì lỗi sai là tại mình khi không hỏi kỹ giá cả trước.
Mặc dù báo chí đã nhiều lần cảnh báo nạn chặt chém tại đây, kêu gọi các cơ quan quản lý vào cuộc để xử lý nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Theo quan sát của PV, thỉnh thoảng trên cầu lại có xe của Tổ quản lý trật tự phường đi qua, các chủ hàng nước lại “nháo nhác” ôm bàn, ghế chạy. Nhưng ngay sau đó, các quán trà đá lại tiếp tục hoạt động nhộn nhịp, chèo kéo khách qua cầu.
Hoài Linh, sinh viên năm 3 một trường Đại học ở Hà Nội cho biết, nhà bạn ở khu vực chân cầu Long Biên. Lần nào đi làm thêm về muộn phải đi qua cầu, Linh cũng bị các cô hàng nước chèo kéo, gọi với ra để vào uống nước, có khi khiến bạn giật mình dù đang đi trên đường.
Ghi nhận của PV, dù nạn "chặt chém" khách hoành hành như vậy nhưng không buổi tối nào trên cầu Long Biên vắng khách. Càng sát mùa hè, khách lên cầu hóng gió, tâm sự, tụ tập bạn bè ngày càng đông. Đây là nguồn thu nhập khổng lồ của những người bán trà đá tại đây.
VTC News