MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trả giá rất đắt, Israel phải xem xét điều chỉnh chiến lược quân sự tại Gaza

02-01-2024 - 06:46 AM | Tài chính quốc tế

Israel muốn đánh nhanh, thắng nhanh, nhưng cuộc chiến đã kéo dài gần ba tháng mà vẫn không thực hiện được mục tiêu nào.

Ngày 24/12/2023, trong cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thừa nhận những khó khăn của cuộc chiến tại Gaza. Ông nói, Israel đang phải trả giá rất đắt, nhưng sẽ tiếp tục "chiến đấu đến cùng", nhằm tiêu diệt Hamas và đưa các con tin bị giam giữ ở Gaza trở về.

Trong khi đó, các thành viên khác của Nội các Chiến tranh, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Tham mưu trưởng Quân đội Israel Trung tướng Herzi Halevi, Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad David Barnea và Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa (Shin Bet) Ronen Bar cho rằng cần thiết phải có một chiến lược quân sự mới tại Gaza.

Trước đó, ngày 18/12/2023, trong chuyến thăm Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thảo luận với Thủ tướng B. Netanyahu khả năng thu hẹp các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã điện đàm với Thủ tướng Netanyahu về việc thu hẹp quy mô các hoạt động cường độ cao của Israel tại Gaza.

Chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza bế tắc

Mở chiến dịch "Thanh kiếm sắt" vào Dải Gaza, Thủ tướng B. Netanyahu tuyên bố mục tiêu chính là tiêu diệt Hamas và giải phóng con tin. Ông nói, Hamas phải bị xóa bỏ trên bề mặt trái đất, Dải Gaza sẽ không bao giờ trở lại như cũ và tất cả các con tin sẽ được trở về nhà.

Đây là mục tiêu đầy tham vọng và lớn hơn nhiều so với bất kỳ chiến dịch quân sự nào trước đây của Israel ở Gaza. Nhiều nhà phân tích chính trị Israel cũng như quốc tế đều cho rằng mục tiêu này là rất khó nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.

Nhà phân tích quân sự Amir Bar Shalom của Đài phát thanh quân đội Israel nói: “Tôi nghĩ rằng, Israel chỉ có thể làm suy yếu chứ không thể thể tiêu diệt được Hamas, bởi vì điều đó có nghĩa là xóa bỏ hệ tư tưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Làm suy yếu Hamas có thể là một mục tiêu thực tế hơn là tiêu diệt hoàn toàn nó".

Michael Milstein, giám đốc Diễn đàn Nghiên cứu về người Palestine tại Đại học Tel Aviv, cũng cho rằng việc tiêu diệt Hamas sẽ rất khó khăn. Theo ông, sẽ thật ngây thơ khi tin rằng có thể xóa bỏ hệ tư tưởng làm cơ sở cho các hoạt động của nhóm này, vốn là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Palestine có ảnh hưởng rất lớn đến các phong trào Hồi giáo trên thế giới.

Israel đã tiến hành bốn cuộc chiến tranh với Hamas vào các năm 2008, 2012, 2014 và 2021, nhưng đều không tiêu diệt được Hamas và không ngăn chặn được các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ của mình từ Gaza. Cánh quân sự của Hamas Al-Qassam có hơn 25 nghìn quân, nhưng được 80-90 nghìn người khác hỗ trợ cung cấp cơ sở hạ tầng xã hội.

Thiệt hại lớn trên Dải Gaza. Ảnh: Naaman Omar\apaimages

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) phải đối mặt với nhiệm vụ hết sức khó khăn là giải cứu các con tin bị Hamas giam giữ ở những địa điểm không xác định ở Gaza. Cuộc chiến ở Gaza hoàn toàn khác với cuộc chiến ở các nơi khác. Đây là cuộc chiến trong các đô thị dân cư đông đúc, dùng vũ khí hạng nặng sẽ gây thảm họa lớn cho thường dân. Đến nay, hơn 22 nghìn người dân Gaza đã bị thiệt mạng, 56 nghìn người khác bị thương, trong đó hơn một nửa là trẻ em, phụ nữ và người già, hơn 80% trong số 2,3 triệu dân Gaza phải bỏ nhà cửa ra đi.

Tại đây, quân Israel phải đối phó với một cuộc chiến tranh du kích, chiến đấu với các nhóm vũ trang ẩn nấp, phục kích khắp mọi nơi trên các đường phố, trong các tòa nhà, rất khó có thể tránh được thiệt hại lớn.

Xem xét điều chỉnh chiến lược

Cuộc chiến tại Gaza là cuộc chiến quy mô lớn nhất, kéo dài nhất giữa Israel và Palestine kể từ khi thành lập nhà nước Israel năm 1948 đến nay. Israel muốn đánh nhanh, thắng nhanh, nhưng cuộc chiến đã kéo dài gần ba tháng mà vẫn không thực hiện được mục tiêu nào.

Trong khi đó, thiệt hại của Israel là hết sức nặng nề. Quân đội Israel thừa nhận, đến nay đã có 506 binh sỹ tử trận, trong đó 127 binh sỹ bị thiệt mạng kể từ khi Israel mở chiến dịch trên bộ ngày 27/10/2023, hơn 5000 người khác bị thương, chi phí cho cuộc chiến lên tới trên dưới 260 triệu đô la/ngày. Đây là thiệt hại lớn nhất của Israel từ trước tới nay. Kinh tế Israel đứng trước nhiều khó khăn to lớn.

Binh lính Israel hiện diện tại Dải Gaza. Ảnh: AP

Mặt khác, Israel đang phải đối mặt với xung đột cùng các phong trào kháng chiến Palestine ở Bờ Tây, nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon, các lực lượng thân Iran ở Syria, Iraq, Yemen và mới đây nhất là với lực lượng Houthi ở Biển Đỏ. Đồng thời Hamas tuyên bố sẽ không có bất cứ cuộc đàm phán nào, không có bất kỳ thỏa thuận nào trước khi Israel ngừng toàn bộ các hành động quân sự tại Gaza.

Đến nay, mặc dù cũng chịu nhiều thiệt hại, Hamas vẫn bảo toàn được lực lượng. Ngay phút đầu tiên chuyển sang năm mới 2024, hàng loạt tên lửa đã được phóng đi từ Gaza vào Tel Aviv và các thành phố khác của Israel.

Ngoài ra, sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây dành cho Israel cũng đang giảm mạnh.

Áp lực trong nước và quốc tế cũng đang đè nặng lên chính quyển của thủ tướng B. Netanyahu. Phong trào phản chiến ngày càng lan rộng trong nước và quốc tế, đòi chấm dứt chiến tranh, đàm phán để giải quyết xung đột.

Ngày 8/12/2023, lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng nổ, Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza. Ngày 12/12/2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng thông qua nghị quyết tương tự kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức”. Hầu hết các nước Liên minh châu Âu (EU), đồng minh của Israel đều bỏ phiếu thuận. Nội bộ chính quyền Israel cũng xuất hiện nhiều bất đồng về phương cách tiến hành cuộc chiến tại Gaza.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lần đầu tiên viện dẫn điều 99 Hiến chương Liên hợp quốc cho phép ông triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an để đưa ra cảnh báo coi cuộc chiến của Israel ở Gaza là đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Cao ủy phụ trách An ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell ủng hộ quyết định của Tổng thư ký Liên hợp quốc và kêu gọi các thành viên Liên minh châu Âu ủng hộ quyết định đó.

Chính phủ Australia, Canada và New Zealand cũng đã ra tuyên bố chung, kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Gaza để cho phép “tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở” đối với tất cả thường dân Palestine và thả tất cả các con tin còn lại.

Trong bối cảnh như vậy, Israel đang buộc phải xem xét khả năng điều chỉnh chiến lược quân sự của mình tại Gaza.

Chiến lược mới

Hiện nay, chiến lược mới này vẫn còn đang trong giai đoạn bàn thảo và còn nhiều tranh cãi trong nội bộ chính quyền Israel, đặc biệt giữa các thành viên của Hội đồng chiến tranh. Đến nay, Israel chưa công bố chính thức, nhưng các nội dung cơ bản của chiến lược này đã được tiết lộ.

Đài phát thanh Kan của quân đội Israel cho biết, theo chiến lược mới, quân đội Israel sẽ "chuyển sang giai đoạn mới phù hợp với tình hình thực địa". Loại hình chiến tranh mới này coi chiến dịch trên bộ cơ bản hoàn thành, quân đội Israel sẽ thu hẹp các hoạt động quân sự, giảm cường độ tấn công, giảm số lượng binh sĩ chiến đấu ở Dải Gaza, tiến hành giải ngũ một phần, chuyển sang tấn công các mục tiêu có chọn lọc và vào thời điểm thích hợp, kéo dài thời gian.

Giai đoạn này sẽ liên quan đến việc Israel dừng các cuộc tấn công quy mô lớn bằng đường bộ, đường biển và đường không, thay vào đó lựa chọn các hoạt động của lực lượng đặc biệt mang tính phẫu thuật hơn nhằm giảm thiểu hoặc ngăn chặn hoàn toàn số người chết ngày càng tăng ở người Palestine.

Chiến lược này có nghĩa là quân Israel sẽ duy trì sự có mặt lâu dài bên trong lãnh thổ Gaza, có thể vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Các hoạt động quân sự sẽ giảm dần và sẽ chỉ nhằm vào các cơ sở trọng yếu của Hamas. Chiến lược này sẽ tạo ra một thực tế mới ở Gaza và sẽ giảm gánh nặng về chi phí và thiệt hại cho Israel.

Cùng với việc thu hẹp các hoạt động quân sự, Israel sẽ thiết lập một vùng đệm rộng vài km bên trong lãnh thổ Gaza dọc theo biên giới Israel. Lực lượng bộ binh, sẽ đóng tại các khu vực này nhằm đảm bảo không ai ở Gaza có thể tiến đến gần biên giới Israel để tiến hành các cuộc tấn công. Các lực lượng Israel được triển khai ở đó sẽ ít hơn nhiều so với hiện nay.

Trên thực tế, kênh 13 của Israel cho biết, ngày 21/12/2023 quân đội Israel đã rút lữ đoàn Golani tinh nhuệ nhất cùng một số đơn vị thiết giáp khỏi Gaza sau tổn thất lớn trong trận chiến ở Shujaiya. Ngày 31/12/2023, Israel đã quyết định rút thêm 5 lữ đoàn nữa, tương đương khoảng 120 nghìn binh sỹ khỏi Dải Gaza. Báo The Times của Israel cho biết, Lữ đoàn thiết giáp 460, Lữ đoàn 261, Lữ đoàn 828, Lữ đoàn thiết giáp dự bị 14 và Lữ đoàn lính dù dự bị 551 đã rút khỏi Gaza. Những người lính dự bị sẽ được giải ngũ để tham gia vào việc phục hồi kinh tế.

Vai trò của Mỹ

Có thể nói Mỹ đóng vai trò và có ảnh hưởng rất lớn đối với Israel trong cuộc chiến chống Hamas ở Dải Gaza.

Khi bùng nổ xung đột ngày 7/10/2023, Mỹ đã thông qua ngay gói viện trợ khẩn cấp 14,2 tỷ đô la, cung cấp vũ khí cho Israel, đưa tàu hai tàu sân bay USS Gerald Ford và USS Eisenhower, cùng nhiều tàu chiến tới Trung Đông, đồng thời đặt 2.000 binh sĩ trong tình trạng báo động. Đây là đợt triển khai lực lượng lớn nhất của Mỹ trong khu vực nhiều năm trở lại đây, nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với Tel Aviv.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Axis

Vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong cuộc chiến hiện nay của Israel chống lại Hamas là lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ cuộc chiến nào trước đây. Mỹ ủng hộ kế hoạch của Israel nhằm tiêu diệt Hamas và cho rằng điều này chỉ có thể thực hiện được bằng một cuộc tấn công trên bộ và cuộc chiến đẫm máu này của Israel tại Gaza nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Washington.

Mỹ là nước duy nhất trên thế giới, ngoài Israel, phản đối lời kêu gọi ngừng bắn ở Gaza của cộng đồng quốc tế. Việc thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên họp quốc yêu cầu ngừng bắn toàn diện, thậm chí vì mục đích nhân đạo, đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ.

Tuy nhiên, gần đây Washington lại đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược của Tel Aviv tại Gaza.

Trong chuyến thăm Israel ngày 14/12 vừa qua, Cố vấn ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã hội đàm với Thủ tướng Netanyahu về việc chuyển đổi chiến lược quân sự tại Gaza từ các hoạt động cường độ cao hiện nay sang các hoạt động cường độ thấp hơn thời gian tới và đề nghị Israel ngừng các cuộc tấn công vào đầu năm mới. Tổng thống Joe Biden cũng đã điện đàm với Thủ tướng Netanyahu về việc thu hẹp quy mô các hoạt động cường độ cao của Israel tại Gaza.

Ông Biden cũng cảnh báo Thủ tướng Netanyahu rằng Israel đang mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì các vụ “đánh bom bừa bãi” ở Gaza và nên thay đổi chính phủ của mình vốn do các đảng cực hữu thống trị. Đây là lời chỉ trích gay gắt nhất của ông từ trước đến nay về cách ông Netanyahu tiến hành cuộc chiến ở Gaza và đây cũng là áp lực lớn nhất của Mỹ đối với Israel nhằm thay đổi chiến lược của họ ở Gaza

Mỹ lo ngại hoạt động quân sự cường độ cao của Israel có thể lôi kéo các tổ chức và các nước khu vực vào trận. Điều này có thể gây ra một cuộc xung đột rộng hơn, lôi kéo Mỹ tham gia và phá hoại những nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm bình thường hóa giữa Israel và các nước Ả Rập, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đang đến gần. Ông J. Biden đặt mục tiêu thắng cử nhiệm kỳ hai, nhưng Washington đang vấp chỉ trích vì ủng hộ Israel trong cuộc chiến Gaza và tìm cách gây áp lực lên Thủ tướng Netanyahu.

Mặc dù Thủ tướng Israel vẫn đưa ra các tuyên bố cứng rắn về sự cần thiết phải tiêu diệt phong trào Hamas, Dải Gaza phải được phi quân sự hóa và các xu hướng cực đoan trong xã hội Palestine phải được xóa bỏ, nhưng các nguồn tin cho biết ông đang thảo luận với Hội đồng chiến tranh về một giải pháp mới cho cuộc xung đột Gaza.

Về phần mình, Hamas và Fatah, hai lực lượng chính ở Palestine đang thảo luận với nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Ai Cập về khả năng hợp nhất hai tổ chức này và khả năng Hamas gia nhập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Gia nhập PLO có nghĩa là Hamas sẽ chấp nhận hiến chương của tổ chức này, dẫn đến việc sáp nhập Gaza với Bờ Tây dưới sự quản lý của một chính quyền thống nhất. Khi đó Israel sẽ không còn lý do gì để chống lại Hamas nữa. Ý tưởng này đang được nhiều nước trong cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Mặc dù còn nhiều phức tạp, việc Israel thay đổi chiến lược quân sự tại Gaza, khả năng Hamas và Fatah hợp nhất với nhau có thể mở ra tia hy vọng các bên trở lại bàn đàm phán để giải quyết hậu quả của cuộc xung đột và tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề Palestine - Israel.


Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Đời sống pháp luật

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên