Trả lương ngàn đô la, doanh nghiệp vẫn 'đỏ mắt' tìm lao động
Với việc kiểm soát được dịch COVID-19, thị trường lao động Việt Nam đang có sự thay đổi lớn. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) FDI dịch chuyển, mở rộng đầu tư sang Việt Nam kéo nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, đặc biệt là lao động có trình độ. Nhiều DN chi hàng nghìn USD để tuyển lao động nhưng vẫn tìm không được.
Đủ cách "săn" lao động chất lượng cao
Suốt mấy tháng qua, Công ty cổ phần XNK Favina (doanh nghiệp may mặc của Hàn Quốc) đang rao tuyển nhiều vị trí như: Quản lý sản xuất may mặc, Đo lường chất lượng, Thiết kế sản phẩm, Trưởng phòng Marketing…
Trao đổi với Tiền Phong, bà Đặng Minh Anh, đại diện công ty Favina cho biết, trước đây những vị trí cấp cao này chủ yếu do người Hàn Quốc đảm nhiệm. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc nhập cảnh đối với người nước ngoài trở nên khắt khe, khiến một số nhân sự về nước khó trở lại làm việc.
“Có đợt nhân sự Quản lý Đo lường chất lượng về nước suốt 3 tháng liền, sau đó không nhập cảnh lại được vì dịch. Sản phẩm làm ra, nhưng chưa được kiểm duyệt nên cả dây chuyền bị ngừng. Trước tình hình trên, công ty đã chuyển hướng tìm các nhân sự người Việt thay thế", bà Anh cho hay.
Theo bà Anh, những vị trí này đều có mức lương khá dao động 30-40 triệu đồng/tháng. Nếu không vì tác động của dịch bệnh, đa phần người Việt sẽ không được đảm nhiệm. Nhiều DN FDI trong ngành may mặc đã bắt đầu áp dụng cách này để giải quyết tình trạng thiếu lao động người nước ngoài. Trong thời gian đầu, những người thay thế gặp một số khó khăn, nhưng sau đó đã chứng minh được năng lực, đảm nhận được công việc hiệu quả.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đang tìm nhân sự là người Việt Nam để thay thế nhân sự người nước ngoài chưa thể nhập cảnh vào
Tháng 12/2020, Tập đoàn công nghệ HCL Technologies tuyên bố đầu tư vào Việt Nam. Công ty cho biết, sẽ đặt văn phòng đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội để triển khai các giải pháp công nghệ trong một số ngành dọc ở các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng, an ninh mạng…
Đại diện công ty cho biết, đang lên kế hoạch tuyển dụng hơn 3.000 nhân viên là các lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin. Mức lương khởi điểm dao động từ 500 USD - 2.000 USD (12 - 46 triệu đồng), chưa kể các khoản thưởng khác. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua chưa có nhiều ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn của công ty.
“Ngoài trình độ chuyên môn, công ty yêu cầu ứng viên có trình độ ngoại ngữ tốt và thích ứng làm việc trong môi trường năng động”, vị này cho hay.
Để đáp ứng nhu cầu khắt khe về nguồn nhân lực, đại diện Công ty HCL Technologies cho biết, đang lên chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học, cao đẳng về công nghệ thông tin của Việt Nam với quy mô đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Công ty cũng liên hệ nhiều các công ty tuyển dụng uy tín “săn” nhân sự, và tổ chức các chương trình "Ngày hội việc làm trực tuyến”.
Nhu cầu tuyển dụng tăng lên
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ Tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự của Manpower Group Việt Nam cho biết, hiện nhiều DN FDI có xu hướng dịch chuyển, mở rộng đầu tư sang Việt Nam kéo theo nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo như: lắp ráp linh kiện điện tử, chế tạo và lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất bao bì, kho bãi và vận chuyển…ngày càng tăng cao.
Nhu cầu tuyển dụng lao động ở Việt Nam đang tăng cao sau đợt thấp nghiệp ở mức kỷ lục
“Thị trường lao động chứng kiến sự thay đổi lớn do tác động của dịch COVID-19 và định hướng phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Rất nhiều DN đang đặt hàng tuyển dụng các công việc có trình độ cao như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng, Fintech, kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin, điện tử...”, bà Trang cho hay.
Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do ảnh hưởng dịch COVID-19, Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chuyên gia, người lao động nước ngoài nhập cảnh vào làm việc. Trước tình hình này, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều DN đã chuyển sang tìm kiếm nhân sự là người Việt Nam để thay thế.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ, chuyên môn ở Việt Nam đang ở mức cao. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là khả năng ngoại ngữ. Lãnh đạo LĐLĐ Việt Nam cho rằng, ngoài trình độ chuyên môn và kỹ năng, lao động Việt cần trau dồi ngoại ngữ để đón làn sóng dịch chuyển này.
Tiền Phong