Trả lương theo vị trí việc làm: Vụ trưởng Ngân sách "tiết lộ" về nguồn tiền chi
Việc tìm nguồn ngân sách là vấn đề quan trọng đối với cải cách chính sách tiền lương bên cạnh câu chuyện sắp xếp tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế… PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) để tìm câu trả lời cho bài toán ngân sách.
Theo Nghị quyết 27 của Trung ương, mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm. Vậy để thực hiện được mục tiêu này của Trung ương, vấn đề quan trọng nhất đối với cơ quan tài chính là gì, thưa ông?
Để triển khai được các mục tiêu của Trung ương về cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội, vấn đề quan trọng nhất đối với cơ quan tài chính là thu xếp bố trí nguồn lực.
Chúng tôi cho rằng, nhu cầu nguồn lực để cải cách tiền lương giai đoạn tới là rất lớn và nó phải được xử lý đồng thời từ 2 mặt của cân đối ngân sách nhà nước (NSNN): Một là, phấn đấu tăng thu NSNN. Hai là, phải cơ cấu, sắp xếp lại các khoản chi NSNN hiện nay để dành nguồn cải cách tiền lương.
"Bộ Tài chính phải quyết liệt xử lý các vấn đề về cân đối thu – chi NSNN nói chung, cũng như việc cơ cấu lại ngân sách. Tuy nhiên, các Bộ ngành khác, các địa phương cũng phải vào cuộc thì mới có thể tạo ra nguồn cải cách tiền lương được"- Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) |
Thu NSNN trên cơ sở các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành; dự kiến những điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách thu cho phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn mới, đảm bảo môi trường cạnh tranh về đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời cũng phải đảm bảo huy động hợp lý cho NSNN, phù hợp với thông lệ quốc tế và có sức cạnh tranh, ngành tài chính có trách nhiệm quản lý để thu NSNN đạt mức cao nhất đảm bảo thu đúng, thu đủ, hạn chế nợ đọng.
Chi NSNN phải sắp xếp lại, cơ cấu lại theo hướng thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đồn thời đổi mới khu vực sự nghiệp công, nâng cao năng lực tự chủ, giảm phần chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị này, qua đó dành nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình cơ cấu lại NSNN là giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư. Đây cũng là áp lực lớn cho ngành tài chính bởi cải cách tiền lương sẽ làm tăng chi thường xuyên.
Nhìn lại giai đoạn vừa qua, sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, chúng ta đã thực hiện tăng tiền lương, ban hành mới một hệ thống chính sách an sinh xã hội rất rộng lớn, góp phần tích cực đảm bảo ổn định đời sống người dân tại thời điểm đấy. Nhưng tác động không mong muốn đối với ngân sách đó là trong khi thu giảm, mà chi NSNN lại tăng, nên bội chi ở mức cao và đó là nguyên nhân dẫn tới nợ công tăng nhanh; cơ cấu chi ngân sách, chi thường xuyên chuyển biến xấu.
Nói như vậy không có nghĩa là không làm được và thực tế trong 3 năm trở lại đây chúng ta đã làm khá tốt. Theo đó, trong dự toán NSNN hàng năm chúng ta vẫn điều chỉnh lương cơ sở tăng khoảng 7%/năm, nhưng đồng thời cũng quyết liệt tiết giảm các khoản chi thường xuyên khác, qua đó đưa tỷ trọng chi thường xuyên những năm trước khoảng 65-66% thì bây giờ về khoảng 62 – 63%. Cùng với đó tăng chi đầu tư phát triển lên khoảng 26-27% tổng chi ngân sách, vượt mục tiêu nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, nguồn lực dành ra để cải cách tiền lương từ việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công thời gian vừa qua còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu.
Về sắp xếp tổ chức lại bộ máy tinh giản biên chế, Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị đưa ra nhiệm vụ năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế so với 2015 nhưng đến nay kết quả đạt được còn rất hạn chế.
Cùng với đó, sắp xếp tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp đến nay cũng chưa thực hiện được bao nhiêu. Hiện nay cũng chỉ có khoảng 2% các đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự chủ được toàn bộ các khoản chi thường xuyên, không yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách, còn lại cơ bản vẫn phải hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ ngân sách nhà nước.
"Trung ương cũng yêu cầu trong điều hành phải dành thêm nguồn tăng thu ngân sách của cả cấp Trung ương và địa phương, để tạo nguồn cải cách tiền lương" - Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính)
Hiện nay ngân sách nhà nước đang phải “gánh” để trả lương công chức ra sao, thưa ông?
Hiện quỹ lương bao gồm chi cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lực lượng không chuyên trách ở cấp xã, trợ cấp ưu đãi người có công và một bộ phận người hưởng lương hưu từ ngân sách… chiếm khoảng 30% tổng chi ngân sách, còn so với chi thường xuyên thì chiếm khoảng 50%.
Vì việc điều chỉnh tiền lương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu ngân sách, tăng quỹ lương lên đồng nghĩa với việc tăng chi rất lớn, trong khi đó, chúng ta lại muốn chi thường xuyên phải giảm, phải tiết kiệm để cho đầu tư.
Hiện quỹ lương bao gồm chi cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lực lượng không chuyên trách ở cấp xã, trợ cấp ưu đãi người có công và một bộ phận người hưởng lương hưu từ ngân sách… chiếm khoảng 30% tổng chi ngân sách.... Ảnh: Nguyễn Lê |
Trung ương đã có Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... Vậy xin ông cho biết, khả năng cân đối để cải cách tiền lương sẽ như thế nào?
Như chúng tôi đã nói, trách nhiệm của Bộ Tài chính là tính toán, dự báo khả năng bố trí nguồn lực để thực hiện.
Và chúng tôi đã xác định nguồn lực có thể dành được nhìn từ cả khía cạnh thu và chi NSNN.
Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã tính toán trên cơ sở giả định mức tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới đạt ở mức khá. Các cải cách chính sách thu tiếp tục được thực hiện, nhưng phạm vi tác động đến ngân sách không lớn. Tuy nhiên, yêu cầu tạo nguồn từ tăng thu hàng năm, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, theo Nghị quyết 27 là cao hơn giai đoạn trước. Nghĩa là, hàng năm chúng ta sẽ ưu tiên thêm nguồn lực hơn cho cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề mấu chốt mang tính quyết định để thực hiện được các mục tiêu cải cách tiền lương là phải đổi mới sắp xếp lại tổ chức lại bộ máy theo đúng Nghị quyết 18 của Trung ương và đổi mới khu vực sự nghiệp công cũng phải đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết số 19 của Trung ương. Có như vậy, chúng ta vừa đồng thời tạo thêm nguồn lực (tăng thu từ khu vực sự nghiệp, tiết kiệm chi từ các cơ quan hành chính) nhưng cũng làm giảm nhu nguồn từ NSNN cho cải cách tiền lương (giảm số lượng các đơn vị và biên chế khu vực sự nghiệp hưởng lương từ NSNN).
Căn cứ vào các mục tiêu của Nghị quyết 18, 19, 27, 28 của Trung ương và các dự báo, yêu cầu điều chỉnh cơ cấu NSNN, Bộ Tài chính sẽ tính toán nhu cầu cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn tới sẽ là bao nhiêu, khả năng cân đối nguồn lực hàng năm đến đâu.
Các tính toán dựa trên giả định những mục tiêu của Trung ương đặt ra theo Nghị quyết 18, 19 được hoàn thành. Vì vậy, nếu trong quá trình điều hành không đạt được hoặc đạt ở mức thấp thì sẽ rất khó khăn trong việc cân đối nguồn.
Nói như vậy có nghĩa Bộ Tài chính phải quyết liệt xử lý các vấn đề về cân đối thu – chi NSNN nói chung, cũng như việc cơ cấu lại ngân sách. Tuy nhiên, các Bộ ngành khác, các địa phương cũng phải vào cuộc thì mới có thể tạo ra nguồn cải cách tiền lương được.
Khi làm Nghị quyết 27, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương về dự kiến nhu cầu cải cách tiền lương. Nếu thực hiện theo phương án như thế, dự kiến khả năng cân đối nguồn lực từ thu, tiết kiệm chi, từ sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế, từ đổi mới khu vực sự nghiệp công lập thì cũng có cân đối. Tất nhiên tại mỗi thời điểm tính toán có sự thay đổi. Ví dụ, tại thời điểm đấy tăng trưởng kinh tế những năm đầu còn khó khăn chỉ đạt bình quân 5,9%; đến nay thì kinh tế đã khởi sắc hơn, có thể sẽ có những tính toán tích cực hơn.
Bộ Tài chính sẽ liên tục cập nhật, hiện đang tính toán để đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược tài chính 10 năm và kế hoạch tài chính 5 năm. Sắp tới sẽ trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt, trong đó có những chỉ tiêu về mặt tài chính, một trong số đó sẽ có vấn đề xử lý tiền lương như thế nào.
Vậy khi tăng lương thì có lo ngại nợ công sẽ tăng?
Tất nhiên khi chúng ta không kiểm soát được nguồn và nhu cầu thì tăng lương sẽ dẫn đến tăng chi NSNN và nếu cân đối không tốt sẽ dẫn đến tăng bội chi, mà tăng bội chi thì sẽ dẫn đến tăng nợ công. Theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ quyết liệt kiểm soát bội chi ngân sách ở mức phù hợp, qua đó giảm bớt gánh nặng nợ công trong tương lai.
Việc tìm nguồn ngân sách là cả vấn đề đối với cải cách chính sách tiền lương, vậy Bộ Tài chính có kiến nghị gì về vấn đề này, thưa ông?
Đúng như tôi đã nói, đây là bài toán cân đối tổng thể NSNN, cả về thu và chi, cả khía cạnh nguồn và nhu cầu cải cách tiền lương.
Vấn đề thu, về mặt chủ quan của Bộ Tài chính là công tác quản lý thu, về mặt khách quan thu NSNN phụ thuộc vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế và việc xây dựng, điều chỉnh chính sách thu cũng phải có sự đồng thuận của Chính phủ, Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc điều chỉnh một số chính sách thu đảm bảo môi trường cạnh trạnh của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế…
Trở lại vấn đề chi và nhu cầu nguồn lực cải cách tiền lương, một trong những điểm quan trọng là tổ chức sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; các Bộ, các địa phương phải đạt được chỉ tiêu theo đúng Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương…
Bài toán cắt giảm biên chế là bài toán khó. Vậy xin ông cho biết, ở khu vực công, khi giảm số lượng biên chế thì đối với những đối tượng giảm đó sẽ giải quyết thế nào?
Đúng, nhìn từ thực tế kết quả triển khai ở các bộ, ngành, địa phương thì đây là bài toán nan giải. Cơ chế tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta khiến việc cắt giảm biên chế rất khó khăn. Giảm đã khó rồi, nhưng giảm kèm theo chi phí chứ không hẳn giảm biên chế là tiết kiệm được ngay. Bởi lẽ, khi giảm sẽ phải chi trả kinh phí tinh giản biên chế, thông thường đối tượng giảm là những đối tượng có thâm niên lâu năm nên kinh phí chi trả cũng tương đối lớn.
Vậy mình có dự toán cụ thể cho vấn đề này?
Có chứ, hàng năm đều phải có. Ví dụ như năm nay, kinh phí tinh giản biên chế vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Con số 2.000 tỷ này mới là con số bố trí ở Trung ương, ngoài ra các địa phương cũng phải bỏ ra từ nguồn cải cách tiền lương của họ.
Chúng ta đã có nhiều lần cải cách tiền lương, vậy lần cải cách này có gì khác những lần trước, thưa ông?
Theo tinh thần Nghị quyết 27, lần cải cách này tương đối mạnh mẽ, gần như triệt để. Nghị quyết 27 và 28 về tiền lương và bảo hiểm xã hội gần như là 2 nghị quyết đầu tiên mang tính chuyên ngành cao được Trung ương đưa ra.
Về vấn đề tiền lương, Trung ương và Bộ Chính trị đã bàn nhiều nhưng trước đây không ra được nghị quyết, chỉ có kết luận, thì vừa rồi đã ra được nghị quyết, nó thể hiện ý chí quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và cả hệ thống chính trị.
Lần cải cách này, tư duy về tiền lương đã đi theo mạch hiện đại là theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh… và với quyết tâm cao, sẽ nâng tiền lương khu vực công sát, tiệm cận với khu vực doanh nghiệp, sẽ tạo ra sự cạnh tranh tương đối giữa khu vực công và khu vực tư.
Để giải quyết các vấn đề về nguồn lực, trước đó Trung ương cũng đã có các nghị quyết về tổ chức sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công; Chính phủ cũng đã có các nghị quyết chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, Trung ương cũng yêu cầu trong điều hành phải dành thêm nguồn tăng thu ngân sách của cả cấp Trung ương và địa phương, để tạo nguồn cải cách tiền lương.
Với quyết tâm chính trị cao và việc triển khai có bài bản, chúng tôi tin là tiến trình cải cách tiền lương giai đoạn tới sẽ thành công.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Infonet