MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trả phí không chính thức ngụy trang nhiều hình thức chiếm 25% các giao dịch kinh doanh

Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25-30% trong các giao dịch kinh doanh ở Việt Nam.

Ngày 5-3, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các bên nhằm hoàn thiện xây dựng Dự thảo Báo cáo nghiên cứu "Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị".

Phí không chính thức là thông lệ

Kết quả nghiên cứu thu được từ 239 DN tham gia khảo sát và 40 DN tham gia các cuộc phỏng vấn sâu cho thấy trong mối quan hệ với nhà nước, có 2 vấn đề quan trọng cần xem xét. Thứ nhất, kết quả khảo sát cho thấy một tỉ lệ lớn DN đã vi phạm một số quy định. Thứ 2, việc trả phí không chính thức cho cán bộ nhà nước dường như là một thông lệ kinh doanh phổ biến mang tính văn hóa ở Việt Nam.

Được tổ chức vào thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sắp chính thức có hiệu lực, mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước, các kết quả nghiên cứu được đưa ra thảo luận tại hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế tuân thủ quy định của pháp luật về trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong tổ chức và hoạt động của DN thông qua xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ.

Để giải thích hay biện minh cho việc này, các DN đã viện dẫn một số thách thức để đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật như gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định hoặc do các quy định pháp luật có sự chồng chéo/mâu thuẫn và thay đổi thường xuyên trong khi bản thân DN thiếu nhân lực chuyên trách để nắm bắt kịp thời các sự thay đổi đó.

Trong quan hệ giữa DN với các đối tác kinh doanh, các biện pháp không chính thức và làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen được sử dụng khá rộng rãi và chiếm tỉ trọng khá lớn.

Mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25-30% trong các giao dịch kinh doanh. 1/3 số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh. Việc chi trả chi phí không chính thức làm gia tăng áp lực cho các DN khác cũng phải làm tương tự để có thể tham gia cuộc chơi.

Bất thường trong mua sắm, bán hàng

Các hoạt động bất thường trong mua sắm, bán hàng đều chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong các DN tham gia khảo sát và điều này được cho rằng là nguy cơ tác động đáng kể tới tính liêm chính trong kinh doanh. Đối với hoạt động mua sắm, các thực tiễn chưa tốt như "đặt hàng không theo nhu cầu", "đặt hàng không đúng chất lượng", hồ sơ báo giá bị can thiệp làm mất tính khách quan" chiếm khoảng 10%.

Tương tự, trong hoạt động bán hàng, 11-16% DN tham gia khảo sát đã nhận ra các bất thường như "lập hóa đơn sai", "đặt hàng không theo đúng như cam kết trong hợp đồng" một cách rõ ràng.

Các cuộc thảo luận nhóm cũng chỉ ra rằng các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, ưu tiên mục tiêu "ăn xổi" mà không xem xét kỹ lưỡng rủi ro do quan điểm các "rủi ro cao" luôn đi cùng với "lợi nhuận cao".

Báo cáo cũng dẫn kết quả cuộc điều tra toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), theo đó cho thấy từ 51 đến 65% DN tham gia khảo sát trong giai đoạn 2011-2017 cho rằng các DN cùng ngành đang phải trả chi phí hối lộ; ngoài ra xu hướng DN phải chi trả từ 10% tổng doanh thu trở lên cho các chi phí không chính thức đang tăng dần từ 7% năm 2010 lên hơn 10% số DN được khảo sát trong giai đoạn 2014-2017. Gần đây, khoảng hơn 80% doanh nghiệp tin rằng mức chi phí không chính thức họ phải trả ở mức chấp nhận được.

Từ các bằng chứng trên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã coi hối lộ như là "chi phí kinh doanh" nhiều hơn là vấn đề "liêm chính trong kinh doanh". Đa số các doanh nghiệp đang phải trả chi phí không chính thức tin rằng việc chi trả này là ở mức độ chấp nhận được.

Bất thường trong quản lý nhân sự

Dự thảo Báo cáo đánh giá đáng báo động hơn là các bất thường trong quản lý nhân sự. Theo dự thảo Báo cáo, khoảng 27-38% người trả lời cho biết họ có biết các hoạt động như "thực hiện không đầy đủ các khoản phải nộp cho người lao động", "chưa tuân thủ pháp luật về lao động trong ký kết và thực hiện hợp đồng", "tuyển dụng dựa phần lớn vào quen biết, quan hệ nhiều hơn là năng lực". Theo kết quả khảo sát, các DN quy mô vừa tuyển dụng nhân sự dựa trên quan hệ, quen biết ít nhất (33%) trong khi tỉ lệ này cao hơn ở các DN nhỏ và lớn (51-52%).


Theo Dương Ngọc

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên