Trả tiền để... ngồi ngơ: Những quán "cafe ngơ" đang gây sốt Hàn Quốc, nổi lên từ một thực tế đáng buồn
Hiện tại, cứ trong 10 người Hàn Quốc thì có tới 7 người cảm thấy căng thẳng. So với năm ngoái, tỷ lệ này tăng 15,7%.
- 08-11-2021Chấp nhận mất 2 tỷ trong 10 năm, nhiều người vẫn thích ôm lap ra cafe làm việc: Vì sao?
- 27-10-2021Nghịch lý những căn nhà "rẻ như cho" ở các đất nước có BĐS đắt đỏ trên thế giới: Có căn giá chỉ bằng một tách cafe, vì sao?
- 02-10-2021'Nếu không uống cafe sang chảnh, trong 5 năm bạn sẽ mua được một căn nhà': Tích gió thành bão, tiết kiệm chính là kỷ luật sống hàng đầu của người trưởng thành!
Phần lớn nạn nhân của "đại dịch stress" ở Hàn Quốc là thanh niên tuổi 20. Họ phải đối mặt với quá nhiều áp lực trong cuộc sống, bao gồm từ thất nghiệp, nợ nần… đến Covid-19 kéo dài.
Mệt mỏi vì cuộc sống, giới trẻ Hàn Quốc trốn vào tiệm "cà phê ngơ"
Stress mọi chốn, độ trầm cảm gần 8/10
Mới đây, Giáo sư Yoo Myung Soon (Đại học Quốc gia Seoul) thực hiện 1 khảo sát trên 1016 người Hàn Quốc. Ông báo cáo, 72,8% đang cảm thấy căng thẳng.
Thống kê theo nghề nghiệp, giới kinh doanh stress nhiều nhất với tỷ lệ 79,4%. Tiếp đến là những người thất nghiệp (74,6%), nội trợ (74,4%), công nhân (73,2%) và nhân viên thuộc lĩnh vực bán hàng, dịch vụ (72,6%).
Thống kê theo độ tuổi, nhóm tuổi 20 cao nhất với 46,5%. Gần 84,6% người Hàn Quốc cho rằng, nguyên nhân gia tăng stress là tác động tiêu cực từ sự kéo dài của đại dịch.
Giới trẻ Hàn Quốc chịu áp lực nặng nề vì Covid-19 kéo dài
Trên thang đo trầm cảm (1 – 10), người Hàn Quốc hiện đang ở mức 7,91 (cao hơn năm 2020 1,16 điểm).
Mặc dù khiến tỷ lệ stress gia tăng, Covid-19 chỉ là 1 trong vô vàn nguyên nhân. Hàn Quốc thuộc "top" sống vội vã và mệt mỏi nhất thế giới. Trẻ con Hàn Quốc vật vã vì áp lực thành tích học tập. Thanh niên thì khốn khổ vì kiếm việc, gia tăng thu nhập, lập gia đình… Trung niên Hàn Quốc càng lắm gánh nặng. Người già Hàn Quốc vẫn vô số chuyện phải lo toan.
Quên mất cách thả lỏng
"Tôi gần như chẳng có chút thì giờ nào mà nghỉ ngơi," - Ahn Areum (32 tuổi) chia sẻ. "Vừa hết giờ làm việc, tôi về nhà và tất bật dọn dẹp. Thường thì, tôi chỉ có tầm 30 phút đến 1 tiếng rảnh rỗi trước khi đi ngủ. Nhưng tôi lại dùng chút thời gian ít ỏi này lướt điện thoại, thành ra cả ngày không được thả lỏng phút nào".
Tương tự với Areum, Jung Jae Hwan (38 tuổi) cũng đầu tắt mặt tối. Lắm lúc, anh ao ước trên người tồn tại nút dừng, để khiến bản thân tạm ngưng đâm đầu vào công việc, thư giãn lấy sức khỏe.
Từ lâu, Hàn Quốc đã khét tiếng "địa ngục sinh tồn". Để giành giật công việc, nâng cao thu nhập và sở hữu căn hộ, giới trẻ bắt buộc phải từ bỏ nhiều thứ, chỉ tập trung tăng ca và lại tăng ca. Họ cố kiết thành thói quen, cuối cùng quên mất cách thả lỏng.
Cuộc thi Ngơ mở đầu xu hướng thả lỏng tâm trí hút giới trẻ
Năm 2014, Hàn Quốc mở cuộc thi Ngơ (Space Out). Người tham gia chỉ việc ngồi không, nhịp tim ai thấp nhất thì thắng cuộc. Sau năm này, Hàn Quốc tổ chức thi Ngơ thường niên, duy trì và lan tỏa thông điệp "hãy sống chậm lại".
Nỗ lực đoạt ngơ
Trong tiếng Hàn, "ngơ" được phiên âm là "mung" (trống rỗng). Cuộc thi Ngơ truyền cảm hứng cho 1 xu hướng mới, Đoạt ngơ (Hitting mung).
Trước đại dịch, giới trẻ Hàn Quốc có khá nhiều cách để đoạt ngơ, trong đó nổi bật 2 phương pháp: Ngơ lửa (fire mung, nhìn chằm chằm vào ngọn lửa đang cháy) và Ngơ nước (water mung, ngắm dòng chảy, lắng nghe tiếng nước).
Lặng ngắm nước chảy là một trong các kiểu đoạt ngơ được yêu thích
Bắt nhịp Đoạt ngơ, một số doanh nhân mở quán cà phê nơi thanh vắng, cho phép khách rũ bỏ nhịp sống xô bồ, thả mình vào thiên nhiên. Tiệm tiên phong là Green Lab, gần Rừng Seoul. Nó hướng mặt vào rừng, yêu cầu khách "ngơ toàn tập".
Trong Green Lab, khách không được phép mang giày, nói chuyện, dùng điện thoại. Sau khi gọi nước, họ chọn ghế và ngồi một mình cho tới lúc ra về.
"Quy tắc ở đây là không được làm gì cả," – Jae Hwan thuật lại. "Nó khiến bộ não của tôi trở nên trống rỗng. Tôi bình thản đến độ ngửi thấy mùi lá cây, thong thả ngắm hoa, đọc hết một cuốn sách và làm thơ. Các ý tưởng mới mẻ tự nhiên nảy sinh trong đầu, vô cùng dễ chịu".
Bên trong Green Lab, khách không giao tiếp với nhau, im lặng ngơ đến lúc ra về
Sau Green Lab, các tiệm cà phê tương tự mọc lên, ví dụ Goyose tại đảo Jeju. Trong quán này, khách được khuyến khích thử viết thư cho chính mình.
Tại Busan, "cà phê ngơ" còn cung cấp đống lửa trại. Khách vừa nhâm nhi thức uống, vừa thả hồn vào ánh lửa, mặc thời gian trôi. Trên đảo Ganghwa, bờ biển phía Tây, tiệm Mung Hit sắp đặt ghế đơn đối diện gương. Khách vừa uống vừa ngắm bản thân.
Hàn Quốc gọi các tiệm cà phê ngơ là "không gian tự phục hồi". "Đoạt ngơ tức là dọn trống trái tim và bộ não, rồi lấp đầy nó bằng những ý tưởng, suy nghĩ mới," – chủ quán Ji Ok Jung cho biết. "Cà phê ngơ là nơi mọi người tự chữa lành. Bạn nhất định phải tự làm điều này cho mình, vì không ai có thể thay bạn thực hiện được".
Hàn Quốc đang dần nhiều không gian ngơ, cho phép mọi người không làm gì cả
Hiện tại, Hàn Quốc mới có rất ít các không gian phục vụ nhu cầu ngơ. Song, xu hướng này thu hút sự quan tâm và giàu tiềm năng mở rộng.
Tham khảo: Insider
Pháp luật và bạn đọc