MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trả xăng dầu về cơ chế thị trường

15-02-2023 - 09:51 AM | Thị trường

Bất ổn trên thị trường xăng dầu có nguyên nhân từ sự yếu kém trong quản lý, điều hành chứ không hoàn toàn do bất cập từ quy định pháp luật

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 14-2 đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Lỗ lớn, doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục đòi chiết khấu

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, cho rằng việc vừa qua, cơ quan chức năng xử phạt các cây xăng ngừng bán hàng chỉ là giải pháp tình thế. "Về lâu dài thì chuỗi kinh doanh xăng dầu không thể vận hành theo mệnh lệnh hành chính. Mệnh lệnh hành chính không bền vững bằng động lực thị trường" - ông Tuấn nhận xét.

Ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xăng dầu Hà Giang, cho biết 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ước tính thua lỗ lúc cao điểm nhất khoảng 900 tỉ đồng/tháng, lũy kế từ tháng 3-2022 đến nay thua lỗ khoảng 3.000 - 4.000 tỉ đồng, trong khi có doanh nghiệp (DN) đầu mối lãi hàng ngàn tỉ đồng. "DN bán lẻ đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh. Đơn vị soạn thảo cần công nhận sự tồn tại của DN bán lẻ xăng dầu khi sửa đổi nghị định" - ông Tùng đề nghị.

Nhóm DN bán lẻ tiếp tục kiến nghị cần có quy định mức chiết khấu. Ông Hà Thanh Tùng đề xuất quy định chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ là từ 3%-3,5% nhân với giá bán lẻ trước thuế tại thời điểm bán ra; lợi nhuận định mức từ 2%-2,5% nhân với giá bán lẻ trước thuế tại thời điểm bán ra. Ngoài ra, đại diện các DN bán lẻ còn đề nghị cơ quan soạn thảo nhất quán quan điểm quy định cho họ được lấy hàng ở 3 nguồn.

Theo ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai, trong dự thảo nghị định, Bộ Công Thương đề xuất khống chế thương nhân phân phối chỉ được nhập hàng của 3 đầu mối và không được nhập hàng lẫn nhau. Ông Phụng cho rằng quy định này không phù hợp và cho thấy có dấu hiệu "đứt gãy nguồn cung" nếu áp dụng. Ông đề nghị tiếp tục giữ nguyên các quy định như hiện hành - tức cho thương nhân phân phối được mua hàng từ nhiều nguồn.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), đề xuất cơ quan soạn thảo nghị định cân nhắc quay lại chu kỳ điều hành giá 15 ngày/lần, thay vì 10 ngày như hiện nay, để phù hợp với thời gian nhập hàng của DN.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM), nhận định có sự quản lý yếu kém của cơ quan chức năng khi để thị trường xăng dầu bất ổn thời gian qua. Theo ông Cung, có tình trạng "đá bóng trách nhiệm", "đẩy qua đẩy lại" giữa các cơ quan quản lý, chứ không hoàn toàn bất cập ở quy định pháp luật.

TS Nguyễn Đình Cung đề nghị phải trả xăng dầu về cơ chế thị trường. Để giải quyết khó khăn và DN không phải đóng cửa, ông đề xuất xem xét bỏ trần giá xăng dầu, bỏ quỹ bình ổn giá, để thị trường tự quyết định. "Muốn cung cấp xăng dầu ổn định thì nên thành lập quỹ dự trữ quốc gia, khi thị trường bất ổn thì bơm dự trữ quốc gia thay vì dự trữ tại DN" - ông nhấn mạnh.

Quan điểm của ông Cung được đông đảo DN ủng hộ tại hội thảo bằng những tràng pháo tay. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng đây là thay đổi về tư duy quản lý nhà nước nhưng sau hội thảo này rất khó để thay đổi ngay. Dù vậy, trong tương lai không xa sẽ cải cách theo hướng đó.

Trả xăng dầu về cơ chế thị trường - Ảnh 1.

Một cây xăng trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

Sửa đổi quy định phải ổn định, dài hạn

Ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng Ban Chính sách kinh doanh - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết hiện thương nhân đầu mối phải trữ tồn kho 20 ngày, trong khi công thức tính giá có biên độ quá ngắn, dẫn tới lúc giá xuống thì DN gặp khó vì tồn kho. "Do đó, chúng tôi không đủ nguồn lực chia sẻ chiết khấu cho DN bán lẻ" - ông Nam nêu ý kiến.

Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch Saigon Petro, cho rằng với DN đầu mối, bên cạnh việc chia sẻ với các đơn vị bán lẻ còn có trách nhiệm đối với nhà nước. "DN bán lẻ đòi chiết khấu, nếu chúng tôi có lãi thì chia liền nhưng DN đầu mối cũng lỗ nặng. DN đầu mối có trách nhiệm nhập khẩu đủ xăng dầu nhưng việc nhập khẩu không phải dễ dàng khi giá cao, chênh lệch tỉ giá lớn" - ông Thoại nêu.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA), hiệp hội đã có ý kiến với ban soạn thảo để góp ý cho việc sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, VINPA cho rằng ít nhất phải sửa đổi 10 điều tại Nghị định 95. Đơn cử, hiện DN phải bảo đảm dự trữ lưu thông trong 20 ngày. Do đó, để đủ chi phí cho DN, không quan trọng việc điều hành giá xăng dầu trong 5 hay 7 ngày mà là giá xăng dầu phải tính bình quân trong 20 ngày tồn kho của DN đầu mối, theo đúng quy định lưu thông bắt buộc. Nếu không tính đủ trong 20 ngày, DN lỗ thì sẽ không còn tiền để chiết khấu cho DN bán lẻ.

Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, khẳng định: "Việc xây dựng chính sách phải hướng đến mục tiêu dài hạn, ổn định, không chạy theo vấn đề cục bộ, mang tính hiện tượng, cá biệt. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị định.

Đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn

Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Quỹ này có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Vì vậy, nguyên tắc này không bảo đảm "bình ổn" và quỹ chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá. Ngoài ra, quỹ này chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng; quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo quy tắc nào. Do vậy, ông Anh đề nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Theo MINH PHONG

NLĐ

Trở lên trên