Trái chiều và xu hướng bất lợi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngược xu hướng, lãi suất trái phiếu bình quân lại tăng lên; trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bớt mặn mà.
- 26-09-2020Doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu trước giờ “G”, chấp nhận lãi suất cao hơn
- 23-09-2020Vì sao doanh nghiệp 'quay lưng' với phát hành trái phiếu ra công chúng?
- 22-09-2020Nhà đầu tư cần cảnh giác với trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao
Trong báo cáo mới nhất về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã cập nhật những thông tin đáng chú ý về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 8 tháng đầu năm 2020.
Theo báo cáo này, khối lượng phát hành TPDN 8 tháng đầu năm đạt 247.011 tỷ đồng, tương đương 74,2% tổng khối lượng phát hành trong năm 2019.
Trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm 96%. Quy mô thị trường TPDN đến cuối tháng 8/2020 đạt khoảng 12,3% GDP năm 2019, tăng 13,2% so với cuối năm 2019.
Quy mô thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng mạnh
Về doanh nghiệp phát hành, trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục là các nhà phát hành lớn nhất, chiếm lần lượt 33,34% và 28,19% tổng khối lượng phát hành.
Tiếp đó, doanh nghiệp dịch vụ, sản xuất và xây dựng lần lượt chiếm 12,06%, 4,6% và 3,6% tổng khối lượng phát hành.
Nếu như quy mô thị trường đã gia tăng liên tục, thì điểm bất lợi của các doanh nghiệp phát hành những tháng đầu năm nay là chi phí. Cụ thể, ngược với xu hướng lãi suất ngân hàng liên tục sụt giảm thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lại tăng lên.
Cụ thể, về lãi suất và kỳ hạn phát hành, bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2020 ở mức 9,21%/năm, tăng 0,37%/năm so với bình quân năm 2019 (8,82%/năm).
Trong khi đó kỳ hạn phát hành bình quân TPDN ở mức 3,92 năm, giảm 0,18 năm so với bình quân năm 2019 (4,1 năm).
Về nhà đầu tư , trong 8 tháng đầu năm 2020, nhà đầu tư tổ chức là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp TPDN. Các nhà đầu tư tổ chức chiếm 86,34% khối lượng phát hành.
Như vậy, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 13,66%.Tỷ lệ này phản ánh xu hướng nhà đầu tư cá nhân đã bớt mặn mà ở kênh này.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rằng, tỷ lệ mua TPDN trên thị trường sơ cấp của nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giảm dần trong năm 2020. Điều này được thể hiện rõ rệt trên tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia TPDN giảm dần trong từng tháng, giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8 của năm.
Thời điểm trước đó, xu hướng các doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu; công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân đã diễn ra trong một thời gian khá dài.
Đơn cử, nếu như cả năm 2019, trên thị trường sơ cấp TPDN, tổng dư nợ trái phiếu mà nhà đầu tư cá nhân mua mới chỉ chiếm 8,8% giá trị toàn thị trường, thì 4 tháng đầu năm 2020, con số này đã tăng lên 26,8%.
Tỷ lệ mua TPDN trên thị trường sơ cấp của nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giảm dần trong năm 2020
Việc tỷ lệ mua của các nhà đầu tư cá nhân ở kênh TPDN có xu hướng giảm dần như trên nằm trong dự báo khi trước đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã nhiều lần phát đi thông tin nhắc nhở, cảnh báo về rủi ro...
Trung tuần tháng 7, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành TPDN theo hướng "siết chặt" hơn với thị trường này .
Trước đó, từ cuối năm 2019 trước thời điểm ban hành Nghị định 81 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nhiều đưa ra khuyến cáo liên quan đến rủi ro tiềm ẩn ở kênh TPDN. Gần đây nhất, vào đầu tháng 7, Bộ Tài chính khuyến nghị doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ .
Với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, Bộ Tài chính nhiều lần khuyến cáo với thông điệp: "Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, không nên mua chỉ vì lãi suất cao".
Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/1/2021) quy định TPDN riêng lẻ sẽ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nhà đầu tư cá nhân được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi thỏa mãn các điều kiện: Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán, cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng...
BizLIVE