MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư mắc kẹt

Nhà đầu tư kêu cứu mong tất toán TPDN đã mua

Nhà đầu tư kêu cứu mong tất toán TPDN đã mua

Liên tiếp các công ty chứng khoán thông báo tạm hoãn mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Điều này khiến nhà đầu tư “mắc kẹt” khi nhận ra hợp đồng mua TPDN mà họ đã ký thông qua tư vấn của ngân hàng, công ty chứng khoán không hề có thông tin về bảo lãnh thanh toán và khác xa với tư vấn ban đầu.

"Đem con bỏ chợ"

Chia sẻ với PV Tiền Phong, chị Đặng Thanh Huyền (Đà Nẵng) cho biết, chị mua TPDN Vạn Thịnh Phát đến hạn thanh toán ngày 22/10. Tuy nhiên, gần 10 ngày không thấy công ty làm thủ tục thanh toán. Tìm đến chi nhánh ngân hàng gặp nhân viên ngân hàng từng môi giới cho chị mua TPDN, thì chị ngã ngửa khi nhận được câu trả lời: Phải chờ đến khi DN phát hành trái phiếu mua lại thì mới được thanh toán. Không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chính nhân viên ngân hàng tư vấn mua TPDN cho mình, chị Huyền vào các nhóm khách hàng cùng mua TPDN trên Facebook, Zalo hỏi thì phát hiện rất nhiều nhóm người "cùng cảnh ngộ".

Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư mắc kẹt - Ảnh 1.

Nhà đầu tư kêu cứu mong tất toán TPDN đã mua

"Nhân viên ngân hàng bảo chúng tôi chờ, bởi DN phát hành vướng vào một số vụ án. Chúng tôi mệt mỏi chờ đợi và chưa biết khi nào được tất toán số trái phiếu này", chị Huyền chia sẻ.

Qua tư vấn của ngân viên chăm sóc khách hàng VIP của một ngân hàng ở đường Ngô Thì Nhậm, anh Phạm Tuấn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết định đầu tư 2 tỷ đồng mua TPDN của DN bất động sản Quang Thuận (QT). Mua bán thực hiện qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Khi mua TPDN, nhân viên công ty này đã cam kết, công ty sẽ mua lại TPDN khi nhà đầu tư muốn tất toán. Tuy nhiên, tháng 10/2022, khi anh Tuấn muốn tất toán TPDN, với lí do gặp khó khăn, TVSI trả lời không mua lại TPDN.

"Nhân viên môi giới tư vấn CTCK khi bán TPDN cho tôi luôn khẳng định công ty cam kết mua lại TPDN. Đến giờ, hầu hết người mua TPDN mới phát hiện trong hợp đồng mua bán không hề có điều khoản về bảo lãnh thanh toán. Khi tôi đến hỏi thì nhân viên môi giới của CTCK và giao dịch viên tại phòng giao dịch ngân hàng đều "phủi tay" cho rằng, họ không liên quan đến việc thanh toán. Trái chủ như chúng tôi đều cảm thấy đã bị "gài bẫy" một cách tinh vi", anh Tuấn bức xúc nói.

Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư mắc kẹt - Ảnh 2.

Hợp đồng mua trái phiếu của TVSI không có đơn vị bảo lãnh thanh toán

Chán nản, mệt mỏi là tâm trạng chung của rất nhiều trái chủ mua TPDN của các doanh nghiệp: An Đông, VTP, QT, Glory Việt Nam...những ngày vừa qua.

Chị Nguyễn Thanh (Hà Nội) cho biết, năm 2021, chị mang toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư vào TPDN Glory Việt Nam mong nhận lãi suất cao thông qua nhân viên CTCK Tân Việt môi giới. Tuy nhiên, sắp đến ngày tất toán, tìm đến nhân viên đã môi giới TPDN, chị Thanh chỉ nhận được câu trả lời "CTCK chỉ làm môi giới, nhận hoa hồng. Khi nào DN phát hành mua lại thì mới có thể tất toán được hợp đồng. Thế nhưng bao lâu nữa DN mới mua lại thì không có câu trả lời chính xác".

Đằng sau "tấm màn" phát hành

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một CTCK tham gia làm đại lý phát hành quy mô lớn thừa nhận, việc phát hành TPDN và mua bán thời gian qua giữa các ngân hàng, CTCK với các nhà đầu tư đều có những điểm sai so với quy định của pháp luật. Theo vị này, khi tư vấn cho nhà đầu tư, người góp vốn, nhân viên ngân hàng, CTCK đều không tư vấn tường tận những rủi ro, thậm chí giấu thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Vì vậy, khi chuyện TPDN vỡ lở thì hầu hết nhà đầu tư mới đọc lại hợp đồng và phát hiện hợp đồng mua bán đều không có đơn vị bảo lãnh thanh toán.

"Từ tổ chức phát hành dùng tiền sai mục đích cho đến ngân hàng, công ty chứng khoán đều huy động, bán trái phiếu lung tung, không cần biết nhà đầu tư có chuyên nghiệp theo quy định hay không. Cơ quan quản lý thời gian qua đã cảnh bảo nhiều nhưng cũng không thể kiểm soát được thị trường", vị này cho hay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói rằng, diễn biến trên thị trường TPDN vừa qua cho thấy, khi DN phát hành gặp sự cố, trái chủ chịu thiệt nhiều nhất. Bởi thời gian qua, một số nhà đầu tư TPDN riêng lẻ chưa có đủ kinh nghiệm nên không tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng mua TPDN. Cùng với đó, với sự tham gia tư vấn của các nhân viên ngân hàng, CTCK, nhà đầu tư bị rơi vào "ma trận" tư vấn mà không phát hiện ra những rủi ro khi đổ tiền mua TPDN.

Về việc nhà đầu tư không hề biết đầy đủ về nội dung các hợp đồng mua bán TPDN, ông Thịnh chỉ rõ, một trong những yếu tố bảo vệ quyền lợi đầu tư là phân biệt rõ bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán. Với bảo lãnh thanh toán, DN không trả được tiền cho trái chủ, đơn vị như ngân hàng đứng ra thanh toán. Với bảo lãnh phát hành, các tổ chức này chỉ bảo lãnh cho DN phát hành, đảm bảo phát hành theo đúng quy định, thủ tục. Đây điều phổ biến và trái chủ phải xác định kỹ.

"Nhiều trái chủ đang liều lĩnh đầu tư vào lĩnh vực mà họ không hiểu rõ và không đọc kỹ hợp đồng. Người chịu thiệt thòi đầu tiên là trái chủ bởi cho dù trái chủ có ghi âm lời nhân viên tư vấn của ngân hàng, CTCK tư vấn thì đó cũng không thể là bằng chứng khi ra toà. Vì vậy, điều bảo vệ nhà đầu tư tốt nhất hiện nay là điều khoản trong hợp đồng mua bán TPDN", ông Thịnh nói.

"UBCKNN sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN. Chúng tôi sẽ triển khai đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN tại một số DN phát hành và CTCK, các công ty kiểm toán độc lập".

Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng – UBCKNN

Đẩy mạnh thanh tra, chấn chỉnh thị trường TPDN

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, khi ngân hàng đứng ra bán TPDN, nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi là của doanh nghiệp, không phải của ngân hàng (ngoại trừ ngân hàng bảo lãnh thanh toán). Khi doanh nghiệp huy động vốn làm ăn thua lỗ, phá sản thì người cho vay khó có thể thu hồi được vốn.

Bộ Tài chính cảnh báo nhà đầu tư TPDN riêng lẻ thông qua tuyên truyền trên báo chí, truyền thông và chính ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2022 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ.

Theo ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN), ngoài quy định về cơ chế quản lý, giám sát, Nghị định 65 đã bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, giám sát và thanh kiểm tra, xử lý vi phạm.

"Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, UBCKNN sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN. Chúng tôi sẽ triển khai đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ liên quan TPDN tại một số DN phát hành và công ty chứng khoán, các công ty kiểm toán độc lập", ông Điền cho biết.

Từ tháng 10/2021 đến nay, UBCKNN phối hợp triển khai 30 đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động phát hành, giao dịch TPDN đối với tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và tổ chức phát hành. Qua kiểm tra 21 CTCK (7 định kỳ và 14 đột xuất) cung cấp dịch vụ, UBCKNN phát hiện 6 trường hợp vi phạm liên quan cung cấp dịch vụ TPDN riêng lẻ. Đối với 5 công ty chứng khoán liên quan vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, UBCKNN đã trao đổi kết quả, tài liệu cho Cơ Cảnh sát điều tra (Bộ Công an).

Theo Ngọc Linh - Phạm Tuyên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên