Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về Dự thảo Thông tư về tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thời gian qua đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
- 12-12-2021Trái phiếu không tài sản bảo đảm phải có xếp hạng tín nhiệm
- 10-12-2021Thanh tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản
- 10-12-2021Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu Chính phủ: Nên hay không?
Từ năm 2022, trái phiếu "3 không" - không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán có thể không được tồn tại trên thị trường.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không cần thiết phải có xếp hạng tín nhiệm. Chính vì vậy, thời gian qua, trái phiếu "3 không" - không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán - xuất hiện tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 11/2021, 94,5% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu riêng lẻ. Đáng lưu ý, có tới một nửa trái phiếu doanh nghiệp phát hành phát hành không có tài sản đảm bảo. Một nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và giá trị khó định giá chính xác.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đầu tư vào trái của doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo mang rủi ro rất lớn: "Các nhà đầu tư cá nhân nên xem xét khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, những trái phiếu doanh nghiệp được đảm bảo bằng tài sản thì rất tốt nhưng có rất nhiều trái phiếu tín chấp, không có tài sản đảm bảo đi cùng, độ rủi ro rất cao. Các nhà đầu tư nên chọn mặt gửi vàng,các doanh nghiệp có báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập thì thông tin và chỉ tiêu tài chính đó nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư".
Nhận diện sự bất ổn của thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, Dự thảo bổ sung quy định, doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng nếu phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành…
Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 đã bổ sung quy định về đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn giao dịch. Việc lập sàn giao dịch cho trái phiếu riêng lẻ sẽ tạo ra một chợ giao dịch sôi động cho các nhà đầu tư, làm tăng tính thanh khoản của thị trường này.
Ông Nguyễn Công Nguyên, Giám đốc nguồn vốn và tài chính, Công ty chứng khoán Beta cho rằng để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh cần kiểm soát thông tin minh bạch của doanh nghiệp phát hành.
"Những doanh nghiệp bất động sản có thể đưa ra mức lãi suất rất hấp dẫn 12%, 13% hay 14% một năm, thu hút nhà đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân tham gia nhưng họ vẫn thiếu thông tin, công cụ đánh giá để có thể tìm ra những công ty chất lượng đầu tư vào" - ông Nguyễn Công Nguyên nêu ý kiến.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu./.
VOV