Trái phiếu hay... thuốc độc?
"Đẩy lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên cao để hút người mua, không ít doanh nghiệp khát tiền kể cả biết là thuốc độc vẫn chấp nhận", chuyên gia tài chính ngân hàng nói như vậy với VnEconomy về tình trạng mua bán trái phiếu như rau ở chợ...
- 11-04-2021"Vua huy động trái phiếu" thuộc về doanh nghiệp bất động sản
- 09-04-2021Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc cao kỷ lục, chủ yếu do bất động sản
- 28-03-2021Đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu khi nền kinh tế phục hồi?
Cập nhật từ thị trường cho thấy, mua bán trái phiếu doanh nghiệp vẫn nở rộ và chưa hết nóng. Từ các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đến các trang mạng không liên quan gì đến đầu tư tài chính cũng mời chào mua trái phiếu mà ở đó, lãi suất gần như mồi nhử.
LẤY LÃI SUẤT LÀM ĐÒN BẨY
Theo thống kê thị trường đến đầu tháng 4, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng (VND) tại các ngân hàng vẫn ở mức "đáy", không có nhiều biến động mạnh trong các tháng đầu năm. Lãi suất huy động tiền đồng tại các ngân hàng cao nhất gần 7%/năm, nhưng các doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi suất gấp đôi cho trái phiếu.
Theo đó, ở thời điểm hiện nay, đối với kỳ hạn 12 tháng, nhóm ngân hàng có mức lãi suất huy động kém hấp dẫn nhất là Techcombank ở mức 4,5%/năm, GPBank 5,3%/năm và Vietcombank 5,5%/năm... Tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm quy định cho các kỳ hạn dài từ 24 tháng đến 60 tháng đồng loạt ở mức là 5,3%/năm. Trong biểu lãi suất huy động vốn dành cho khách hàng cá nhân mới nhất, Techcombank hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn tiền gửi so với tháng trước. Tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất giảm mạnh 0,3 điểm %, áp dụng ở mức 4,7%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 36 tháng tại VPBank có thể lên tới 6,5%/năm, với điều kiện gửi tiền online từ 50 tỷ đồng trở lên. Theo biểu lãi suất huy động tại quầy, với kỳ hạn 36 tháng trở lên, lãi suất dao động từ 5,2-5,7%/năm. Cùng kỳ hạn này, SCB với mức lãi suất 6,8%/năm. Ngân hàng VietcapitalBank 6,5%/năm lĩnh lãi cuối kỳ...
Điều bất ngờ là, dù lãi suất huy động trên thị trường đang ở mức thấp, sản phẩm trái phiếu đang được các doanh nghiệp phát hành trả lãi suất rất cao. Không khó để thấy hàng loạt lời chào mời hấp dẫn từ các công ty trên các website, rằng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cực thấp, lợi nhuận hấp dẫn, thanh khoản cao. Như Tập đoàn VsetGroup, top doanh nghiệp trả lãi cao nhất Việt Nam, với lãi suất trái phiếu hứa hẹn lên tới 18,8%/năm, kỳ hạn linh hoạt. Tập đoàn APEC cũng giới thiệu trái phiếu Abond mức lãi suất 13%/năm, nhận lãi trực tiếp qua thẻ ATM. Đặc biệt, theo lời quảng bá, lô trái phiếu đợt này có rủi ro thấp do được đảm bảo bởi tài sản doanh nghiệp trị giá gần 2.000 tỷ đồng, thanh khoản cao, rút tiền bất kỳ lúc nào sau 3 tháng kể từ ngày phát hành, thủ tục nhanh gọn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định: hiện lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nên các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hấp dẫn nhà đầu tư với lãi suất rất cao, gấp đôi, thậm chí gấp ba lãi suất ngân hàng là rất phổ biến. "Các nhà phát hành trái phiếu ở Việt Nam và trên thế giới đẩy lãi suất lên để hấp thụ dòng vốn chuyển hướng từ ngân hàng sang doanh nghiệp", ông Hiếu cho hay.
CHƯA CÓ DẤU HIỆU GIẢM NHIỆT
Số liệu của FiinPro cho thấy trong tháng 3, có 7.735 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành thành công, bao gồm 2.860 tỷ đồng phát hành ra công chúng của Vingroup. Nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 5.545 tỷ đồng, tương đương 72% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng. Các công ty chứng khoán cũng phát hành tới 650 tỷ đồng để phục vụ hoạt động khi thị trường chứng khoán đang có diễn biến tích cực.
Ông Lê Xuân Nghĩa Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia
Đánh giá tín nhiệm độc lập là cách phòng tránh rủi ro tốt nhất cho thị trường trái phiếu. Thông tin cần được công bố rõ ràng, minh bạch, để khách hàng căn cứ vào đó và đưa ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, làm sao để hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính liên thông với nhau. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu được một số ngân hàng kiểm định, nếu được thì bảo lãnh. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm để phát hành trái phiếu. Như vậy, sẽ khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn.
Ông Lê Xuân Nghĩa Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia
Nhìn lại năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt mức kỷ lục 429,5 nghìn tỷ VND, tăng 28,3% so với năm 2019. Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Công ty chứng khoán MB (MBS) công bố cho thấy, kênh phát hành riêng lẻ chiếm khoảng 93%, với kỳ hạn bình quân là 4,27 năm, lãi suất bình quân là 9,3%/năm.
Nhóm bất động sản là ngành đi đầu trong việc phát hành trái phiếu trong cả năm, chiếm 42% lượng trái phiếu phát hành, đạt 184,6 nghìn tỷ đồng, tiếp sau đó là nhóm ngân hàng với 134,6 nghìn tỷ đồng huy động được, tỷ lệ 31%. Lãi suất bình quân gia quyền của những trái phiếu bất động sản là 10,5%/năm, kỳ hạn bình quân là 3,6 năm. Kỳ hạn bình quân gia quyền các trái phiếu ngân hàng là 4,7 năm, mức lãi suất bình quân đạt 6,6%/năm.
Các công ty chứng khoán trong năm 2020 cũng tận dụng việc thị trường chứng khoán bùng nổ, tích cực huy động trái phiếu nhằm bổ sung vốn kinh doanh cho vay margin. Tính cả năm, các công ty chứng khoán đã phát hành 8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Kỳ hạn và lãi suất các trái phiếu không lớn, phù hợp với hoạt động kinh doanh, bình quân lần lượt chỉ 1,84 năm và 8,9%/năm.
Báo cáo cập nhật của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong quý 1/2021, có tổng cộng 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị là 12.739 tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng khối lượng phát hành và 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với giá trị 6.994 tỷ đồng.
Nhóm ngành bất động sản tiếp tục dẫn đầu thị trường với 15.588 tỷ đồng được phát hành trong quý 1/2021. Bên cạnh cái tên quen thuộc là Vingroup, Masan, có thêm 2 công ty bất động sản mới là Smart Dragon và Công ty phát triển bất động sản Nhật Quang, vừa phát hành tổng cộng 4.050 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Spirit of Saigon. Dự án này đã huy động khoảng 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2020. Khoảng 40% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm...
CHUYÊN GIA KHUYẾN CÁO GÌ?
Trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu giảm nhiệt do tác động từ thắt chặt các quy định về điều kiện phát hành tại Nghị định 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/9/2020. Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế và Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày ban hành 31/12/2020 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019. Khung pháp lý mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.
Ông Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia tài chính ngân hàng
Các nhà phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm với các nhà đầu tư. Với các nhà đầu tư, hãy cẩn thận và nên phân tích, nghiên cứu, khả năng trả nợ các trái phiếu của các nhà phát hành. Nếu không xác định được khả năng trả nợ, mà chỉ dựa vào lãi suất, sẽ là rủi ro cho chính họ. Khả năng trả nợ, phải sử dụng những chỉ số tài chính, về thanh toán, đòn bẩy tài chính, dòng tiền, lợi nhuận ROA, ROE đem lên bàn cân. Có nhiều doanh nghiệp đi vay của ngân hàng nhưng mất khả năng trả nợ. Họ phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ, lấy tiền mới để trả cho tiền cũ, xóa vết nợ xấu. Đây là một rủi ro hiện hữu, ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia tài chính ngân hàng
Theo đó, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân trong năm 2021. Tuy nhiên, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng đã được siết chặt trong quy định mới nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt với đối tượng nhà đầu tư cá nhân.
Theo Công ty chứng khoánn VnDirect, Nghị định 153 cũng yêu cầu doanh nghiệp phát hành thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp. Đồng thời, đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành, có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt, chấp thuận và có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. "Điều này tạo cơ hội cho thị trường trái phiếu sôi động trở lại trong năm 2021, nhờ một số vướng mắc về quy định được tháo gỡ", VnDirect đánh giá.
Nghị định 153 cũng quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ và rủi ro của nhà đầu tư cũng như tổ chức phát hành. Ông Hiếu đánh giá cao tác động của Nghị định 153 trong việc bảo vệ các nhà đầu tư đơn lẻ, giảm thiểu rủi ro và lưu ý thêm: "Các doanh nghiệp Việt đẩy lãi suất lên cao cho thấy mức độ rủi ro của trái phiếu. Doanh nghiệp nào có khả năng tài chính tốt, uy tín, dĩ nhiên, không phát hành trái phiếu lãi suất cao, vì uy tín tốt và khả năng trả nợ của họ đã được bảo đảm".
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý 1/2021, có tổng cộng 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị là 12.739 tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng khối lượng phát hành và 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với giá trị 6.994 tỷ đồng.
VnEconomy