Trái phiếu vẫn đắt hàng dù lãi suất tiếp tục giảm
Tính đến hết tháng 5, tổng lượng trái phiếu chính phủ phát hành thành công là gần 94.000 tỷ đồng. Các kỳ hạn được yêu thích nhất là 10 năm và 15 năm, trái phiếu kỳ hạn trên 15 năm thường là tài sản đầu tư ưa thích của các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư.
- 26-05-2019Các ngân hàng lại đua phát hành trái phiếu
- 23-05-2019ACB chuẩn bị phát hành riêng lẻ 5.500 tỷ đồng trái phiếu
- 21-05-2019Vì sao đầu tư trái phiếu ngày càng hấp dẫn?
Báo cáo thị trường tiền tệ tuần đến ngày 31/5 của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) vừa công bố cho biết, trong tuần cuối cùng của thasgn 5, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã gọi thầu 3.250 tỷ đồng ở các kỳ hạn 5,10,15 và 30 năm. Lượng đăng ký gấp 3,8 lần khối lượng gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu ở mức 81,5%, giảm so với mức 85% của tuần trước đó.
Trong đó, kỳ hạn 30 năm có lãi suất trúng thầu không đổi ở mức 5,88%/năm và phát hành được 100% lượng gọi thầu. Hai kỳ hạn được ưa thích nhất là 10 và 15 năm cũng có tỷ lệ trúng thầu lần lượt là 90% và 100% dù lãi suất tiếp tục giảm 1-2 điểm cơ bản (bps), ở mức 4,69% và 5,04%.
Kỳ hạn 5 năm tiếp tục không gọi thầu thành công do lãi suất kỳ vọng nằm trong vùng 3,8-4,3%/năm, dù đã giảm so với phiên đấu thầu trước đó nhưng vẫn cao hơn lãi suất trúng thầu gần nhất là 3,7%/năm.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, có tổng cộng 93.981 tỷ đồng TPCP được phát hành tương đương 36% kế hoạch năm 2019. Trong đó, lượng phát hành trong tháng 4 và 5 là 24.512 tỷ đồng, chỉ đạt 30,6% kế hoạch quý 2/2019. Mặc dù 2 kỳ hạn 10 và 15 năm vẫn chiếm chủ yếu nhưng tháng 5/2019 có tới 3.500 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20, 30 năm được phát hành; đây là mức cao nhất theo tháng trong vòng 1 năm trở lại đây. Kỳ hạn trúng thầu bình quân 5 tháng đầu năm là 12,7 năm trong đó của riêng tháng 5 lên tới 15,6 năm. TPCP kỳ hạn trên 15 năm thường là tài sản đầu tư ưa thích của các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư.