Trải qua “một cuộc bể dâu”, thấy gì từ việc đế chế đồ chơi huyền thoại LEGO của gia tộc Kirk Kristiansen chi 6,1 tỷ USD cho thương vụ mua LEGOLAND?
Mất đến nửa thế kỷ, gia tộc Kirk Kristiansen sở hữu hãng đồ chơi LEGO huyền thoại mới hoàn tất thương vụ trị giá 6,1 tỷ USD mua lại chuỗi công viên LEGOLAND. Vì sao?
Người thợ mộc Đan Mạch và hành trình gian nan của thương hiệu LEGO
Câu chuyện cổ tích LEGO bắt đầu được viết vào những năm 1930, khi cuộc Đại suy thoái kinh tế xuất phát từ Mỹ ảnh hưởng đến "chén cơm" của người thợ mộc Đan Mạch tên Kirk Kristiansen.
Ông ta bắt đầu nghĩ đến chuyện thay đổi tính chất công việc, thành lập công ty LEGO của mình dựa trên hai chữ Đan Mạch "Leg Godt", có nghĩa là "chơi tốt".
Trải qua Đệ nhị thế chiến và giai đoạn lịch sử biến động của thập niên 50-60, đến những năm 80 của thế kỷ XX, LEGO đã trở thành nhãn hiệu đồ chơi phổ biến nhất thế giới.
Gia tộc Kirk Kristiansen của người thợ mộc năm xưa nay chính thức nắm quyền điều hành và chi phối các hoạt động của tập đoàn LEGO.
Tuy nhiên, bước qua thập niên 1990, đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của những trò chơi điện tử đi liền với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật như PlayStation và Nintendo, vị trí dẫn đầu của LEGO bắt đầu lung lay.
Thương hiệu này gặp phải khủng hoảng chiến lược nghiêm trọng. Họ không những không xem xét lại giá trị cốt lõi của mình mà còn mượn thêm tiền để đầu tư vào những mẫu mã đồ chơi được lắp ráp sẵn, đánh mất đi bản chất vốn có.
Hậu quả là đến tháng 2/2003, tại nhiều trung tâm bán lẻ lớn trên toàn cầu, nhất là chuỗi đồ chơi Toys R Us, giá trị tồn kho của LEGO lên đến hàng triệu USD.
Không dừng lại ở đó, nhằm thu hút trẻ em trên toàn thế giới, LEGO liên tục đốt tiền vào chuỗi công viên LEGOLAND, trong khi họ không phải ông lớn trong ngành giải trí.
Đến giữa năm 2003, tập đoàn LEGO đứng trước nguy cơ phá sản vì khoản nợ không thể chi trả được hơn 800 triệu USD. Trước nguy cơ cáo chung của "đế chế", LEGO chấp nhận một CEO không thuộc gia tộc Kirk Kristiansen là ông Jorgen Vig Knudstorp.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Jorgen Vig Knudstorp giúp LEGO từ tình trạng "lỗ triền miên" trở về đúng với quỹ đạo ban đầu. Việc ra quyết định bán dự án chiến lược LEGOLAND tạo nên bước ngoặt mới cho LEGO...
Hoạt động của du khách tại LEGOLAND - ảnh : Viator.com
LEGOLAND: Câu chuyện châu về Hợp Phố
Đối với LEGO, các công viên giải trí LEGOLAND là phần chính trong chiến lược kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, vào tháng 7/2005, nhằm thoát khỏi tình trạng mất cân đối tài chính, LEGO phải bán công viên giải trí LEGOLAND cho Merlin Entertainmens - doanh nghiệp thành lập năm 1999 và hiện sở hữu nhiều khu vui chơi giải trí mang tính biểu tượng của ngành như Madame Tussauds, London Eye, Alton Towers… ở 25 quốc gia.
Sau khi kế hoạch hợp tác giữa LEGO và Merlin Entertainments được ký kết và Merlin đã tăng gấp đôi số lượng công viên cũng như lượt khách tham quan LEGOLAND.
Trải qua 14 năm đồng hành, đứa con chung giữa LEGO và Merlin đã có 8 công viên, trong đó nổi bật nhất là ba công viên ở Florida, Dubai và Malaysia.
Trong những năm gần đây, tình hình hoạt động của Merlin không suôn sẻ. Lượt khách tham quan Alton Tower sụt giảm. Đặc biệt, vụ việc tai nạn tập thể của tàu lượn Smiler tháng 9/2016 khiến Merlin bị phạt 5 triệu USD. Điều này càng khiến mảng trò chơi mạo hiểm giảm sút doanh thu nghiêm trọng.
Bên ngoài, các hãng đánh giá tín nhiệm tài chính độc lập như Moody’s Investors Service và Standard & Poor Financial Services đều liên tục hạ bậc tín nhiệm tài chính của Merlin.
Quỹ ValueAct Capital – nhà đầu tư lớn thứ hai tại Merlin và thuộc nhóm những nhà đầu tư lớn nhất của Rolls Royce, cũng gửi thư khuyến nghị Merlin nên tập trung vào các hoạt động khách sạn cũng như công viên LEGOLAND thay vì phân tán nguồn lực cho những mảng khác không hiệu quả.
Không thể bình chân như vại trước tình cảnh khốn đốn của LEGOLAND, vào tháng 6/2019, LEGO quyết định nâng tỷ lệ sở hữu trong Merlin từ 30% lên 50% thông qua thương vụ trí giá 6,1 tỷ USD. Thông tin này được công bố góp phần đẩy cổ phiếu Merlin tăng 14%.
Søren Thorup Sørensen, CEO hiện tại của LEGO cho rằng: "Chúng tôi tin tưởng thương vụ đầu tư này sẽ mang đến những nguồn lực thiết yếu để cải tiến các công viên trong LEGOLAND và các Trung tâm Khám phá LEGOLAND. Chúng tôi cũng tin tưởng điều này sẽ giúp đảm bảo công ty LEGO luôn thuộc quyền sở hữu tư nhân và mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách tham quan ở mọi quốc gia ở mọi độ tuổi."
Trải qua nhiều cuộc bể dâu, các hậu duệ của gia đình Krik Kristiansen là Kjeld Kirk Kristiansen, Sofie Kirk Kristiansen, Thomas Kirk Kristiansen và Agnete Kirk Thinggaard vẫn sở hữu 75% cổ phần LEGO. Cả bốn nhân vật này nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 22 tỷ USD, theo thống kê của Bloomberg.
LEGO hiện đã khẳng định được vị thế là hãng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới với doanh thu đạt hơn 5,5 tỷ USD vào năm 2018. Họ đã vượt mặt các đối thủ truyền thống là Mattel và Hasbro, vốn chỉ đạt khoảng 4,5 tỷ USD doanh thu trong năm qua.
Sự trỗi dậy của LEGO và quyết định can thiệp tức thời thông qua thương vụ "châu về Hợp Phố" làm tăng thêm uy tín cho đế chế đồ chơi có tuổi đời gần 90 năm, đồng thời bảo toàn được thành quả mà những người tiền nhiệm ở LEGO đã dày công tạo dựng.
Trí thức trẻ