Trái thanh long rớt giá thê thảm
Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên nhiều loại trái cây ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rớt giá thê thảm, nhà vườn đang gặp khó khăn cần có giải pháp căn cơ, ổn định lâu dài.
- 13-06-2021Vì sao thanh long vàng độc - lạ nhưng vẫn rớt giá thảm hại?
- 16-05-2021Trồng thanh long vỏ vàng xuất khẩu mạnh, thu lãi cao
- 12-05-2021Tìm lối ra cho thanh long Bình Thuận
Hiện nay, trái thanh long ở vùng ĐBSCL bị rớt giá nặng nề. Tại tỉnh Tiền Giang và Long An, trái thanh long ruột đỏ (loại tốt) giá chỉ ở mức từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, ruột trắng giá dưới 4.000 đồng/kg. Riêng các loại trái thanh long chất lượng kém, hình dáng không đẹp, quá thời gian thu hoạch... thì giá chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg, thậm chí thương lái không chịu thu mua, nhà vườn phải bỏ cho cá hay gia súc ăn.
Trái thanh long giá thấp là do vào vụ thu hoạch rộ, trong khi đó dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm cho việc xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện nay, tại địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua trái thanh long đóng cửa do thua lỗ.
Vùng ĐBSCL hiện có diện tích cây thanh long hơn 23.000 ha, tập trung ở tỉnh Long An, Tiền Giang cung ứng cho thị trường hơn 500.000 tấn quả/năm. Với mức giá như hiện nay thì người trồng cây thanh long không có lãi. Để trái thanh long cũng như các loại trái cây khác có đầu ra ổn định, tránh điệp khúc “vào mùa, rớt giá”, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm cần đẩy mạnh hoạt động chế biến xuất khẩu.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Cát Tường tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đề nghị: “Giải pháp để nâng cao giá trị trái thanh long chỉ có chế biến thôi. Chúng ta phải hỗ trợ nông dân hạn chế thuốc, làm quy trình để mua trái cây tươi, chế biến luôn, chế biến xong đưa đi xuất khẩu. Nhà nước phải tìm các doanh nghiệp, có năng lực có thị trường, có nhu cầu muốn đầu tư vào lĩnh vực đó thì hỗ trợ doanh nghiệp đó thì bật, điều này mới tránh được điệp khúc giải cứu hay được mùa mất giá của nông sản”.
VOV