Trái với sự loay hoay của VN30, chỉ số VNSmallCap đã liên tiếp lập đỉnh mới, tăng hơn 50% so với đầu năm
Kết thúc phiên giao dịch 14/9, chỉ số VNSmallcap đạt 1.630,35 điểm, tăng 51,6% so với đầu năm, trong khi mức tăng của VN-Index chỉ là 21,4% và với VN30-Index là 34,3%.
Nửa đầu năm 2021 chứng kiến sự thăng hoa mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam và chỉ số VN-Index thậm chí lọt vào top những chỉ số tăng mạnh nhất Thế giới. Tuy vậy, kể từ đầu quý 3 tới nay, áp lực bán có phần gia tăng khiến thị trường bước vào nhịp điều chỉnh và chỉ số VN-Index vẫn đang gặp nhiều khó khăn trên đường tìm về đỉnh cũ, dù cho số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường vẫn ngày càng tăng mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch 14/9, chỉ số VN-Index dừng tại 1.339,7 điểm, trong khi VN30-Index là 1.438,16 điểm, lần lượt thấp hơn 6% và 8% so với mức đỉnh được thiết lập vào đầu tháng 7.
Mặc dù VN-Index hay VN30-Index vẫn khá loay hoay tại đỉnh lịch sử nhưng trên thực tế cơ hội trên thị trường thời gian qua là rất nhiều khi hàng loạt cổ phiếu midcap, penny vẫn âm thầm bứt phá, vượt đỉnh lịch sử, mang lại không ít lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Điều này có thể thấy qua chỉ số VNSmallcap (chỉ số vốn hóa đo lường mức tăng trưởng các công ty có quy mô nhỏ trong VNAllShare) liên tục vượt đỉnh, bất chấp VN-Index, VN30-Index vẫn chưa thể làm được điều này.
VNSmallCap liên tiếp lập đỉnh mới
Kết thúc phiên giao dịch 14/9, chỉ số VNSmallcap đạt 1.630,35 điểm, tăng 51,6% so với đầu năm, trong khi mức tăng của VN-Index chỉ là 21,4% và với VN30-Index là 34,3%. Không những vậy, mức điểm 1.630,35 của VNSmallCap cũng là cao nhất của chỉ số này kể từ khi thành lập năm 2014 tới nay (điểm ban đầu 560,19 điểm), và vượt xa đỉnh 977 điểm của năm 2018.
Hiện nay, rổ VNSmallCap có 158 cổ phiếu niêm yết với vốn hóa bình quân khoảng hơn 563 tỷ đồng/doanh nghiệp. Số liệu cuối tháng 7/2021 cho biết 10 cổ phiếu lớn nhất rổ VNSmallCap gồm có HDC, NKG, DGW, IJC, FTS, TCM, VSC, HAH, GIL và SHI với tổng tỷ trọng 28,95%.
Top 10 cổ phiếu lớn nhất rổ VNSmallCap vào cuối tháng 7/2021
Nhiều cổ phiếu lớn trong rổ VNSmallCap kể trên đều bứt phá mạnh từ đầu năm, thậm chí tăng bằng nhiều lần so với đầu năm 2021 như trường hợp HAH (tăng 4,2 lần), NKG (tăng 3,2 lần), SHI (tăng 2,4 lần), FTS (tăng 2,4 lần)…Sự bứt phá mạnh của các cổ phiếu top đầu đã góp phần quan trọng giúp VNSmallCap vượt xa đỉnh lịch sử, bất chấp những biến động chậm chạp của VN-Index hay VN30-Index.
Ngoài ra, một số cổ phiếu penny trên sàn HoSE cũng tăng rất mạnh từ đầu năm tới nay, nổi bật là các cổ phiếu "họ Louis" như TGG, APG cũng góp phần quan trọng giúp chỉ số VNSmallCap vượt xa đỉnh lịch sử.
Không những vậy, việc VNSmallCap tăng vượt trội thời gian gần đây so với VN-Index cùng với thanh khoản liên tiếp lập kỷ lục cho thấy dòng tiền trên thị trường chưa có dấu hiệu rút ra ngoài mà chủ yếu dịch chuyển từ một số Bluechips sang.
Trái với biến động của các cổ phiếu VNSmallCap, một số "đầu tàu" của thị trường, nổi bật là các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG, VPB, TCB, LPB…đang chững lại, thậm chí "đi lùi" trong 2 tháng qua là nguyên nhân chính khiến VN-Index cũng như VN30-Index gặp khó trước đỉnh lịch sử.