MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trạm BOT Biên Hòa đặt 'nhầm chỗ': 'Đừng hỏi tại sao chúng tôi lại dùng tiền lẻ như Cai Lậy'

26-08-2017 - 15:03 PM | Xã hội

Trong khi vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn chưa hết "nóng” thì tại Đồng Nai, nhiều tài xế nói sẽ dùng tiền lẻ để phản đối khi qua trạm BOT Biên Hoà.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) hoạt động từ năm 2014. Vấn đề khiến người dân phản đối ở trạm BOT Biên Hoà cũng giống như trạm BOT Cai Lậy: thu phí đường tránh nhưng lại đặt trạm trên Quốc lộ 1.

Cụ thể, địa điểm đặt trạm thu phí cách tuyến đường tránh khoảng 10 km, nằm trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Trung Hòa. Việc thu phí vô lý này đã diễn ra hơn 3 năm nay khiến người dân bức xúc.

Theo Công ty Cổ phần đầu tư Đồng Thuận (chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh Biên Hoà), địa điểm đặt trạm đã được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đồng ý.

Video: Trạm thu phí Biên Hòa đặt 'nhầm chỗ', hàng nghìn phương tiện cày nát đường dân sinh

Dự án được đơn vị này thực hiện gồm việc xây dựng đường tránh dài hơn 12 km và xây dựng, cải tạo nền, cải tạo mặt Quốc lộ 1 với chiều dài 10 km, tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 10 năm.

Trạm thu phí Biên Hòa đặt trên Quốc lộ 1.
Trạm thu phí Biên Hòa đặt trên Quốc lộ 1.

Bức xúc vì sự thiếu minh bạch trong việc đặt trạm thu phí và mất tiền oan mỗi khi qua trạm, nhiều tài xế đã bàn nhau cách đối phó để lấy lại công bằng.

Anh Đào Quang Huy, tài xế xe du lịch 16 chỗ cho biết: "Từ ngày có trạm thu phí đường tránh Biên Hòa, trung bình mỗi tháng tôi tốn thêm khoảng 2 triệu tiền phí qua trạm. Bức xúc là xe tôi chạy thẳng vào Biên Hòa, chứ có đi một mét đường tránh nào đâu mà lần nào chạy cũng mất 2 lượt vé".

“Sao không bức xúc cho được, xe không có nhu cầu đi vào đường tránh nhưng phải trả phí lên đến hàng trăm nghìn đồng cho mỗi ngày lưu thông. Dân đen không biết kêu cứu đến ai, may giờ có vụ Cai Lậy thì những bất cập ở trạm này mới được chú ý.

Không sớm xử lý những bất cập thì đừng hỏi tại sao chúng tôi lại dùng tiền lẻ như Cai Lậy", anh Nguyễn Công Toàn, tài xế xe container bức xúc.

Tuyến đường dân sinh gần trạm thu phí phải lắp barie để ngăn xe lớn đi vào.

Đáng nói, từ ngày trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa đi vào hoạt động, những bất cập xung quanh việc thu phí khiến tình trạng các phương tiện né trạm cũng gia tăng nhanh chóng, cuộc sống của những hộ dân sống trên các tuyến đường dân sinh bị đảo lộn. Đường dân sinh bị xe tải cày nát, tình trạng tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên.

Chị Trần Thị Hoa (ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) ý kiến: "Trước đây, đường D12 (đường dân sinh) này được rải thảm nhựa rất sạch sẽ, không hư hỏng gì. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, khi trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà đi vào hoạt động thì đường bị xuống cấp nghiêm trọng do lượng lớn xe tải, xe container chạy qua tuyến này suốt ngày đêm. Tai nạn xảy ra liên tục, nhiều cái chết oan uổng do mặt đường bị sụt lún, ổ gà, ổ voi gây nên".

Tuyến đường không lắp barie bị các xe tải cày nát.
Tuyến đường không lắp barie bị các xe tải cày nát.

Cùng quan điểm với người dân, ông Nguyễn Thành Đồng, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết: “Tuyến đường tránh Biên Hoà nằm ở xã Bình Minh, thế nhưng trạm thu phí lại được đặt ở xã Trung Hoà, cách hơn 10 km. Vì vậy, vị trí đặt trạm này rõ ràng là không đúng.

Xã đồng tình với chủ trương thu phí nhưng trạm thu phải được đặt đúng điểm. Đường này, trạm thu phí đặt không hợp lý nên đã gây ra những xáo trộn, mất an toàn cho người dân".

VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Thy Huệ

VTC news

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên