MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Trăm voi không được bát nước xáo" nhưng một loạt quốc gia đang phải “ngậm ngùi” giết voi và hà mã làm thức ăn cho người dân vì hạn hán kinh hoàng

14-10-2024 - 10:18 AM | Tài chính quốc tế

Nạn hạn hán đặc biệt tồi tệ ở một số vùng phía Nam châu Phi đang buộc một số quốc gia phải giết hàng trăm con động vật hoang dã để đảm bảo lương thực cho những người dân đang thiếu thực phẩm nghiêm trọng.

"Trăm voi không được bát nước xáo" nhưng một loạt quốc gia đang phải “ngậm ngùi” giết voi và hà mã làm thức ăn cho người dân vì hạn hán kinh hoàng- Ảnh 1.

Quyết định gây tranh cãi

Vào tháng 8, Namibia tuyên bố đã làm thịt 723 con vật, bao gồm 83 con voi, 30 con hà mã và 300 con ngựa vằn. Tháng sau, Zimbabwe cho phép giết mổ 200 con voi.

Cả hai chính phủ đều cho biết việc giết mổ sẽ giúp giảm bớt tác động của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 100 năm qua ở khu vực này, giảm áp lực lên đất và nguồn nước, và ngăn ngừa các cuộc đụng độ giữa người và các con thú khi động vật tiến sâu hơn vào các khu định cư của con người để tìm kiếm thức ăn.

Nhưng quyết định này đã gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội.

Những người bảo tồn đã chỉ trích việc giết mổ động vật là hành động tàn ác và ngắn hạn, tạo ra tiền lệ nguy hiểm.

Quyết định trao một số con voi của Namibia cho những người săn voi — thường là các khách du lịch từ Mỹ và Châu Âu, những người trả hàng nghìn USD để bắn động vật và giữ lại các bộ phận cơ thể chúng làm chiến lợi phẩm — đã tiếp tục làm dấy lên sự phản đối và đặt ra câu hỏi về động cơ của chính phủ.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ việc giết mổ cho rằng những người chỉ trích đang hiểu sai định nghĩa của “bảo tồn”, và tệ nhất là đang "phân biệt chủng tộc". Họ cho rằng nhóm người phản đối đang ra lệnh cho các quốc gia Châu Phi phải làm gì và coi trọng động vật hoang dã hơn con người.

"Trăm voi không được bát nước xáo" nhưng một loạt quốc gia đang phải “ngậm ngùi” giết voi và hà mã làm thức ăn cho người dân vì hạn hán kinh hoàng- Ảnh 2.

Đây là một cuộc tranh luận gay gắt về bản chất của việc bảo tồn và cách các quốc gia đối phó với tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn khi con người đốt nhiên liệu hóa thạch và làm trái đất ấm lên.

‘Nỗi đau tột cùng’

Theo CNN, Nam Phi đang phải đối mặt với tình hình thảm khốc. Mùa màng thất bát, gia súc chết và gần 70 triệu người đang thiếu lương thực nặng nề.

Zimbabwe đã tuyên bố thảm họa quốc gia vào tháng 4. Namibia cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 5 khi hạn hán khiến khoảng một nửa dân số phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Hạn hán do El Niño — một kiểu khí hậu tự nhiên khiến lượng mưa giảm mạnh trong khu vực — gây ra và trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng khí hậu với một phần tác nhân bởi con người.

“Thực tế là chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng chưa từng có của hạn hán”, Elizabeth Mrema, phó giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết. “Rất nhiều người dân đang chịu cảnh đói khổ”.

Theo bà Mrema, việc săn bắt và tiêu thụ hợp pháp động vật hoang dã làm thực phẩm là thông lệ phổ biến ở các nền văn hóa trên khắp thế giới. “Miễn là việc săn bắt những loài động vật này được thực hiện bằng các phương pháp bền vững đã được chứng minh về mặt khoa học… thì không có lý do gì để lo ngại”.

Cả hai quốc gia nêu trên đều cho biết việc tiêu hủy động vật hoang dã sẽ không đe dọa đến sự tồn tại lâu dài của quần thể động vật hoang dã. Ngược lại, họ cho biết việc giảm số lượng sẽ giúp bảo vệ những loài động vật còn lại khi hạn hán làm giảm nguồn thức ăn và nước.

Chris Brown - một nhà khoa học môi trường tại Phòng Môi trường Namibia, một hiệp hội các nhóm bảo tồn, hỗ trợ cho hoạt động giết mổ - cho biết tất cả các loài động vật ở Zimbabwe và hầu hết ở Namibia sẽ bị thợ săn chuyên nghiệp bắn hạ.

"Trăm voi không được bát nước xáo" nhưng một loạt quốc gia đang phải “ngậm ngùi” giết voi và hà mã làm thức ăn cho người dân vì hạn hán kinh hoàng- Ảnh 3.

"Hầu hết mọi việc đều được thực hiện vào ban đêm với một ống giảm thanh và một điểm hồng ngoại để thợ săn có thể tiếp cận gần với động vật. Chỉ với một phát bắn vào đầu, con vật sẽ ngã xuống", Brown nói với CNN.

Ông cho biết, cách thức này "rất nhân đạo", trái ngược với việc các loài động vật trang trại bị nhồi nhét vào xe tải trước khi bị giết trong lò mổ. Sau đó, thịt sẽ được phân phối cho những người có nhu cầu.

Tuy nhiên, Romeo Muyunda, người phát ngôn của Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Du lịch Namibia, cho biết khoảng 12 trong số 83 con voi Namibia sẽ bị những kẻ săn voi giết chết.

Điều này đã dẫn đến sự phản đối. Một báo cáo của 14 nhà bảo tồn châu Phi, những người cho biết họ phải ẩn danh vì những rủi ro khi lên tiếng, cho biết việc bắt tay với những kẻ săn voi làm dấy lên câu hỏi về "động cơ thực sự".

Bộ trưởng Muyunda cho biết không có khoản tiền nào được chuyển cho chính phủ, thay vào đó, mục đích là mang lại khoản tiền cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa con người và động vật hoang dã.

'Tàn ác và sai lầm'

Theo một cuộc khảo sát năm 2022, tại Namibia – quốc gia có khoảng 21.000 con voi, một số khu vực có quá nhiều voi đến mức "gần như không thể chịu đựng được đối với con người". Voi thường phá hoại mùa màng, làm hại gia súc và thậm chí giết người.

Quốc gia này đã từng thử bán voi. Vào năm 2020, họ công bố một cuộc đấu giá 170 con, nhưng chỉ bán được một phần ba trong số đó. Chuyên gia Brown cho biết voi rất khó bán hoặc cho đi, " vấn đề là không ai muốn nuôi voi".

Nhà sinh vật học bảo tồn và cố vấn tài nguyên thiên nhiên Keith Lindsay cũng lo ngại rằng việc giết mổ có thể được sử dụng để thúc đẩy việc nới lỏng các quy định quốc tế về buôn bán động vật hoang dã, chẳng hạn như bán ngà voi.

Nó có thể tạo ra câu chuyện rằng "những người phản đối buôn bán động vật hoang dã đang làm ngơ trước người dân đói khổ", ông nói với CNN.

Ngược lại, người phát ngôn của chính phủ Namibia Muyunda cho biết nhiều lời chỉ trích đã bỏ qua nỗi đau mà hạn hán gây ra cho cả con người và động vật.

Tham khảo CNN

Tất Đạt

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên