MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trăn trở vì quê nhà chỉ còn lại người già, chàng phóng viên quyết định bỏ việc, về quê gắn bó với căn bếp bên sườn đồi

27-05-2023 - 10:32 AM | Sống

"Nếu người trẻ ai cũng rời quê, mải miết mưu sinh nơi phố thị thì ai sẽ quay về xây dựng quê hương?"

Đó là điều mà suốt nhiều năm, chàng phóng viên trẻ xứ Quảng trăn trở khôn nguôi. Cũng chính vì lý do này, anh chàng đã có quyết định khiến nhiều người bất ngờ: Từ bỏ công việc phóng viên gắn bó suốt 10 năm, về quê cải tạo căn bếp cũ của gia đình thành nơi sống và làm việc mỗi ngày.

Trăn trở vì quê nhà chỉ còn lại người già, chàng phóng viên truyền hình quyết định bỏ việc, về quê gắn bó với căn bếp bên sườn đồi - Ảnh 1.

Duy Tài vốn là một phóng viên trẻ có 10 năm gắn bó với nghề báo

Từ bỏ nghề phóng viên gắn bó suốt 10 năm, 9x Quảng Nam có quyết định khiến nhiều người bất ngờ

Nhiều năm tháng trước, phố thị với những tòa cao ốc chọc trời, cửa hàng lung linh ánh đèn, đường phố tấp nập huyên náo là điều hấp dẫn người trẻ.

Nhưng dần dần, cuộc sống thay đổi, một bộ phận giới trẻ ngày nay cảm thấy mệt mỏi và chán chường với cuộc sống xô bồ của chốn thành thị. Họ mong muốn tìm về miền quê yên bình để "nuôi cá và trồng thêm rau".

Với mong muốn phát triển quê hương, hoặc muốn có một cuộc sống an nhiên, hòa cùng thiên nhiên, ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn bỏ phố về quê.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có sẵn ruộng ao, đất vườn chờ về. Về quê cũng nhiều áp lực mà không phải ai cũng có đủ dũng khí để theo đuổi ước mơ ấy. 

Với Đào Duy Tài, chàng trai sinh năm 1992, quê ở xã vùng núi Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, quyết định từ bỏ nghề phóng viên theo đuổi suốt 10 năm để về quê, bắt đầu lại từ số 0 tròn trĩnh cũng khiến anh trăn trở rất nhiều. 

Trăn trở vì quê nhà chỉ còn lại người già, chàng phóng viên truyền hình quyết định bỏ việc, về quê gắn bó với căn bếp bên sườn đồi - Ảnh 2.

Về quê thì làm gì để kiếm sống? Đó là nỗi băn khoăn khiến 9x Quảng Nam phải suy nghĩ, cân đo đong đếm.

Những người trẻ muốn bỏ phố về quê như Duy Tài đôi khi còn phải vượt qua đàm tiếu, dị nghị của bạn bè, xóm làng. Bởi: "Bố mẹ tốn bao nhiêu tiền của nuôi ăn học, giờ đòi về quê làm nông?".

Tuy nhiên, suy nghĩ "Đợi đến khi nào thì về với bố mẹ? Nếu người trẻ mải miết ra phố làm ăn thì ai sẽ ở lại xây dựng quê hương?" và khao khát mỗi ngày được làm bạn với thiên nhiên thay cho những xô bồ của phố thị đã thôi thúc Duy Tài có quyết định lớn.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Truyền Hình, Duy Tài có 10 năm làm báo, trong đó 3 năm là một phóng viên truyền hình. Hạnh phúc và tự hào khi được gắn bó, lăn xả với nghề báo mà mình theo đuổi. 

Nhưng bên cạnh đó, Duy Tài cho hay anh cũng phải đối diện với vô vàn thử thách, áp lực. Đó nhiều nhiều đêm thức trắng, mất ngủ và cảm giác trống vắng giữa thành thị xô bồ. Cách đây vài tháng, chàng phóng viên trẻ quyết định nghỉ việc về quê. 

Trăn trở vì quê nhà chỉ còn lại người già, chàng phóng viên truyền hình quyết định bỏ việc, về quê gắn bó với căn bếp bên sườn đồi - Ảnh 3.

Những năm tháng bươn chải nơi phố thị, 9x Quảng Nam khôn nguôi ấp ủ mong muốn được về quê sống

Duy Tài chia sẻ lý do anh chàng quyết định về quê bắt đầu lại từ đầu: "Quê mình là một vùng trung du, có sông, đồng bằng, có triền đê với những ngôi nhà nhỏ e ấp. 

Quê nghèo nhưng đầy ắp tình làng nghĩa xóm, ở đó luôn rộn ràng khi mùa vụ về và ở đó, chất chứa mồ hôi của ba má mình, những người bám nghề nông, nuôi anh chị em mình khôn lớn.

Nhưng hiện tại, vào một ngày khi mình về quê, mình thấy nhiều căn nhà bỏ không. Đằng sau lũy tre làng không còn những cậu thanh niên nói cười, lũ trẻ nô đùa. Họ lần lượt rời quê ra thành phố.

Chẳng phải họ muốn thế, mà cuộc sống mưu sinh bắt họ phải vậy. Mình cũng vậy. Và luôn thổn thức giấc mơ về làng, về bên mẹ cha.

Ba mẹ ngày càng già. Thành phố cho nhiều, nhưng cũng âm thầm lấy đi cơ hội để gần gũi bên mẹ cha. Chúng ta phải đợi đến khi nào để sống gần mẹ, gần cha? Hay ai sẽ trở về quê, để những xóm làng bớt hiu hắt?..."

Xuất phát từ những trăn trở khôn nguôi ấy, Duy Tài về quê, theo đuổi công việc của một nhà sáng tạo nội dung. 

Anh khát khao lan tỏa điều bình yên bình dị, vẻ đẹp của làng quê đến những người sinh ra từ làng, yêu quý làng quê Việt và đặc biệt là những người xa quê luôn mang trong mình nỗi nhớ, ước mong về làng.

Cải tạo căn bếp cũ thành nơi làm việc, vừa để quây quần bên mẹ cha, gia đình mỗi ngày

Duy Tài cho hay, gia đình anh vốn đông anh chị em. Nhưng rồi mỗi người mỗi ngả. Bản thân Tài may mắn khi lựa chọn nghỉ việc về quê chăm sóc bố mẹ được gia đình ủng hộ. Nghỉ việc, nhưng không có nghĩa là ngừng lao động. Trong những ngày vật lộn với mớ cảm xúc hỗn độn, chàng trai trẻ luôn cố để mình không nghỉ ngơi.

Duy Tài tin rằng, cuộc đời dù khắc nghiệt đến đâu vẫn luôn cho chúng ta cơ hội. Từ căn nhà kho lụp xụp của gia đình, ý tưởng về một căn bếp bên sườn đồi hình thành.

Trăn trở vì quê nhà chỉ còn lại người già, chàng phóng viên truyền hình quyết định bỏ việc, về quê gắn bó với căn bếp bên sườn đồi - Ảnh 4.

Từ căn nhà kho lụp xụp, cũ kỹ của gia đình...

Trăn trở vì quê nhà chỉ còn lại người già, chàng phóng viên truyền hình quyết định bỏ việc, về quê gắn bó với căn bếp bên sườn đồi - Ảnh 5.

...Duy Tài tự cải tạo thành một căn bếp cực "chill" bên sườn đồi

"Đó sẽ là nơi "chữa lành"cho chính bản thân và gia đình, cho bạn bè hay chỉ là những người đơn giản muốn ghé qua. Căn bếp bên sườn đồi, là nơi con nấu cho ba má những bữa cơm giản dị, ôn lại kí ức thuở ấu thơ. 

Và còn những dự định lớn lao hơn nữa. Mình vẫn đuổi theo đam mê của mình, chỉ là theo một cách khác" - 9x xứ Quảng chia sẻ dự định về căn bếp bên sườn đồi.

Từ căn nhà kho làm bằng tre nứa lụp xụp, cũ kỹ, Duy Tài bắt tay vào cải tạo. Căn bếp bên sườn đồi được 9x Quảng Nam tự tay làm từ A-Z, không tốn một đồng nào.

Căn bếp bên sườn đồi, là nơi chàng trai trẻ nấu cho bố mẹ những bữa cơm giản dị, ấm cúng.

Đó góc bếp nhỏ sau lưng nhà, nằm ở sườn đồi - nơi chàng trai trẻ nấu những món ăn quê nhà cho bố mẹ. 

Căn bếp để đôi khi chủ nhà mời anh em, bạn bè ghé chơi, cùng tâm sự, chuyện trò, "chữa lành" cho nhau, nếu chẳng may bị tổn thương bởi những mệt mỏi ngoài kia.

"Đến thời điểm hiện tại, xong tất cả các công đoạn thì mình không tốn chi phí nào cả. Nếu có thì... tốn công. 

Vì tất cả các vật dụng đều là mình tái chế. Từ bàn, ghế, cửa, cổng, cầu thang, hay như đinh, ốc vít... đều có trong nhà kho được mình tận dụng lại.

Xong căn bếp cũng vất vả lắm. Vì nó là nơi chứa gỗ, nên phải bê hết gỗ ra một nơi khác rồi mới bắt tay cải tạo.

Mình dù gốc quê nhưng yếu xìu, nhỏ đi học, lớn về phố, không làm nông nên giờ làm một tí là ngồi thở... Khi nhìn Bếp thành hình, mình không kìm được những giọt nước mắt. Đó là cảm giác như bản thân mình được chữa lành sau những mệt mỏi, áp lực ngoài kia.

Khi bếp hình thành, mình chia sẻ hình ảnh thì nhiều anh chị đồng nghiệp, bạn bè hay hỏi là mình mở quán à, nhưng đâu phải."

Trăn trở vì quê nhà chỉ còn lại người già, chàng phóng viên truyền hình quyết định bỏ việc, về quê gắn bó với căn bếp bên sườn đồi - Ảnh 7.

Hiện tại, chàng trai Quảng Nam đang xây dựng các video chia sẻ cuộc sống hằng ngày nơi quê nhà, bên căn bếp nhỏ.

Các clip hướng dẫn nấu món ngon xứ Quảng như: Mỳ Quảng Đại Lộc, chuối chát nấu xương heo, cá lóc kho cọng lùng, bánh bèo Đại Lộc, chè sen... nhận được sự quan tâm, yêu thích của dân mạng.

9x Quảng Nam hy vọng có thể tạo ra nguồn thu từ những công việc sáng tạo nội dung số. Dẫu biết con đường này rất dài và còn nhiều gian nan, nhưng trên hành trình đó, chàng trai xứ Quảng vẫn cảm thấy vững vàng vì được sống bên gia đình nơi miền quê nghèo mà ấm áp tình thân.

Theo Ngân Hà

Trí thức trẻ

Trở lên trên