MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chàng trai miền núi mang 200 triệu đồng mở cửa hàng bán phụ tùng ô tô, sau 6 tháng mất trắng: Làm ăn tránh xa 4 kiểu người này kẻo mất cả chì lẫn chài

24-05-2023 - 10:58 AM | Lifestyle

Số tiền làm lụng vất vả của anh Đức cứ “đội nón” ra đi chỉ sau một thời gian ngắn.

Chàng trai miền núi mang 200 triệu đồng mở cửa hàng bán phụ tùng ô tô, sau 6 tháng mất trắng: Làm ăn tránh xa 4 kiểu người này kẻo mất cả chì lẫn chài - Ảnh 1.

Anh Trần Đức (SN 1987), sinh sống tại tỉnh Cao Bằng – một vùng quê miền núi còn nhiều khó khăn. Học hết lớp 10, anh nghỉ học giữa chừng vì điều kiện gia đình. Thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ, anh quyết tâm lên trung tâm thành phố tìm kiếm việc làm, mong có cơ hội đổi đời.

Những công việc đầu tiên anh làm là rửa bát thuê, bưng bê phục vụ quán ăn, rồi đến cửu vạn,… Làm một thời gian ngắn, anh thấy công việc vất vả, tiền lương chẳng được bao nhiêu, hơn nữa không có cơ hội thăng tiến. Chính vì thế, anh quyết định đi học việc tại xưởng sữa chữa ô tô. Những ngày đầu, anh không có thu nhập, chỉ được chủ xưởng nuôi cơm ngày 2 bữa.

Hàng ngày, anh phải chui xuống gầm xe ô tô để kiểm tra máy móc, vì thế nên quần áo, chân tay luôn lấm lem dầu. Anh Đức cần mẫn, chăm chỉ học hỏi nên nhanh chóng lành nghề. Từ thu nhập khởi điểm 3 triệu đồng/tháng, anh dần dần lên được con số 8 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, anh cũng cố gắng gửi về cho bố mẹ một chút để nuôi các em ăn học.

Trong nhiều năm lăn lộn làm việc, anh Đức làm qua khá nhiều xưởng sửa chữa ô tô. Anh tiết kiệm được số vốn 200 triệu đồng. Anh Đức dự tính tích cóp thêm một chút nữa sẽ thuê mặt bằng mở xưởng sửa chữa xe. Thế nhưng trót tin vào lời mời đầu tư hấp dẫn của một vị khách dưới xuôi, anh đã mất toàn bộ số tiền.

Chàng trai miền núi mang 200 triệu đồng mở cửa hàng bán phụ tùng ô tô, sau 6 tháng mất trắng: Làm ăn tránh xa 4 kiểu người này kẻo mất cả chì lẫn chài - Ảnh 2.

Cạm bẫy đầu tư chỉ chờ con mồi sa lưới

Trong quá trình làm việc, anh Đức tiếp xúc với vô số nhân viên bán phụ tùng ô tô. Hầu như ngày nào cũng có người đến xưởng bên anh chào mời hàng. Thông thường, nếu ông chủ đi vắng, anh sẽ là người tiếp nhận thông tin từ họ. Nhiều nhân viên là người địa phương, cũng không ít người từ các tỉnh lân cận hoặc ở dưới Hà Nội.

Trong một lần đang sửa điện ô tô cho khách, anh Đức thấy một người đàn ông bảnh bao, ăn vận gọn gàng tiến vào. Anh ấy giới thiệu mình tên là M., ở Hà Nội, hiện đang là nhân viên sale phụ tùng ô tô thuộc một công ty Nhật Bản có tiếng.

Dù đang bận rộn và không có nhu cầu nhưng anh Đức vẫn tiếp chuyện với anh M. cho phải phép. Càng nghe, anh càng thấy người đàn ông này nói chuyện lôi cuốn, đáng tin cậy. Anh M. cho biết, mình tiếp quản một số tỉnh miền núi như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ,… nên am hiểu thị trường, có nhiều mối quan hệ với các xưởng sửa chữa ô tô lớn.

Chàng trai miền núi mang 200 triệu đồng mở cửa hàng bán phụ tùng ô tô, sau 6 tháng mất trắng: Làm ăn tránh xa 4 kiểu người này kẻo mất cả chì lẫn chài - Ảnh 3.

Ngay sau đó, anh Đức mua một số linh kiện ô tô từ anh M. với chi phí khoảng 2 triệu đồng. 2 người cũng trao đổi số điện thoại để tiện liên hệ. Kể từ đó về sau, anh Đức trở thành khách hàng thân thiết của anh M. Những lần anh M. từ Hà Nội lên, họ cùng nhau đi ăn uống.

Một thời gian sau, anh M. chia sẻ cơ hội làm đại lý phân phối với anh Đức. Chỉ cần bỏ ra số vốn nhỏ sẽ thu được lợi nhuận cao. Anh M. cũng phân tích số vốn nhập hàng ban đầu khoảng 200 triệu đồng, bao gồm cả tiền hàng, chi phí set-up cửa hàng, chi phí thuê nhà cùng lương 1 nhân viên trong tháng đầu.

Tuy lưỡng lự nhưng chỉ sau 1 tuần anh Đức lập tức đồng ý. Anh vui vẻ, hào hứng vì sắp thoát được cảnh làm thuê để trở thành ông chủ.

Anh Đức trầm ngâm chia sẻ: “Lời mật ngọt của anh ta rót vào tai tôi. Lúc đó, tôi mất hết lí trí, nhiều người khuyên can nên suy nghĩ kỹ nhưng tôi đều bỏ ngoài tai. Tôi cho rằng tại địa phương có khá nhiều xưởng sửa chữa ô tô, nếu tôi mở cửa hàng kinh doanh linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ phát triển thuận lợi”.

Chỉ sau khoảng 1 tuần set-up, cửa hàng đi vào hoạt động. Tiền thuê nhà là 4,5 triệu đồng/tháng, thanh toán 3 tháng/lần. Tiền lương nhân viên là 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác như: Điện, nước, đồ thắp hương ngày Rằm và mùng Một, bữa trưa cho nhân viên,…

Ngay tháng đầu tiên, anh Đức đã rơi vào tình trạng âm vốn. Vì chưa có kinh nghiệm kinh doanh nên anh khá hoang mang, lo lắng. Nhưng anh M. liên tục an ủi, động viên rằng ít nhất phải chịu lỗ 3 tháng đầu. Bắt đầu sang tháng thứ 4 mới ổn định lượng khách.

Anh M. cũng bày thêm cho anh Đức mua gói chạy quảng cáo – marketing do chính anh hỗ trợ với giá 15 triệu đồng sẽ tăng lượt người tiếp cận. Từ đó chuyển hoá thành khách hàng. Mặc dù còn phân vân nhưng sau khi nghe anh M. phân tích, anh Đức thấy hợp lý nên quyết định đầu tư.

Tháng thứ 4, cửa hàng vẫn ế ẩm, lác đác khách, có khi cả ngày không có nổi 1 khách hàng. Đến tháng thứ 6, tình trạng chẳng khá khẩm là bao. Số tiền tiết kiệm 200 triệu đồng để đầu tư của anh coi như mất trắng. Ngoài ra, khoản vay thêm là 100 triệu đồng để trả tiền nhà, tiền chạy quảng cáo cùng một số chi phí khác cũng dần cạn kiệt.

Đến lúc này, anh Đức nhận ra mình đã nhẹ dạ cả tin, ham lời mở cửa hàng mà thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng. Anh vội vàng gọi điện cho anh M. ở Hà Nội đòi chia sẻ rủi ro 50% theo thoả thuận ban đầu. Nhưng anh M. chỉ ậm ừ hẹn khi nào lên Cao Bằng trao đổi. Vài lần gọi nữa rồi cuối cùng, anh Đức không gọi được cho anh M.

Sau đó, anh Đức phải thanh lý linh kiện ô tô với giá rẻ cho các nhà xưởng. Hoá ra đó đều là hàng nhập giá rẻ, chất lượng kém và đã bị đội giá lên nhiều so với những gì anh M. chia sẻ. Chán chường, anh Đức quay lại xưởng cũ làm thợ sửa xe.

Chàng trai miền núi mang 200 triệu đồng mở cửa hàng bán phụ tùng ô tô, sau 6 tháng mất trắng: Làm ăn tránh xa 4 kiểu người này kẻo mất cả chì lẫn chài - Ảnh 4.

4 kiểu người cần tránh xa khi hợp tác làm ăn

Từ bài học của anh Đức, mỗi chúng ta rút ra được một số lưu ý trong đầu tư, kinh doanh. Dưới đây là số kiểu người cần tránh xa, không nên hợp tác kẻo chuốc về trái đắng.

1. Người coi nhẹ lời hứa

Người coi lời hứa như trò đùa, thuận mồm hứa rồi chẳng bao giờ thực hiện được. Người không có chữ tín này có đáng thân thiết?

Để làm việc lớn, để thành công đòi hỏi chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Đừng vì thấy ai đó tính tình hay ho, có chút tài, có chút thân tình với mình mà đã đặt trọn niềm tin.

2. Người chuyên nịnh nọt

Kiểu người này có miệng lưỡi dẻo quẹo, lúc nào cũng nịnh hót bạn nhưng chẳng có lời nào là thật lòng. Cái gì cũng khen tấm tắc nhưng sau lưng lại chuyện nói xấu.

Những người này được nhận xét là giỏi và lanh nhưng lại rất mưu mô. Kết cục khi làm ăn với những con người này là họ sẽ nhanh chóng giúp bạn kiếm tiền nhưng cũng nhanh chóng bỏ rơi bạn.

Chàng trai miền núi mang 200 triệu đồng mở cửa hàng bán phụ tùng ô tô, sau 6 tháng mất trắng: Làm ăn tránh xa 4 kiểu người này kẻo mất cả chì lẫn chài - Ảnh 5.

3. Người luôn muốn chuộc lợi

Nhìn người phải nhìn quá khứ, kết bạn phải xem điều kiện. Kiểu người này lúc nào cũng chỉ nhăm nhe vì mục đích cá nhân, chuộc lợi cho bản thân.

Đối với kiểu người này, bạn không những không nên tin tưởng, mà còn phải đề phòng hết sức. Bởi không biết một ngày nào đó, người này có thể lợi dụng bạn để phục vụ mục đích của họ.

4. Người tham phú phụ bần

Đây là những người chuyên nhìn mặt mà bắt hình dong, nhìn gia cảnh mà đối xử với chủ nhân của khối tài sản đó. Lúc bạn giàu thì ngày ngày lui tới, nhưng tới khi bạn khó thì họ lập tức biến mất. Nếu không muốn cuộc làm ăn của bạn cô đơn trong lúc khó khăn thì hãy tránh xa kiểu người này.

Người này chỉ muốn giao du với tiền bạc và quyền lực, mà không có chút lương thiện hay sự đồng cảm nào. Dạng người này thường nịnh hót, tâng bốc người khác. Nếu bạn không tiền không quyền, người này sẽ không thèm để mắt đến bạn, thậm chí có khả năng bán đứng bạn.

Theo Ứng Hà Chi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên