Tránh "án" hủy niêm yết TTF, "trùm giải cứu" Mai Hữu Tín sẽ làm gì?
Nếu năm 2021 Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) tiếp tục âm vốn chủ sở hữu thì cổ phiếu TTF sẽ thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.
- 15-09-2021HoSE tiếp tục duy trì diện cảnh báo với cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành
- 03-08-2021Gỗ Trường Thành (TTF): Quý 2 có lãi ròng trở lại với 43 tỷ đồng, vẫn còn lỗ lũy kế hơn 3.040 tỷ đồng
- 08-07-2021Gỗ Trường Thành (TTF): Biến động nhân sự cấp cao giữa bối cảnh tái cấu trúc nợ quyết liệt
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của TTF có lãi, nhưng công ty đang lỗ lũy kế lớn, tương đương 97,8% vốn điều lệ và chưa khắc phục được tình trạng vốn chủ sở hữu âm. Do đó, HOSE tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu TTF.
Cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành có nguy cơ bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 có vốn chủ sở hữu là số âm.
Trong trường hợp nếu báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2021 của TTF có vốn chủ sở hữu là số âm thì cổ phiếu TTF sẽ thuộc trường hợp hủy niêm yết theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Cụ thể, theo Khoản e, Điều 120 Nghị định 155/2020, kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, thì cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã soát xét của TTF, lợi nhuận ròng hợp nhất của Công ty đạt 901 triệu đồng, lỗ lũy kế tại ngày 30/06/2021 là 3.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 30/06/2021 âm 553 tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của nhóm Công ty.
Theo đó, kiểm toán nhấn mạnh tổng nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn so với tài sản ngắn hạn là hơn 1.316 tỷ đồng, cùng với khoản vay ngân hàng và bên thứ ba đã quá hạn thanh toán là hơn 124 tỷ đồng. Vì vậy, đơn vị kiểm toán cho rằng có lý do trọng yếu để nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của TTF.
Trước ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán, TTF đưa ra 3 phương án khắc phục vốn chủ sở hữu âm. Trong đó: Về hoạt động kinh doanh, TTF cho biết, mục tiêu doanh số năm 2021 của Công ty là 2.025 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 59 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, Công ty đã tiến hành tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư... và bước đầu có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, hiện tại công ty đã có đủ đơn từ các chủ đầu tư cho đến hết năm 2021 và hai nhà máy của TTF là nhà máy SOFA 1 và nhà máy SOFA 2 đã đi vào hoạt động với công suất ổn định là 150 container/tháng với doanh số bình quân là 40 tỷ đồng/tháng và hai nhà máy này đã đủ đơn hàng từ khách để thực hiện đến cuối năm 2021.
Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư xây dựng Nhà máy Ván ép với công suất 9.000m3/tháng tại tỉnh Bình Định, một lợi thế của công ty là công ty có nguồn ván ép tự sản xuất để cung cấp cho Nhà máy tủ bếp.
Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của TTF đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi nhằm xóa nợ xấu tại ngân hàng Đông Á.
Đồng thời, với thương hiệu gỗ Casadora (một công ty con của TTF), Công ty hiện đang kết hợp với chuỗi bán lẻ của hệ thống Nội thất Phố Xinh mở rộng các Showroom lớn tại các thành phố lớn tại Việt Nam và tham gia vào phân khúc đồ gỗ cao cấp tại thị trường Việt Nam... Công ty tiếp tục tiến hành thanh lý hàng tồn kho và đặc biệt là các mặt hàng gỗ quý hiếm đã tồn đọng lâu năm trong năm 2021.
Bên cạnh phương án hoạt động kinh doanh, TTF cho biết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 cũng đã thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu ưu đãi để tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng. Theo đó, vốn cổ phần đăng ký của Công ty sẽ tăng từ 3.112 tỷ đồng lên 4.112 tỷ đồng. Nguồn tiền huy động sẽ trả nợ Ngân hàng TMCP Đông Á với số tiền hơn 123 tỷ đồng và bổ sung vốn lưu động.
Sau khi trả nợ Ngân hàng xong, Công ty có thể vay thương mại tại Ngân hàng bình thường trở lại. Dự kiến quý III hoặc đầu quý VI/2021 sẽ hoàn tất việc phát hành. Sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ cùng với hoạt động sản xuất kinh cải thiện thì trong năm 2021 Công ty dự kiến sẽ khắc phục dứt điểm tình trạng vốn chủ sở hữu âm.
Trước đó trong tháng 5/2021, TTF đã từng đưa ra phương án khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Ngoài những giải pháp trọng điểm nêu trên, một trong số các giải pháp đã được TTF đưa ra còn có còn có việc xây dựng kế hoạch chuyển nhượng vốn tại các công ty con hoạt động kém hiệu quả trong năm 2021. TTF dự định rút vốn khỏi 4 công ty con với tổng giá trị tài sản thuần đạt gần 203 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tiến hành thanh lý hơn 486 ha rừng tại Phước An, Đắk Lắk.
Nhìn chung, bán hay thanh lý các khoản đầu tư, tài sản sẽ là giải pháp sau cùng có thể giúp các công ty giải quyết tình vốn chủ sở hữu âm khi mà các phương pháp huy động vốn, bù đắp nguồn tiền bằng kết quả sản xuất kinh doanh không khả quan.
Một chuyên gia cho rằng về lý thuyết, ngoài ra TTF cũng có thể xem xét mạnh tay tái cấu trúc việc phân bổ chi phí, tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí tài chính, hoặc thậm chí cân nhắc vốn hóa chi phí lãi vay vào dự án nếu có các tài sản dở dang, dự án nếu đáp ứng yêu cầu để áp dụng kỹ thuật này .v.v; Qua đó giảm bớt áp lực âm lên vốn chủ. Tuy nhiên, ông này cũng nhấn mạnh với điều này có phù hợp với cấu trúc tài chính, tài sản và nợ vay của TTF là vấn đề phải xem xét cụ thể.
"Với năng lực của người điều hành TTF, kinh nghiệm M&A và giải cứu các công ty gặp khó khăn, cộng với mối quan hệ rộng rãi trong khu vực đầu tư, tài chính để dễ bề thuyết phục đối tác đầu tư góp vốn hoặc thực thi M&A, tin rằng ông Mai Hữu Tín sẽ không để TTF rơi vào hủy niêm yết. Vì nếu bị "văng" khỏi sàn chứng khoán, điều kiện cần để đảm bảo thanh khoản cổ phiếu cho các đợt phát hành gọi vốn dễ thành công cũng sẽ mất đi, TTF sẽ còn khó khăn nhiều hơn trong tương lai. Tất nhiên, trong trường hợp TTF tìm được hướng khắc phục khác và có các kế hoạch đầu tư triển vọng, tốt nhất là tìm được nguồn lực lớn sẵn sàng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn im ắng xuống sàn, để có nguồn lực phục hồi kinh doanh và quay trở lại, thì cũng có thể chủ động hủy niêm yết tự nguyện trường hợp vua Tôm Minh Phú (MPC) từng làm được, và đó lại là một câu chuyện khác với doanh nghiệp", một chuyên gia đánh giá.
Trong quá khứ, TTF thường được xem là một công ty sản xuất và gia công có biên lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo đã tiết lộ chiến lược của mình nhằm nâng cao chuỗi giá trị bằng cách nâng cao năng lực thiết kế đồ nội thất và cải tiến các nhà máy sản xuất. Công ty đặt mục tiêu tăng giá trị sản phẩm từ 15.000 USD / container lên khoảng 80.000 USD / container, tất nhiên là biên lợi nhuận sẽ cao hơn mức mà công ty đã đạt được trong quá khứ.
Mặc dù thị giá cổ phiếu TTF đang ở mức thấp (7.020 đồng/cổ phiếu), nhưng thanh khoản cổ phiếu luôn đạt hàng triệu đơn vị mỗi phiên.
Để thâm nhập vào thị trường bán lẻ, cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, HĐQT TTF đã trình cổ đông kế hoạch đầu tư vào Công ty Natuzzi Singapore Pte.ltd có trụ sở tại Singapore. Giá trị đầu tư do HĐQT quyết định nhưng không vượt quá 20% vốn điều lệ Natuzzi. Đây là một công ty phân phối đồ nội thất cao cấp của Ý, chịu trách nhiệm phân phối cho toàn bộ thị trường châu Á, trừ Trung Quốc . Mục tiêu của TTF khi đầu tư vào Natuzzi Singapore là nhằm tận dụng mạng lưới phân phối của Natuzzi tại thị trường châu Á để thúc đẩy các đơn đặt hàng.
Mục tiêu doanh thu năm 2021 của TTF được đặt ở mức hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 167% so với cùng kỳ năm trước, với doanh thu xuất khẩu chiếm 65% (tăng từ 50% vào năm 2020) và phần còn lại là thị trường nội địa. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 được đặt ra là 59 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020. Ban lãnh đạo của TTF rất tự tin khả năng hoàn thành các mục tiêu này do số lượng các đơn đặt hàng hiện nay rất khả quan, đủ để lấp đầy công suất của công ty cho đến cuối năm nay.
Các chỉ số hiệu quả của TTF cũng đang có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, vòng quay tiền mặt của công ty trong những năm gần đây đã khả quan hơn, được củng cố bởi sự cải thiện trong vòng quay khoản phải thu và vòng quay hàng tồn kho. Tuy nhiên, vẫn còn 30% hàng tồn kho là tài sản thế chấp (của 123 tỷ đồng nợ xấu) và chi phí phát triển rừng (106 tỷ đồng), chưa sẵn sàng để sản xuất. Vì vậy, mặc dù có thể kết luận rằng TTF đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng cần chờ đợi thêm để xác nhận rằng TTF sẽ phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh.
Diễn đàn doanh nghiệp