Tranh cãi về SoftBank: Tập đoàn này thực sự là gì, một công ty tiên phong về công nghệ hay đơn giản chỉ là quỹ đầu cơ?
Một trong những cổ đông lớn tại Anh của SoftBank cho biết: "1 năm trước, mọi thứ tập trung vào Quỹ Vision. Giờ đây, tôi hầu như không còn nghe nói về nói. Arm và IoT cũng vậy, bây giờ cũng không còn được nhắc đến. Cuối cùng, việc đầu tư ở đây giống như một quỹ đầu cơ."
- 01-10-2020Dấu hiệu mới nhất cho thấy nhiều khả năng SoftBank sẽ sớm huỷ niêm yết để trở thành công ty tư nhân
- 20-09-202010 tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất tuần qua: Ông chủ Zoom, SoftBank góp mặt
- 14-09-2020"Bom tấn" của làng công nghệ: SoftBank bán công ty chip Arm cho Nvidia với giá 40 tỷ USD
Trong những câu chuyện cổ tích, quả cầu pha lê có thể mang nhiều ý nghĩa như dự đoán tương lai, nhưng cũng có thể là 1 kiểu bùa ngải nhằm mục đích xấu, khiến những người dân trong làng trở nên tham lam. Và điều ấp ủ trong đầu Masayoshi Son vào năm 2016 chính là kiểu "bùa ngải" sau khi chi 32 tỷ USD để mua lại Arm. Đây là canh bạc mạo hiểm nhất trong cuộc đời ông ở thời điểm đó. Ông đã gọi công ty thiết kế chip đến từ Anh là "quả cầu pha lê của tôi".
Là một nhà đầu tư nung nấu rất nhiều dự định về sự phát triển của truyền thông và phần mềm trong nhiều thập kỷ, nhà sáng lập SoftBank đã mua lại 1 công ty, mà qua đó ông tin rằng mình có thể nhìn thấu tương lai của mọi xu hướng về máy tính, AI và IoT.
Ý tưởng về việc ông sở hữu cái nhìn sâu sắc đã trở thành một công cụ tuyệt vời cho một trong những nhà kinh doanh lớn nhất châu Á. Đó là màn "chào sân" giúp Son thu hút hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư Trung Đông, cùng lời hứa đặt cược vào các start-up sẽ thống trị hàng thế kỷ trong tương lai.
SoftBank loay hoay khi đi tìm câu trả lời cho chính mình
Dự án Crystal Ball đã được giới thiệu đến cả thế giới vào cuối năm 2016 và được đổi tên là Quỹ Vision trị giá 100 tỷ USD. Và những nhà đầu tư đến từ vùng Vịnh yêu cầu họ đưa Arm vào danh mục đầu tư.
Hiện tại, tầm nhìn ấy lại bị mắc kẹt với một loạt tin xấu. Son đang chuẩn bị bán Arm với 40 tỷ USD cho Nvidia. Trong khi đó, Quỹ Vision đang chật vật để giải quyết những khoản lỗ trong danh mục đầu tư và nỗ lực huy động dòng vốn mới từ bên ngoài, nhằm cho phép quỹ mới hoạt động sau một loạt khoản đầu tư thất bại thảm hại vào WeWork và những startup khác.
Chưa dừng ở đó, SoftBank cũng đối mặt với áp lực khi nội bộ xảy ra những cuộc đấu đá giữa các phe khác nhau. Sau 6 tháng đầy hỗn loạn ở năm nay, SoftBank đã bán 90 tỷ USD cổ phần trong các công ty bao gồm T-Mobile, Alibaba và mảng di động trong nước của tập đoàn này.
Financial Times nhận định, SoftBank có thể có tiền mặt, có thể có một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng và thông minh. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, tập đoàn này lại thiếu một tuyên bố rõ ràng về 2 điều trên sẽ dẫn dắt công ty đi tới đâu trong 1 tháng, 1 năm hay 1 thập kỷ tới.
Một trong những cổ đông lớn tại Anh của SoftBank cho biết: "1 năm trước, mọi thứ tập trung vào Quỹ Vision. Giờ đây, tôi hầu như không còn nghe nói về nói. Arm và IoT cũng vậy, bây giờ cũng không còn được nhắc đến. Cuối cùng, việc đầu tư ở đây giống như một quỹ đầu cơ."
Ông nói thêm: "SoftBank dường như là 1 công ty hoạt động theo ý thích của Son." Vị cổ đông chia sẻ ông sẽ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu SoftBank, miễn là họ vẫn thể hiện mình là một công ty công nghệ mạo hiểm nhất Nhật bản.
Tuy nhiên, khi không còn Arm kể câu chuyện dễ hiểu về quả cầu pha lê, thì Son cùng 1 số cộng sự thân cận dường như cũng không thể trả lời rõ ràng cho câu hỏi được thắc mắc nhiều nhất: SoftBank là gì?
Suy đoán về mô hình của SoftBank
Trong trường hợp không có phản hồi rõ ràng từ Son cho câu hỏi trên, những người cả ở nội bộ và bên ngoài SoftBank đã bắt đầu tự xây dựng định nghĩa riêng về công ty.
Một người từng làm việc với ông Son chia sẻ: "SoftBank dần trở thành 1 quỹ đầu cơ khổng lồ. Ý tưởng này, ít nhất nhìn bề ngoài vẫn rất hấp dẫn.
Trong khi đó, 1 nhà đầu tư kỳ cựu của SoftBank cho biết: "Ý tưởng rằng SoftBank trực tiếp loại bỏ các doanh nghiệp mà họ điều hành có nghĩa là họ không khác gì một quỹ đầu cơ, như Bridgewater hoặc Blackstone. Định nghĩa này khá hợp lý ở hiện tại. Ít nhất là cho đến khi Son thay đổi chiến lược bên trong 1 lần nữa."
Người này cũng nói thêm rằng, cách quản lý nội bộ của SoftBank là đối đầu nhau và chia phe phái đã càng khẳng định hình ảnh của tập đoàn này như một "cỗ máy" chấp nhận rủi ro, hơn là một "gã khổng lồ" công nghệ tỉnh táo.
Một số giám đốc điều hành của SoftBank lập luận rằng việc miêu tả họ là 1 quỹ đầu cơ thể hiện phong cách đầu tư của tập đoàn do ông Son lãnh đạo. Điều này cho phép họ hạn chế những tác động từ căng thẳng địa chính trị nhằm "nuốt trọn" những thương vụ đầu tư phức tạp vào lĩnh vực công nghệ.
Hơn nữa, 1 số khác nói rằng SoftBank hiện có thể được coi là một công ty đầu tư. Một thành viên trong nhóm kín của Son miêu tả đây là "văn phòng quản lý tài sản gia đình khổng lồ của 1 người có tầm nhìn xa". Một người khác thì cho biết rằng công ty là "dự đoán trong suy nghĩ của Son" nhưng nói thêm chiến lược của họ có xu hướng thay đổi đột ngột, "khi Son cảm thấy buồn chán".
Oliver Matthew - nhà phân tích của CLSA cho biết: "Khối tài sản của SoftBank có thể thay đổi nhưng cách tiếp cận vào đầu tư và niềm tin đối với lợi nhuận vượt trội bằng cách lựa chọn công ty chiếm ưu thế trong lĩnh vực công nghệ là điều rất nhất quán."
Các nhà đầu tư khác cho rằng tốc độ thay đổi chóng mặt của SoftBank, cùng với việc ông Son thường xuyên đổi kế hoạch là điều khiến cổ phiếu của công ty này giao dịch ở mức chiết khấu lớn so với giá trị nắm giữ. Ngay cả khi cổ phiếu SoftBank leo lên đỉnh 20 năm vào đầu tháng 8, vốn hóa thị trường 137 tỷ USD vẫn cho thấy mức thấp hơn 45% so với giá trị danh mục đầu tư. Sự hồi phục này được thúc đẩy bởi đợt tái cơ cấu bắt đầu vào tháng 3, khi cổ phiếu công ty này giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch.
Kể từ mùa xuân, Son đã tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo bảo lợi nhuận đầu tư. Thế nhưng, những người thân cận với ông đều cho biết tầm nhìn của ông vẫn không bị lay chuyển và không có dấu hiệu ông muốn thỏa hiệp ngay cả khi thị trường rung lắc mạnh. Một trong những người này cho hay: "Hầu hết mọi người sẽ hoảng sợ, nhưng ông ấy cực kỳ tự tin và không hề nghi ngờ."
Tuy nhiên, nếu cổ phiếu không giảm 52% trong tháng tính đến ngày 19/3, thì việc bán Arm cho Nvidia có thể không bao giờ diễn ra. Thương vụ này đã củng cố quá trình thay đổi của Son, từ 1 CEO tập trung vào công nghệ và viễn thông, trở thành nhà quản lý tài sản quy mô toàn cầu. Dự kiến, SoftBank cũng sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Nvidia với khoảng 8,1% cổ phần.
Một số nhà đầu tư kỳ cựu của SoftBank cho rằng quyết định chiến lược của Son có sự nhất quán trong bối cảnh thị trường bất ổn vì dịch bệnh. Richard Kaye – quản lý danh mục đầu tư tại Comgest, nắm giữ 95 triệu USD cổ phần trong SoftBank, cho hay: "Tôi vẫn tin tưởng Son và tầm nhìn của SoftBank về việc tìm ra những nền tảng sáng tạo, đầu tư và kết hợp chúng với nhau."
Trở thành "cá voi Nasdaq"
Tuy nhiên, ngay cả những người từng làm việc thân thiết với ông cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi nghiêm túc về việc tầm nhìn của Son còn lại gì. Nhất là sau khi Financial Times tiết lộ SoftBank chính là con cá voi trên sàn Nasdaq, chi hàng tỷ USD cho quyền chọn đối với các cổ phiếu công nghệ.
Sử dụng khoản tiền từ việc thanh lý tài sản mà ban đầu dự định để mua cổ phiếu quỹ và giảm nợ, sự đột phát mạnh mẽ của SoftBank trong động thái trên càng củng cố quan điểm về 1 công ty hoàn toàn bị bủa vây bởi những ý tưởng bất chợt của 1 người.
Nhiều người ngưỡng mộ SoftBank từ lâu cũng phải thừa nhận về những rủi ro xung quanh nhà sáng lập đã tăng lên khi đế chế của ông phát triển. Các cố vấn và nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về việc lựa chọn "cánh tay phải" để thực hiện ý tưởng đầu tư, trong khi đó những người khác – gồm quỹ đầu cơ Elliott Management lại cần đến tiêu chuẩn quản trị cao hơn tại cả SoftBank và Quỹ Vision. Trước đó, 1 loạt giám đốc điều hành và thành viên hội đồng quản trị đã rời khỏi tập đoàn.
Trong khi đó, ở nội bộ SoftBank, giá cổ phiếu liên tục đi xuống đã khiến những lãnh đạo cấp cao phải thảo luận về việc có nên trở về làm công ty tư nhân hay không. Dẫu vậy, những người theo dõi SoftBank lại cho rằng câu trả lời là "không", nhưng suy đoán rằng kho tiền mặt của họ sẽ được sử dụng cho những thương vụ liên quan đến AI sau đó mở rộng sang những lĩnh vực như ô tô hay game.
Cuối cùng, việc đánh giá quy mô thay vì loại hình kinh doanh mà SoftBank đang hướng đến có thể là quan trọng hơn. Một giám đốc điều hành của SoftBank cho biết Son sẽ tiếp tục điều hành 1 công ty bất chấp những dị nghị về loại hình kinh doanh, cho đến khi tập đoàn này đạt được quy mô mà họ có thể được xếp vào top 10 công ty giá trị nhất hành tinh.
Hiện tại, SoftBank gần như không lọt vào top 100, một phần là do công ty này chỉ niêm yết tại Nhật Bản và mức chiết khấu cao của cổ phiếu so với giá trị tài sản. Tuy nhiên, nếu Son muốn biết khi nào và bằng cách nào tập đoàn này có thể đạt được tham vọng vào top 10, ông có thể cần tìm đến 1 quả cầu pha lê mới.
Tham khảo Financial Times