Tranh cãi việc lắp trạm sạc xe điện trong hầm chung cư
Lắp đặt các trạm sạc điện ở hầm chung cư được coi là một trong những bước đi quan trọng trong công cuộc sử dụng năng lượng sạch trong đô thị. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều tại không ít quốc gia trên thế giới.
- 08-07-2022Thị trường 6 tháng cuối năm sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?
- 08-07-2022Cơn sốt đất nền đã đi qua vùng đỉnh
- 08-07-2022Thấy gì đằng sau những con số “ngược chiều” của thị trường căn hộ Tp.HCM?
Chung cư đua nhau lắp trụ sạc xe điện
Năm 2019, Nicole Yip (Canada) đặt mua chiếc xe điện Tesla Model. Tuy nhiên, sau khi nhận xe, cô tỏ ra khá bối rối vì không biết sẽ sạc điện cho xe ở đâu trong tòa chung cư của mình. Do đó, Nicole đã đề cập việc lắp trụ sạc điện công cộng trong hầm để xe với ban quản lý tòa nhà.
Nhưng ban quản lý tòa nhà lúc ấy trả lời Yip rằng, việc này chưa có tiền lệ và cô chỉ được đặt một ổ cắm 110V trong ô đỗ xe của mình, nhưng họ cần đưa ra một cuộc bỏ phiếu giữa các cư dân trong tòa nhà.
Sau đó, Yip đã được các cư dân ủng hộ việc lắp trụ sạc điện trong hầm để xe. Ban đầu, cô dự kiến sẽ phải chi khoảng 200 USD cho việc này, nhưng sau khi xin giấy phép và chi trả phí kiểm định chất lượng, cô tá hỏa vì mình mất tới 2.000 USD.
Nhận xét về vấn đề của Yip lúc ấy, Don Chandler - kỹ sư và nguyên là Chủ tịch của Hiệp hội Xe điện Vancouver (VEVA) tỏ ra lo lắng, vì tình trạng này rất phổ biến đối với những người sống trong các căn hộ chung cư. Vì khoảng 25% người dân ở Canada lúc ấy sống trong các căn hộ chung cư, do đó họ không thể sạc điện cho xe khi ở nhà.
Tuy nhiên, lo lắng của Chandler hiện không còn là vấn đề, bởi đến giờ hầu hết các thành phố của Canada đều yêu cầu các tòa chung cư mới phải trang bị trụ sạc xe điện trong hầm để xe.
Nhiều chung cư trên thế giới đang chạy đua trong việc lắp trụ sạc pin cho xe điện trong hầm để xe để nâng cao giá trị tòa nhà. (Ảnh: Bekeley)
Thậm chí, hội đồng thành phố Vancouver còn đề xuất mức phạt 7.900 USD mỗi năm đối với một số dịch vụ công cộng không cung cấp trụ sạc xe điện, để thúc đẩy việc phát triển hạ tầng cho xe điện khắp Vancouver.
Tương tự Canada, các tòa chung cư trên khắp nước Úc cũng đang chạy đua trong việc lắp đặt hệ thống sạc xe điện trong hầm để xe.
Brian Jackson, người điều hành khu phức hợp 175 căn hộ ở Sydney cho biết: “Nếu muốn thu hút cư dân đến sinh sống và bảo vệ môi trường, chúng ta cần phải sẵn sàng trong việc trang bị các trụ sạc điện trong hầm để xe”.
Trong khi đó, các nhà phát triển bất động sản ở Úc cũng đang cố gắng đạt được xếp hạng sao xanh cao nhất, thông qua việc lắp đặt các trụ sạc điện trong hầm để xe của tòa nhà. Bởi họ cho rằng, việc này sẽ là một trong những yếu tố giúp giá trị các bất động sản tăng lên trong tương lai.
“Điểm cộng của xe điện là rất nhiều, chúng ít thải ra khí nhà kính, thân thiện với môi trường và có thể lấy năng lượng từ mặt trời và gió. Do đó, chi phí vận hành thấp hơn 3 - 4 lần so với ô tô chạy bằng xăng”, một nhà hoạch định chính sách của Úc nói.
Còn ở thành phố Saint Louis thuộc tiểu bang Missouri (Mỹ), chính quyền sở tại đã thông qua các sắc lệnh vào năm 2021, yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị cho việc sạc xe điện. Trong đó, yêu cầu các tòa nhà mới hoặc tòa nhà đã được cải tạo phải có cơ sở hạ tầng điện để xe điện có thể sạc pin ngay trong tòa nhà .
Còn nhiều tranh cãi
Tại Canada, bên cạnh những khu vực yêu cầu các chung cư cao tầng mới xây phải chuẩn bị các trụ điện trong hầm để xe , thì một số thành phố như Quebec lại không đưa ra yêu cầu này.
“Đó là một vấn đề lớn, vì việc trang bị thêm trụ sạc điện trong hầm để xe không hề rẻ, do đó các chủ đầu tư sẽ cần khoảng 7- 8 năm để thu lại số tiền đã bỏ ra”, một phát ngôn viên của Hiệp hội Xe điện Quebec cho biết.
Tương tự, tại bang Ontario, năm 2018 hầu hết các chủ đầu tư đều từ chối việc lắp đặt trụ sạc điện trong nhà để xe, bởi nhiều đánh giá cho thấy bộ sạc vi phạm quy tắc an toàn điện của tòa nhà.
Việc thiết lập một điểm sạc xe điện cho cư dân trong khu chung cư là vô cùng rườm rà, mất thời gian và tốn kém. (Ảnh: Brian of London) |
Còn ở Ấn Độ, đối với các khu chung cư, việc thiết lập một điểm sạc cho cư dân sở hữu xe điện là vô cùng rườm rà, mất thời gian và tốn kém.
Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống dây điện và mạch điện phức tạp vào hầm để xe của các tòa chung cư còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt . Đồng thời, yêu cầu cơ sở hạ tầng điện của tòa nhà cũng phải mạnh hơn, bảo trì cao hơn và nhiều yêu cầu đầu tư khác.
Đó cũng chính là lý do Hiệp hội Phúc lợi Thường trú (RWA) luôn miễn cưỡng trong việc thiết lập các trạm sạc ở hầm để xe.
Mặt khác, những người thuê nhà trong các khu chung cư cũng do dự đầu tư vào một trụ sạc điện trong hầm để xe, vì nó sẽ trở thành khoản đầu tư chết đối với họ khi chuyển nơi thuê nhà .
Hiệp hội Phúc lợi Thường trú (RWA) đều miễn cưỡng thiết lập các trạm sạc trong hầm để xe. (Ảnh: Mobility Outlook) |
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có nhiều người sở hữu xe điện, nên nhận thức của cộng đồng về các trạm sạc điện (liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, hoặc các biện pháp an toàn khi thiết kế và lắp đặt) còn kém. Do đó, các RWA thường hoài nghi về rủi ro của việc thiết lập trụ sạc điện ở tầng hầm các tòa chung cư.
"Lắp đặt trụ sạc trong hầm để xe chung cư có vẻ không khả thi về mặt tài chính đối với các chủ đầu tư. Bởi hầu hết cư dân của họ đều sở hữu xe chạy bằng xăng hoặc dầu, do đó, họ sẽ không sẵn sàng chi tiêu cho các trạm sạc", một cư dân nói.
Tựu chung, giới chuyên gia nhận định, xe điện là trục xoay của sự di chuyển bền vững trong đô thị. Để khuyến khích và thúc đẩy việc tiếp nhận xe điện, chúng ta cần tạo ra một môi trường thuận lợi, từ việc lắp đặt các trạm sạc điện trong hầm để xe của các khu chung cư. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có sự liên kết giữa đơn vị phát triển xe điện với các chủ đầu tư của tòa nhà , để đảm bảo sự cân đối về tài chính và an toàn trong phòng chống cháy nổ…
Theo Missouri Inependen, The Sydney Morning Herald, Mobility Outlook, The Globe And Mail
Tiền Phong