MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cử Tổng thống Mỹ: Chưa chắc nhiều tiền đã thắng

02-11-2016 - 14:45 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 được dự báo là “đắt đỏ nhất trong lịch sử” với chi phí ước tính lên tới 6,6 tỉ USD. Nhiều chi tiết thú vị về chuyện thu chi tiền trong quỹ tranh cử.

Chi phí cho một chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Mỹ là cực kỳ tốn kém. Các ứng cử viên cùng với Đảng của mình phải ra sức huy động và sử dụng số tiền khổng lồ lên tới hàng tỉ USD cho chiến dịch tranh cử. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 này được dự báo là “đắt đỏ nhất trong lịch sử” với chi phí ước tính lên tới 6,6 tỉ USD.

Qui định chặt chẽ về tiền bạc

Vận động gây quỹ là một nguồn tiền đóng vai trò rất lớn trong chi phí tranh cử của các ứng viên Tổng thống tại Mỹ. Tuy nhiên, luật pháp Mỹ qui định việc đóng góp cho các quỹ tranh cử của các ứng cử viên cực kỳ chặt chẽ, nhằm ngăn chặn nguy cơ một số cá nhân có thể dùng tiền đóng góp để thao túng ứng cử viên nói riêng và cuộc bầu cử nói chung.

Từ năm 1907, Mỹ đã có hàng loạt đạo luật liên quan đến vấn đề đóng góp cho kinh phí tranh cử. Luật Mỹ hiện nay có qui định cho phép bất cứ người dân Mỹ nào có đóng thuế thu nhập đều có thể trích 3 USD ủng hộ quỹ bầu cử công cộng. Quỹ này sẽ tài trợ một phần chi phí tranh cử cho các ứng viên và đảng phái như chi cho đại hội toàn quốc của Đảng, tài trợ cho các ứng cử viên…

Nhưng số tiền tài trợ từ quỹ bầu cử công cũng không đáng kể gì so với tổng chi phí của cả chiến dịch tranh cử kéo dài suốt một năm ròng nên cả hai đảng lớn đều phải tích cực vận động, tìm cách thu hút nhiều nguồn tài trợ khác mà luật pháp cho phép.

Xét về tiềm lực, về con số gây quỹ và thu chi cho tranh cử, đảng Cộng hòa thường vượt qua đảng Dân chủ. Trong kỳ bầu cử năm 2000, đảng Cộng hòa đã lập kỷ lục với quỹ tranh cử lên tới 2 tỉ USD.

Tuy nhiên năm 2016 này, bà Hilarry Clinton lại đang dẫn trước ông Trump trong việc gây quỹ từ lợi thế có mối quan hệ sâu rộng và lâu dài với nhiều đại gia, nhân vật nổi tiếng. Trong đó, có rất nhiều nhân vật có uy tín đã đứng ra hỗ trợ vận động gây quỹ ủng hộ bà.

Nguồn tiền từ đảng cùng các siêu hội đồng hành động chính trị ủng hộ bà Clinton đạt đến con số 1,14 tỉ USD, tính tới tháng 10-2016.

Ứng viên tổng thống Mỹ bên đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ nắm trong tay 712 triệu USD, trong đó khoảng 60 triệu USD là tiền túi do ông bỏ ra.

Tài chính phải công khai

Kể từ năm 1970, ở Mỹ có ba nguyên tắc chính điều chỉnh luật tài trợ tranh cử Liên bang, áp dụng cho tất cả các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội: Một là công khai tài chính, hai là cấm một số nguồn tài trợ, ba là hạn chế một số nguồn tài trợ.

Công khai hoạt động tài chính là qui định bắt buộc và cực kỳ chặt chẽ đối với các cuộc bầu cử ở Mỹ nhằm mục đích hạn chế nạn tham nhũng có thể nảy sinh trong quá trình quyên góp và chi tiêu cho chiến dịch tranh cử.

Hoạt động tài chính trong chiến dịch tranh cử của mỗi đảng, mỗi ứng cử viên sẽ được theo dõi, giám sát chặt bởi đảng đối lập, các ứng cử viên đối lập, toàn thể xã hội và công khai trên các phương tiện truyền thông.

Hoạt động gây quỹ phải tuân thủ những nguyên tắc quản lý rất cụ thể như phải báo cáo định kỳ các số liệu, báo cáo chi tiết đối với những khoản tiền thu chi từ 200 USD trở lên ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử. Mức độ và yêu cầu báo cáo gia tăng khi ứng cử viên được chính thức đề cử để bầu Tổng thống.

Quy định cấm một số nguồn tài trợ nhắm đến đối tượng là các tập đoàn, ngân hàng lớn, các nghiệp đoàn có thể sử dụng tiền của mình để gây ảnh hưởng đối với ứng cử viên nói riêng và các cuộc bầu cử Liên bang nói chung.

Theo qui định này, các công ty, tập đoàn và nghiệp đoàn không được cho tiền ứng cử viên hay đảng nào trong cuộc bầu cử Liên bang (một số bang có chính sách cho phép sử dụng nguồn đóng góp này cho các cuộc bầu cử của bang).

Các quỹ dành cho vận động tranh cử của công dân nước ngoài cũng bị cấm sử dụng trong tất cả các cuộc bầu cử tại Mỹ. Người nước ngoài không được đóng góp cho các ứng cử viên. Nhưng những người có “Thẻ xanh” được phép tham gia ủng hộ tiền cho các ứng cử viên.

Vài mươi năm gần đây, một loại hình tổ chức mang tên Ủy ban hành động chính trị (PAC) xuất hiện và phát triển rất nhanh chóng về số lượng với mục đích là huy động và sau đó phân phối tiền cho những ứng cử viên trong các chiến dịch tranh cử.

Các PAC được thành lập bởi các doanh nghiệp, nghiệp đoàn và một số hội nhóm khác. Trong các kỳ bầu cử Tổng thống gần đây, các PAC càng thể hiện vai trò và ảnh hưởng: là hệ thống quyên góp, phân phối và hỗ trợ tài chính đắc lực nhất cho các ứng cử viên tổng thống trong chiến dịch tranh cử.

Đối với qui định hạn chế nguồn tài trợ, luật Liên bang có qui định hạn chế số tiền đóng góp (dù là của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội hay Ủy ban hành động chính trị) cho các ứng cử viên, đảng phái chính trị và các nhóm tham gia vào các cuộc bầu cử liên bang.

Trong mỗi cuộc bầu cử, mỗi cá nhân được quyên góp tối đa 2.700 USD cho một ứng cử viên. Một ủy ban hành động chính trị có thể đóng góp 5.000 USD cho mỗi ứng cử viên trong một cuộc bầu cử. Còn các Siêu uỷ ban hành động chính trị (SPAC) không bị giới hạn về quyên góp và chi tiêu.

Bà Hillary nhiều tiền hơn

Hiện nay, ước tính chi phí tranh cử của ông Trump đã được tăng lên gấp đôi so với thời điểm tháng 5-2016, đạt đến 70 triệu USD. Nhưng con số này vẫn còn thua xa mức 83 triệu USD được ứng cử viên bên đảng Dân chủ Hillary Clinton chi cho hoạt động tranh cử của mình.

Chi phí tranh cử dùng nhiều nhất vào việc gì? Đó chính là vận hành bộ máy truyền thông quảng bá, chi phí quảng cáo trên tất cả các kênh thông tin.

Các chuyên gia cho biết, bà Hillary đã chi khoảng 66 triệu USD cho khoản này - hạng mục có chi phí lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của bà. Khoản chi tốn kém thứ hai của bà Hillarry là trả lương cho bộ máy vận hành chiến dịch tranh cử lên tới 800 người ăn lương với chi phí lên tới 5,5 triệu USD/tháng.

Cử tri ủng hộ bà Hillary Clinton tại TP Ft. Lauderdale, bang Florida, tối 1-11 - Ảnh: Reuters
Cử tri ủng hộ bà Hillary Clinton tại TP Ft. Lauderdale, bang Florida, tối 1-11 - Ảnh: Reuters

Bộ máy của ông Trump khiêm tốn hơn, với khoảng 350 nhân lực, chủ yếu là các chuyên gia tư vấn, cũng ngốn khoản tiền lương tiền triệu USD/tháng. Nhưng ông Trump lại mạnh tay chi tới 23 triệu USD cho tiền quảng cáo chỉ trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, thực tế bầu cử Tổng thống ở Mỹ cũng đã chứng minh tiền bạc chỉ là công cụ quan trọng chứ không phải là yếu tố mang tính quyết định đem lại chiến thắng cho các ứng cử viên. Các chuyên gia về bầu cử cho hay có gần 40% số cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ mà người chi phí nhiều tiền hơn để tranh cử vẫn thua.

Tiền còn dư, xài ra sao?

Việc sử dụng tiền của quỹ bầu cử như thế nào cũng có qui định chặt chẽ. Trong đó, để đảm bảo cạnh tranh công bằng, có qui định về số chi phí tối đa mỗi ứng cử viên có thể sử dụng để vận động tranh cử ở từng bang và tương ứng với số tiền tài trợ của quỹ bầu cử công dành cho các ứng cử viên.

Dù đắc cử hay thất bại, nếu chưa dùng hết tiền gây quỹ tranh cử, thì phải sử dụng tiền đó ra sao?

Các ứng cử viên có được giữ và sử dụng phần còn lại của quỹ tranh cử sau khi thắng/thua hoặc rời khỏi cuộc đua? Nguyên tắc chính là không được sử dụng cho mục đích cá nhân.

Theo ông Bob Biersack, một thành viên của Ủy ban bầu cử Liên bang (FEC), phần lớn các ứng cử viên chẳng còn lại đáng bao nhiêu tiền sau khi kết thúc chiến dịch tranh cử. Các chiến dịch tranh cử đều rất tốn kém, và phần tiền còn lại trước hết sẽ phải tiếp tục chi trả cho các hóa đơn và khoản nợ còn tồn đọng trong quá trình tranh cử.

Nhưng cũng có những ứng cử viên kết thúc chiến dịch tranh cử mà không sử dụng hết quỹ. Từng bang và chính quyền địa phương có những luật qui định riêng nhưng đối với những ứng cử viên chạy đua vào các vị trí của Liên bang, bao gồm cả các ứng cử viên tranh cử tổng thống, bắt buộc phải tuân thủ theo những qui định nghiêm ngặt của FEC đối với phần tiền còn dư trong quỹ vận động tranh cử khi kết thúc chiến dịch tranh cử của mình.

Họ có thể hiến tặng với số tiền không giới hạn cho một quỹ từ thiện hoặc đảng phái chính trị. Đương nhiên trong trường hợp này, các ứng cử viên sẽ chọn đóng góp cho quỹ đảng của mình. Họ cũng có thể ủng hộ trực tiếp cho những ứng cử viên khác với những giới hạn nhất định. Các ứng cử viên tuyệt đối không thể sử dụng tiền còn lại từ quỹ tranh cử cho những khoản chi dùng cá nhân.

Quy định này cũng áp dụng cho cả các cuộc vận động tranh cử nghị sĩ. Trước đây, các nghị sĩ khi nghỉ hưu có thể đút túi số tiền gây quỹ tranh cử còn dư để mua xe, đi du lịch, mua sắm quần áo hay bất cứ khoản chi tiêu nào họ muốn. Nhưng qui định này đã được thay đổi vào năm 1989 và không còn ai được sử dụng số tiền gây quỹ tranh cử còn dư cho những khoản chi tiêu cá nhân.

Theo Thanh Hà

Tuổi trẻ

Trở lên trên