Tranh mua LNG để chuẩn bị cho mùa đông, các nhà nhập khẩu chơi lớn thuê nguyên tàu làm 'kho nổi' để trữ được nhiều hơn
Tình trạng thuê "kho nổi" chính là các con tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng cho thấy sự hoảng loạn trên thị trường khí đốt ở thời điểm mùa đông đang đến gần.
- 08-09-2022Giá khí đốt châu Âu đã hạ 42,4% từ mức kỷ lục tháng 8
- 05-09-2022Giá khí đốt ở châu Âu sẽ cao đến mức nào sau khi Nga khóa van vô thời hạn?
- 05-09-2022Châu Âu nhận 'niềm vui bất ngờ' giải 'cơn khát' khí đốt
Các nhà kinh doanh năng lượng và công ty điện lực đang tích cực tích trữ khí tự nhiên hóa lòng trên biển - động thái được xem là bất thường để chuẩn bị cho mùa đông khi thị trường đối mặt tình trạng thiếu hụt trầm trọng.
Các công ty năng lượng ở châu Âu đang đậu các chuyến hàng LNG ngoài khơi bờ biển trong một cuộc tranh giành để thay thế các đường ống dẫn khí đốt của Nga vào mùa đông năm nay. Họ đơn giản là không thể đưa nhiên liệu vào các kho lưu trữ trên bờ bởi các kho này đã đầy. Họ chọn cách trả tiền để lưu trữ LNG trực tiếp trên các con tàu.
Các nhà nhập khẩu ở châu Á và Nam Mỹ cũng nhảy vào cuộc chiến tranh giành các "kho chứa nổi" này để tìm thêm nguồn cung. Đồng thời, các thương nhân cũng kỳ vọng sẽ thu về một khoản lợi nhuận lớn bằng cách tích trữ LNG, chờ đợi giá tăng đột biến trong những tháng mùa đông.
Lượng LNG chứa trong các "kho nổi" trên toàn cầu đạt 1,4 triệu tấn vào ngày 2/9, nhiều nhất trong 2 năm qua, theo công ty nghiên cứu năng lượng Kpler. Con số này gần bằng tổng nhập khẩu của Tây Ban Nha trong tháng 8.
Có ít nhất 9 tàu lưu trữ LNG đang trôi nổi ngoài biển như các kho lưu trữ di động.
Chiến lược này vốn thường được sử dụng trên thị trường dầu mỏ, rất hiếm khi xảy ra với LNG bởi khí tự nhiên hóa lỏng có xu hướng bay hơi chậm trên các con tàu, khiến việc lưu kho trở nên khó khăn. Điều này cũng phần nào cho thấy sự bất khả kháng của các nhà nhập khẩu khí đốt để đảm bảo có đủ nhiên liệu cho mùa đông năm nay.
Theo dữ liệu vận chuyển của Bloomberg và Kpler, có ít nhất 9 tàu lưu trữ LNG trên đại dương.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu, châu Á đang giao dịch ở mức kỷ lục vào thời điểm hiện tại do Nga hạn chế cung cấp cho các khách hàng chính. Điều này làm gia tăng sự cạnh tranh với các lô hàng LNG từ các nhà cung cấp như Mỹ, Nigeria và Qatar.
Nhu cầu về tàu trên toàn cầu đang khiến giá cước vận tải tăng cao hơn, nhưng các thương nhân cho biết họ vẫn đang cần thêm tàu. Nắm bắt được điều này, các công ty chuyên về năng lượng đang từ chối xuất bến những chiếc tàu của mình - dấu hiệu cho thấy thị trường đang thực sự thiếu hụt tàu vận chuyển LNG.
Nhịp sống Thị trường