MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tránh "phong trào" xin cơ chế đặc thù

Tránh "phong trào" xin cơ chế đặc thù

Theo Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường, nếu việc xin cơ chế đặc thù để tạo ra nguồn lực, tăng thêm nguồn thu cho địa phương này nhưng lại ảnh hưởng đến địa phương khác và tổng thể chung của cả nước thì chưa phù hợp

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về các cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ đề xuất, xin ý kiến Quốc hội (QH) cho 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế?

- GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:

Trong các cơ chế đề xuất cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế, tôi cho rằng chưa thể hiện được những nét riêng biệt, nổi bật của từng địa phương. Các cơ chế đề xuất chưa góp phần giúp các địa phương bứt phá rõ rệt với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, mà mang nhiều nét tương đồng. Ví dụ như TP Hải Phòng nổi bật về kinh tế biển, Thừa Thiên - Huế thế mạnh du lịch, di sản…

Theo tôi, cơ chế đặc thù là đưa ra những quy định tương thích với đặc điểm riêng biệt của từng địa phương, có chính sách tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo ra những nguồn lực quan trọng cho địa phương đó. Với đặc điểm, lợi thế riêng, nếu địa phương đó sử dụng một cơ chế chung, chính sách chung cho cả nước thì sẽ không khai thác, phát huy được. Cơ chế, chính sách ban hành phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho các địa phương quyết định những vấn đề khác trong phát triển kinh tế - xã hội, có thể kể đến việc kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực.

Tránh phong trào xin cơ chế đặc thù - Ảnh 1.

GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: MINH CHIẾN

Theo đề xuất của Chính phủ, các tỉnh, thành được hưởng cơ chế về chính sách dư nợ vay như Thừa Thiên - Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; Hải Phòng, Thanh Hóa được vay không quá 60%. Cho phép thực hiện thí điểm chính sách phí, lệ phí và ngân sách được hưởng 100% số thu tăng thêm… Phải chăng cơ chế đặc thù hiện nay chủ yếu liên quan đến vấn đề ngân sách, tài chính mà thiếu đi các cơ chế để phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương?

- Những cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế trong dự thảo hiện đang được trình QH để xin ý kiến, có những chính sách sẽ giúp địa phương tạo nguồn thu tốt hơn mà không ảnh hưởng đến các nguồn lực khác của xã hội. Nhưng trong đó cũng có một số chính sách hướng vào việc thay đổi mức tỉ lệ điều tiết ngân sách giữa Trung ương với địa phương, tăng thu.

Thực ra, nếu việc xin cơ chế đặc thù để tạo ra nguồn lực, tăng thêm nguồn thu cho địa phương này nhưng lại ảnh hưởng đến địa phương khác và tổng thể chung của cả nước thì chưa phải là phù hợp. Cơ chế đặc thù nếu đơn thuần chỉ là điều chỉnh tỉ lệ điều tiết, bổ sung ngân sách cho địa phương thì đó không còn là đặc thù nữa, mà có thể là sự "xin - cho". Do đó, yêu cầu đặt ra là cơ chế phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương nhưng phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước.

Chúng ta cần làm gì để có thể vẫn hỗ trợ, tạo điều kiện cho địa phương nhưng tránh được "phong trào" xin cơ chế đặc thù?

- Theo tôi, chúng ta triển khai thí điểm một số chính sách, cơ chế ở một vài địa phương, thay vì gọi đó là cơ chế đặc thù. Với việc thí điểm này, khi nhiều tỉnh có cùng điều kiện, có các nét tương đồng, chúng ta chọn mẫu thực hiện. Việc lựa chọn số địa phương để thí điểm không thể quá rộng nhưng cũng không được quá hẹp.

Sau đó, các cơ quan hữu quan sẽ tổng kết các mặt được, mặt hạn chế, từ đó hoàn thiện các chính sách, cơ chế và nhân rộng trong một vùng hoặc trên cả nước. Việc tổng kết, đánh giá cơ chế thí điểm cũng giúp sửa đổi những bất cập của cơ chế chung. Như vậy, các địa phương không có cơ chế đặc thù cũng được thụ hưởng chính sách và sẽ có lợi chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Việc thí điểm sẽ tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý. Lúc này, chúng ta cũng không còn e ngại về tình trạng cơ chế đặc thù "đại trà".

ĐBQH NGUYỄN MẠNH HÙNG (Cần Thơ):

Cơ chế, chính sách đang theo "mô-típ" cũ

Cơ chế đặc thù phải gắn với sự đặc biệt, riêng có của từng địa phương. Với dự thảo Nghị quyết, chúng ta đang đi theo "mô-típ" cũ là tạo điều kiện về ngân sách, nguồn thu cho địa phương, phân cấp phân quyền về chuyển đổi sử dụng đất để địa phương chủ động hơn, còn thiếu vắng những chính sách về phát triển dài hạn, bền vững.

Tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có rừng, có biển thì các chính sách chưa có điểm nhấn vào đặc thù như vậy. Phải gắn vào tiềm năng của từng địa phương để có chính sách phù hợp với từng địa phương. Nếu có thêm những đề xuất mang tính đặc thù từng địa phương, sẽ hỗ trợ cho các địa phương phát triển tốt hơn. Chúng ta có thể xem xét các chính sách về thu hút FDI, các chính sách về con người, thu hút nhân tài hay tổ chức bộ máy theo mô hình linh hoạt hơn. Cái gốc của tất cả cũng từ con người mà ra, nếu thu hút được người tài, có bộ máy linh hoạt thì điều hành tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH NGUYỄN THỊ LAN (Hà Nội):

Xác định rõ mục tiêu

Để tăng tính thuyết phục cho đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, cần xác định rõ các điểm đặc biệt của từng địa phương bởi các địa phương lân cận, có điều kiện khá tương đồng sẽ băn khoăn khi chưa được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

Chính phủ cũng cần xác định rõ mục tiêu hướng đến của việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù với địa phương là gì. Nếu thí điểm nhằm hướng tới xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, có chiến lược và mang tầm nhìn xa hơn thì nên nghiên cứu bổ sung các tỉnh thuộc vùng miền có điều kiện địa kinh tế khác nhau, qua đó có cách nhìn tổng hợp, rút ra chính sách bao quát hơn.

Theo Minh Chiến - Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên