MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trào lưu "mua sắm trả đũa" bùng nổ, lý do đằng sau là gì?

27-09-2021 - 20:09 PM | Sống

"Mua sắm và trả đũa thì liên quan gì đến nhau?" hẳn là câu hỏi đang nảy lên trong đầu nhiều người.

Trong lĩnh vực kinh tế tài chính có rất nhiều thuật ngữ, có những thuật ngữ đã có từ lâu và cũng có những thuật ngữ chỉ vừa sinh ra, hoặc được sử dụng với tần suất nhiều hơn hẳn tại một bối cảnh nhất định. "Mua sắm trả đũa" là một trong số đó.

Chắc hẳn đọc đến đây, đầu nhiều người sẽ nảy lên một dấu chấm hỏi to đùng rằng: "Ủa, 'mua sắm' và 'trả đũa' thì liên quan gì đến nhau?". Thắc mắc này mới đây đã được BTV Hoàng Nam giải đáp trong bản tin Tài Chính Kinh Doanh phát sóng trên VTV1 sáng hôm nay (27/9).

Trào lưu mua sắm trả đũa bùng nổ, lý do đằng sau là gì? - Ảnh 1.

BTV Hoàng Nam đề cập đến thuật ngữ "mua sắm trả đũa" trong bản tin Tài Chính Kinh Doanh

Theo đó, chẳng có sự nhầm lẫn nào ở đây cả, "mua sắm trả đũa" hay còn gọi là "mua sắm trả thù"/ "mua sắm báo thù" thực sự là một thuật ngữ có tồn tại. Đây là cụm từ nhằm chỉ tất cả mọi hoạt động lao vào mua sắm để khỏa lấp nỗi buồn hoặc thất vọng nào đó nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, "mua sắm trả đũa" còn mang thêm một ý nghĩa khác, đó là ham muốn mua sắm bù đắp cho thời gian đã mất vì giãn cách xã hội.

Nghĩ cũng đúng thôi, vì dịch bệnh, nhiều người chấp nhận cảnh ở nhà một thời gian dài, mọi hoạt động như ăn hàng, đi chơi, hẹn hò, du lịch hay mua sắm trực tiếp đều phải tạm gác sang một bên. Khi quy định giãn cách được nới lỏng hay tình trạng bình thường mới được thiết lập, việc mọi người đổ xô đi thỏa mãn các thú vui này là hoàn toàn dễ hiểu.

Trào lưu mua sắm trả đũa bùng nổ, lý do đằng sau là gì? - Ảnh 2.

Quãng thời gian nghỉ dịch quá dài khiến nhiều người phải gác thú vui mua sắm, du lịch sang một bên, và sau khi tình hình được kiểm soát, mọi người có tâm lý mua sắm bù

BTV Hoàng Nam còn đưa ra dẫn chứng cụ thể tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế. Đơn cử như tại Trung Quốc, hãng Tiffany cho biết quốc gia này đang trở thành điểm sáng trong mảng kinh doanh trang sức, với doanh số bán lẻ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Tại Hàn Quốc, khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, các cửa hàng thời trang Chanel tại Seoul lúc nào cũng xuất hiện cảnh tượng khách mua xếp hàng dài.

"Còn với thị trường trong nước, theo đại diện của Savills Hà Nội, do các lệnh hạn chế du lịch, hiện nay khách hàng tại Việt Nam chưa thể đi sang các thị trường đồ xa xỉ khác như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), London, Paris, đây cũng sẽ là cơ hội cho các thương hiệu bán lẻ sở hữu nhiều cửa hàng vật lý tại Việt Nam trong thời gian tới", BTV Hoàng Nam nói thêm.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt ra vấn đề rằng "mua sắm trả đũa" rốt cuộc sẽ là cú hích kinh tế hay chỉ là trào lưu tạm thời của người dân, đặc biệt là người trẻ. Đáp án thực sự thế nào có lẽ vẫn cần chờ thêm một thời gian nữa.

Ảnh: Tổng hợp

Theo M416

Pháp luật và bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên