Trẻ 6 tuổi đã được sử dụng thẻ ngân hàng: Lợi bất cập hại?
Quy định cho phép trẻ em trong độ tuổi từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi được sử dụng 1 số loại thẻ phụ ngân hàng là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các chủ thẻ có liên quan cũng gặp không ít các rủi ro từ quy định này.
Thông tư 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động thẻ ngân hàng đã mở rộng phạm vi sử dụng thẻ cho trẻ em có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2016. Nếu như quy định cũ trước đây, thẻ phụ ngân hàng chỉ áp dụng cho độ tuổi từ 15 trở lên thì nay các bạn từ 6 tuổi trở lên đã có cơ hội sử dụng.
Theo quy định này, người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ thì sẽ được sử dụng thẻ ghi nợ không được thấu chi, thẻ trả trước.
Việc các trẻ em được mở tài khoản thanh toán không chỉ mới được quy định tại Thông tư 19 này, mà đã có từ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và hướng dẫn tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014, số 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014, sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN.
Bước tiến mới
Kể từ khi NHNN có quy định về việc cho phép các trẻ em dưới 15 tuổi được phép mở tài khoản thanh toán kể từ ngày 15/10/2014 tại Thông tư số 23, trên thị trường đã có nhiều chương trình gửi tiết kiệm dành cho trẻ sơ sinh đến 15 tuổi, có thể gửi bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải theo kỳ hạn, miễn phí gửi tiền vào tài khoản, lãi suất tính theo thời điểm gửi tiền.
Đây cũng là cách chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em dưới 15 tuổi, cũng như cho kinh tế của các bậc phụ huynh khi con em họ bước vào cấp ba và sau đó là bậc đại học. Một quyển sổ tiết kiệm mang tên con mình sẽ là món quà ý nghĩa và giá trị hơn rất nhiều lần nếu như trẻ em cũng học được cách trân trọng, gìn giữ và nâng niu những đồng tiền mà cha mẹ đã vất vả tiết kiệm lại cho con của họ. Đó là tiền đề cơ bản và quan trọng để khi lớn lên các bé biết cách sử dụng tiền cũng như chi tiêu hợp lý.
Ngoài ra, việc mở sổ tiết kiệm cho trẻ em sẽ giúp đa dạng hóa các sản phẩm tiết kiệm, phát triển, mở rộng hơn nữa các dịch vụ ngân hàng, giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn “sạch”. Đồng thời, nó cho phép bố mẹ có thêm nguồn dự trữ cho con của họ trong tương lai.
Việc sử dụng tài khoản thanh toán của cá nhân thông qua hình thức thẻ ngân hàng của người chưa đủ 15 tuổi đã được cho phép tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN từ ngày 15/10/2014 nhưng phải được thực hiện thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Việc mở rộng đối tượng dùng thẻ cho trẻ em nhằm đáp ứng các nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, Thông tư 19/2016/TT-NHNN vừa ban hành quy định chặt chẽ và cụ thể hơn, tức là trẻ em từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được sử dụng thẻ phụ (kèm với người đại diện pháp luật, thường là bố hoặc mẹ) có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2016. Ngoài ra, trẻ sẽ không được dùng thẻ này để rút tiền mặt mà chỉ nhằm để thanh toán, ví dụ như tiền học (những khoản mà bố mẹ đã có thỏa thuận bằng văn bản trước tổ chức phát hành thẻ).
Đây được cho là bước tiến mới trong chính sách về hoạt động thẻ ngân hàng của cơ quan quản lý theo thông lệ quốc tế. Xu hướng ở nước ngoài là khuyến khích người trẻ tự lập và tự thanh toán một số hàng hóa, dịch vụ cho mình. Chính sách này 1 phần giúp cho thị trường thẻ Việt Nam phát triển ngang hàng với các nước trong khu vực, thu hút thanh toán không dùng tiền mặt.
Không ít rủi ro và các ngân hàng nên làm gì?
Trẻ em thiếu kỹ năng sử dụng đồng tiền hiệu quả: Thông thường các bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến mục đích sử dụng tiền của con mà ít định hướng, dạy dỗ con về giá trị của đồng tiền. Trong khi đó, đa phần trẻ em hầu như không hiểu nhiều việc sử dụng tiền mặc dù đây là kiến thức, kỹ năng mà mọi người đều phải sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, các ngân hàng cần có những chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về dịch vụ ngân hàng cho trẻ trước khi cho trẻ sử dụng các dịch vụ này.
Các ngân hàng cần lưu ý đến 3 nội dung cơ bản trong việc dạy trẻ quản lý tiền bạc trong nguyên tắc “S.O.S” (Saving (Tiết kiệm): hướng dẫn trẻ trích một phần tiền tiêu vặt để dành cho mục đích tiết kiệm ngắn hạn lẫn dài hạn; Offering (Ủng hộ - biếu tặng): khuyên răn trẻ nên dành một phần tiền để quyên góp cho các tổ chức từ thiện hay những người kém may mắn hơn; Spending (Chi tiêu): hỗ trợ trẻ lập ra kế hoạch cho các khoản chi tiêu và chỉ chi tiêu trong sự giám sát của gia đình). Ngoài ra, mô hình “4 chiếc bình” cần được áp dụng triệt để (Bình 1: tiền dành cho các hoạt động từ thiện. Bình 2: tiền để trẻ chi tiêu cho những nhu cầu hằng ngày như: mua bánh, kẹo, đồ ăn sáng… (dưới sự giám sát của gia đình). Bình 3: tiền tiết kiệm trung hạn, tiền trong bình này trẻ chỉ được dùng để mua các vật dụng mà trẻ đã có kế hoạch mua từ trước. Bình 4: tiền tiết kiệm dài hạn, món tiền này là để trẻ dùng cho việc thực hiện các ước mơ sau này của mình như: vào đại học, mở một cửa hàng nhỏ, đi du lịch xa…). Tiền trong 4 chiếc bình sẽ được bỏ vào từ các khoản thu của trẻ (tiền tiêu vặt hằng tuần, tiền được tặng, được thưởng, tiền từ công việc làm thêm…) với tỷ lệ phân chia như sau: bình 1 chiếm 10% số tiền; 3 bình còn lại chiếm 30% số tiền).
Đồng thời, các bậc cha mẹ Việt Nam nên dạy trẻ quản lý tiền bạc và cho trẻ tiền tiêu vặt bắt đầu ngay từ tuổi lên ba và họ hãy để con trẻ làm quen với ngân hàng ngay từ khi còn nhỏ, cũng như hướng dẫn kỹ cho các em về an toàn sử dụng thẻ, tư vấn cho chủ thẻ chính nhiều cách thức kiểm soát chi tiêu của thẻ phụ.
Khó thực thi đúng quy định pháp luật: Theo quy định tại Thông tư 19, thẻ phụ được phát hành cho chủ thẻ phụ là trẻ em từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi không được rút tiền mặt và chỉ được sử dụng để thanh toán đúng mục đích đã xác định theo thỏa thuận bằng văn bản giữa ngân hàng và chủ thẻ chính.
Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng quy định này, các ngân hàng thường ít thực hiện hoặc khó giám sát việc thực hiện quy định này. Do đó, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tiền của trẻ em trong độ tuổi này và làm theo thoả thuận với chủ thẻ chính, các ngân hàng cần cập nhật các nội dung trong thoả thuận này lên hệ thống của ngân hàng để khi các trẻ em này sử dụng thẻ phụ để thanh toán theo nhu cầu thì việc thanh toán đó sẽ được duyệt ngay từ ban đầu là giao dịch đó có được cho phép thực hiện và thanh toán cho bên bán hay không.
Cùng lúc đó, các ngân hàng cũng cần có quy trình giám sát việc thực hiện này chặt chẽ. Thông thường, trẻ em trong độ tuổi này sử dụng thẻ chỉ nhằm thanh toán học phí, mua sắm dụng cụ học tập, thanh toán tiền mua hàng tại căng-tin trường học... Muốn làm được điều này, các ngân hàng phải có công cụ khống chế phạm vi lẫn hạn mức sử dụng thẻ, nếu không chủ thẻ chính sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.
Ngoài ra, các trẻ em thường tò mò và có thể lên các trang mạng để mua hàng, thanh toán qua mạng, các ngân hàng cũng cần tính đến việc kiểm soát một số trang web xấu. Ở Thái Lan, Malaysia, Philippines đã có công nghệ hạn chế người dùng truy cập vào một số trang web có nguy cơ tiêu cực cao.
Hạn chế chung về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt: trong thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt chưa thực sự được phát triển tại Việt Nam, tuy rất nhiều người đang sử dụng thẻ ngân hàng. Chính điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng thẻ phụ ngân hàng để thanh toán từ đối tượng là trẻ em này. 5 hạn chế chính của hoạt động này là xuất phát từ thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, còn nhiều bất cập trong hành lang pháp lý, ít sản phẩm dịch vụ được cung cấp bởi ngân hàng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế về hạ tầng kỷ thuật từ phía hệ thống ngân hàng cũng như từ các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và cuối cùng là công tác thông tin tuyên truyền chưa được quan tâm, định hướng đúng đắn.
Tóm lại, quy định cho phép trẻ em trong độ tuổi từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi được sử dụng 1 số loại thẻ phụ ngân hàng là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng.
Tuy nhiên, các chủ thẻ có liên quan cũng gặp không ít các rủi ro từ quy định này. Để hạn chế các rủi ro đó, trẻ em sử dụng thẻ phụ ngân hàng cần tăng cường kiến thức về sử dụng đồng tiền hiệu quả, các ngân hàng cần quyết tâm thực hiện và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát quy định trên và các chủ thể có liên quan cùng phối hợp để phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.