MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trẻ bú bình nuốt 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày - nghiên cứu khiến bố mẹ 'rụng rời': Chuyên gia Việt lên tiếng

26-10-2020 - 17:17 PM | Sống

Mới đây thông tin về việc trẻ nhỏ có thể nuốt cả triệu hạt vi nhựa vào cơ thể vì sử dụng bình sữa và thông tin này lập tức khiến các bà mẹ bỉm sữa lo lắng.

Khả năng thôi hạt vi nhựa như thế nào?

Các nhà khoa học trường Cao đăng Trinity Dublin (Ireland) cho biết, về nghiên cứu các hạt vi nhựa, họ đã tiến hành quy trình khử trùng bình sữa dành cho trẻ đối với 10 loại bình nhựa khác nhau.

Ban đầu, bình sữa được khử trùng ở nhiệt độ 95oC, kế đến cho bột sữa hòa với nước nóng 70oC trong bình.

Họ phát hiện cả hai công đoạn đều tạo ra rất nhiều hạt vi nhựa. Khi kết hợp với các dữ liệu khác ở 48 vùng lãnh thổ -, chiếm ¾ dân số thế giới, các nhà nghiên cứu ước tính được trẻ bú bình có thể "nuốt" trung bình 1,6 triệu hạt vi nhựa/ngày trong 12 tháng đầu đời.

Mỹ, Úc và các nước châu Âu có mức độ phơi nhiễm cao nhất, hơn 2 triệu hạt mỗi ngày.

Thông tin này khiến nhiều bà mẹ bỉm sữa lo lắng vì con họ dùng bình sữa hàng ngày. Chị Nguyễn Kiều Trang – Hà Nội tâm sự hai con của chị đều sử dụng bình sữa đến năm 4 tuổi. Không chỉ uống sữa bằng bình mà bé còn sử dụng cả các loại bình đựng nước dành cho trẻ.

Chị Trang cho biết bản thân chị cố gắng mua các loại bình tốt của các hãng uy tín cho con nhưng cũng khó tránh khỏi hoang mang nếu thực sự các con chị đã nuốt cả chục triệu hạt vi nhựa từ bú bình.

Nhiều bà mẹ cho hay cần dùng bình thuỷ tinh, chị Trang cho biết trước đó chị có dùng bình thuỷ tinh nhưng bình nặng và làm rơi vỡ. Có lần bé làm rơi vỡ người lớn không để ý đã bị thương nên chuyển sang dùng bình nhựa.

Trẻ bú bình nuốt 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày - nghiên cứu khiến bố mẹ rụng rời: Chuyên gia Việt lên tiếng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Trao đổi với chúng tôi, PGS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên của Viện công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, nguy cơ thôi nhiễm các hạt vi nhựa từ bình nhựa luôn hiện hữu trong sinh hoạt hàng ngày.

Những chai đựng thực phẩm, bình sữa người ta đều nghi ngờ nó sẽ tách ra các hạt vi nhựa. Ở Canada hay một số nước đã có rất nhiều nghiên cứu.

PGS Thịnh cho biết, có hai loại nhựa là nhựa nguyên khai và nhựa tái chế.

Nếu bình sữa được làm từ nhựa tái chế thì nguy cơ nhiễm các monome (mắt xích làm nên hạt nhựa Polyme) có trong nhựa tái chế rất cao. Nhựa được cấu tạo từ chất dẻo và bản thân nó không thể tạo ra các tinh thể. Có thể một số chất dẻo tách ra ở dạng monome có thể hoà tan ra trong thực phẩm, những monome này hay có ở nhựa tái chế.

Còn nhựa nguyên khai thì không có các monome này.

Trẻ bú bình nuốt 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày - nghiên cứu khiến bố mẹ rụng rời: Chuyên gia Việt lên tiếng - Ảnh 2.

PGS Nguyễn Duy Thịnh

Khi sử dụng đồ nhựa, người dùng không chỉ gặp nguy cơ ăn hạt nhựa mà còn có nguy cơ từ các chất trộn vào để dễ gia công hay còn gọi là chất phụ gia.

Đặc biệt, nếu để bình nhựa ở môi trường nóng với nhiệt độ100oC, các monome giải phóng ra hàm lượng monostyren - một chất độc có thể ngấm vào thức ăn. Khi vào cơ thể, các monome này có thể chu du trong cơ thể, gắn với các tế bào khác của cơ thể gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

Còn nếu sử dụng nhựa nguyên khai thì polyme là dạng chất trơ, khi vào cơ thể con người nó sẽ tự đào thải, nó không "móc ngoặc" với các bộ phận khác gây độc cho cơ thể.

Với bình sữa của trẻ nhỏ, PGS Thịnh cho biết hiện nay trên thế giới, một số nước có quy trình sản xuất các loại đồ dùng bằng nhựa cho trẻ rất nghiêm ngặt, phụ huynh có thể tham khảo như Đức, Nhật, chọn sản phẩm uy tín, tránh mua phải hàng tái chế.

Ma trận đồ nhựa

PGS Thịnh cho biết hiện nay tại Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào về nguy hại của nhựa đối với sức khoẻ.

Trong khi đó, tình trạng sử dụng nhựa tái chế ở Việt Nam rất nhiều. Người ta đi mua gom các loại nhựa đã qua sử dụng rồi tái chế lại. Nhựa ở Việt Nam như một ma trận, người tiêu dùng không biết phải chọn lựa như thế nào cho an toàn mà chỉ tặc lưỡi dùng vì đây là đồ gia dụng thiết yếu không thể thiếu.

Việt Nam có hàng trăm loại nhựa khác nhau với đủ các mẫu mã và bao bì khác nhau nhưng chúng ta chưa có khuyến nghị sử dụng như thế nào.

PGS Thịnh cho rằng khi chưa ngã ngũ về các loại đồ nhựa, tốt nhất hạn chế dùng đồ nhựa không chỉ cho trẻ mà cho cả gia đình. Bạn có thể thay thế bằng các loại hộp, lọ thuỷ tinh. Nếu sử dụng nhựa cần chọn các cơ sở uy tín và không nên cho đồ nhựa vào lò vi sóng hay đựng thực phẩm ở nhiệt độ quá nóng.

Về hạt vi nhựa, trong nước chưa có nghiên cứu tích cực nào về tác hại của nó. Vì vậy, Bộ Y tế nên thành lập đề tài nghiên cứu về các hợp chất vi nhựa trong thực phẩm và các bao bì đựng thực phẩm bằng nhựa.

Trong tình thế đồ nhựa là sản phẩm không thể từ chối được, nên có giải pháp để người dân biết cách lựa chọn sản phẩm nào là nhựa an toàn, sản phẩm nào là nhựa tái chế.

Làm thế nào để giảm hạt vi nhựa vào cơ thể?

Cụ thể, các nhà nghiên cứu Ireland gợi ý quy trình pha sữa công thức gồm 4 bước:

1. Sau khi tiệt trùng bình sữa, rửa sạch bình bằng nước mát và vô trùng.

2. Luôn pha sữa công thức trong bình không làm từ nhựa.

3. Sau khi sữa công thức nguội xuống bằng nhiệt độ phòng, có thể chuyển sữa vào bình nhựa đã tiệt trùng và rửa nước mát cho trẻ bú.

4. Tránh hâm lại sữa công thức đã pha trong bình nhựa, đặc biệt là bằng lò vi sóng.

Các nhà nghiên cứu Ireland cũng nhấn mạnh họ không muốn khiến các bậc phụ huynh sốt sắng.

"Chúng ta chưa hiểu hết những nguy cơ đối với sức khỏe con người khi tiếp xúc với những hạt nhựa nhỏ này, nhưng đây là một lĩnh vực nghiên cứu mà chúng tôi và các nhóm khác đang tích cực theo đuổi", các nhà nghiên cứu viết trên The Conversation.

Theo Ngọc Anh

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên