Trẻ em bị trầm cảm sẽ cảm thấy như nào? 3 câu chuyện thật từ chính người trong cuộc sẽ khiến cha mẹ nào cũng phải suy ngẫm
Nhiều ý kiến cho rằng, trầm cảm ở trẻ đã trở thành căn bệnh của thời đại, nhưng phụ huynh lại không khỏi thắc mắc: 'Con tôi rõ ràng có tất cả, sao lại không vui?'.
Dữ liệu khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy trong số tất cả các rối loạn sức khỏe tâm thần, trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở thanh thiếu niên. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng: "Trầm cảm ở trẻ đã trở thành căn bệnh của thời đại".
Nhiều phụ huynh thắc mắc: "Làm sao những đứa trẻ chúng ta nuôi nấng bằng cả trái tim và tâm hồn lại có thể bị trầm cảm?"; "Con tôi rõ ràng có tất cả, sao lại không vui?". Cuộc phỏng vấn 3 em học sinh từng là bệnh nhân trầm cảm có thể cho cha mẹ câu trả lời.
"Tôi sống vì giải thưởng"
Từ khi tôi còn nhỏ, cha mẹ đã là người giám sát, luôn luôn uốn nắn lời nói và việc làm của tôi. Họ có rất nhiều kỳ vọng và kế hoạch cho tôi, và câu nói yêu thích của họ là: "Con phải ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, kiểm tra đạt điểm tối đa, đánh giá học sinh "ba giỏi" và đỗ vào trường danh tiếng". Mọi thứ không liên quan đến điều này sẽ bị cắt bỏ.
Có một thời gian, tôi thích đọc truyện tranh nhưng bố mẹ cấm nên tôi lén đọc trong phòng. Một ngày nọ, khi tôi đang mải mê đọc sách, mẹ tôi đột nhiên đẩy cửa vào, xé nát cuốn truyện tranh, ánh mắt đầy tức giận, bà mắng tôi: "Đứng lên cho mẹ". Tôi sợ đến run hết cả người, vừa khóc vừa hứa: "Mẹ ơi, con sẽ chăm học, ngoan ngoãn, mẹ đừng giận nhé".
Bố mẹ tôi thường nói với tôi: "Chăm chỉ mới bù được sự vụng về. Đây là điểm yếu của con". Thời gian hạnh phúc nhất đối với họ là khi tôi nhận được giải thưởng và danh hiệu, dường như tôi sống vì những điều này.
Cuối cùng, vào năm 2017, tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường Y khoa hạng nhất và vào làm việc tại một bệnh viện lớn nổi tiếng, ai nấy vô cùng ghen tị. Cha mẹ tôi rất hạnh phúc, trong mắt họ, tương lai của tôi đầy hoa vì đã sống như lý tưởng của họ.
Tôi cũng từng nghĩ mình sẽ hạnh phúc, cuối cùng cũng tự do về tài chính, cuối cùng cũng được là chính mình. Nhưng khi nghĩ đến tương lai, tôi không thở được và muốn chạy trốn. Ban ngày tôi vẫn có thể đi làm, nhưng đến tối, tôi như suy sụp, rồi suốt đêm chìm trong rượu chè như vớ phải cọng rơm cứu mạng. Tôi cũng đã yêu một người đàn ông chỉ biết nói dối và lừa tiền khắp nơi.
Đằng sau tình yêu thất bại và cuộc sống mất kiểm soát, nỗi đau và nước mắt chỉ mình tôi biết. Trong những đêm mất ngủ và ác mộng ấy, chỉ có chiếc điện thoại đồng hành cùng tôi cho đến rạng sáng.
Tôi làm sao vậy nhỉ? Chẳng phải tôi đã có một công việc và cuộc sống khiến người khác ghen tị rồi sao? Nhiều lần, tôi nằm trên giường một hai ngày không ăn không uống, bất động như cây cỏ, chỉ để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình.
Thế là nước mắt giàn giụa, tay run run, tôi gửi đơn xin nghỉ việc. Lãnh đạo đã cho tôi một kỳ nghỉ dài. Tôi tìm kiếm sự giúp đỡ khắp nơi, rồi tôi đến lớp của cô giáo tâm lý nọ, lấy hết can đảm kể chuyện và hỏi cô: "Con bị sao vậy?". Cô giáo âu yếm nói: "Con à, vì con chưa từng sống một ngày nào theo mong muốn của bản thân".
Trái tim tôi như có một tia sáng chiếu vào. Tôi nhìn thấy chính mình, người đã bị ràng buộc chặt chẽ bởi những tiêu chuẩn cao và những yêu cầu khắt khe của cha mẹ và thầy cô trong suốt 27 năm. Tôi giống như một con rối, mọi thứ tôi làm đều bị người khác kiểm soát. Từ nhỏ đến lớn, việc mặc quần áo gì, ăn gì, học chuyên ngành gì và làm gì, không có gì là do tôi cả. Chưa ai từng nghe tôi muốn gì, chưa từng hỏi tôi sợ điều gì.
Đã bao lần tôi muốn trở nên lệch lạc và không còn tuân theo các quy tắc; tôi muốn chạy nhảy và chơi bời thay vì chăm chỉ học tập; tôi muốn nói vậy và ngừng dịu dàng... Nhưng... Tôi không dám, tôi sợ sự thất vọng, giận dữ của bố mẹ, ánh mắt của người khác, sợ mình trở nên "hư hỏng".
Dưới sự hướng dẫn của cô, tôi hít sâu như lấy hết sức mạnh vào người, xua tan bóng tối, nhắm mắt lại, tôi thấy hiện thân của trí tuệ, là hình tượng của chính mình! Giây phút cảm nhận sự thư thái của cơ thể, tôi nhận ra rằng sâu thẳm trong trái tim mình, tôi chỉ muốn tìm lại bản thân đã đánh mất...
Trầm cảm là kết quả của việc con người không tuân theo những ham muốn bên trong của họ trong một thời gian dài. Làm những gì xuất phát từ trái tim là cốt lõi của việc xóa bỏ phiền muộn.
Hãy nghe theo con tim, từng bước tiến về phía trước. Dành thời gian quay lại với chính mình, khám phá, hiểu bản thân, nhìn nhận, quan tâm và phát triển bản thân. Hãy trồng hoa cho tâm trí của mình, chữa lành vết thương trong quá khứ và nhổ bớt cỏ dại.
Tôi đã từng nghĩ đến việc "nhảy xuống"
Mối quan hệ giữa cha mẹ tôi chưa bao giờ tốt đẹp, họ thường xuyên cãi vã trước mặt tôi. Năm tôi học lớp sáu, nửa đêm bố lao vào phòng, túm lấy tôi đang ngủ ngon lành và quát: "Nhìn cái mặt mẹ con kìa, có giống người điên không?". Tôi bị đánh thức trong giấc ngủ, sợ hãi đến nỗi không nói được lời nào.
Mẹ tôi ngày nào cũng chê bố không tốt, và kết luận luôn là: "Con xem, bố thế này, vì con mà mẹ vẫn sống, vì cái gia đình này, mẹ đã chịu đựng biết bao nhiêu...". Mẹ tôi khốn khổ, tất cả là lỗi của tôi. Khi cha tức giận, ông ấy sẽ bắt lỗi và mắng mỏ tôi bằng những lời lẽ thậm tệ.
Càng lớn tôi càng ghét họ.
Một ngày cuối năm 2019, khi cả nhà đang ăn cơm tối, bố có một bài phát biểu gia trưởng, đầy định kiến với phụ nữ, tôi nghe mà óc ù đi, chịu không nổi, đập bàn đứng dậy quát: "Vớ vẩn". Rồi tôi chạy về phòng, bố đuổi theo, đạp tung cửa và tát tôi một cái thật mạnh.
Tôi chạy lên phía trên của tòa nhà, nghĩ đến việc nhảy xuống. Mẹ tôi vô cùng sợ hãi, ôm tôi suốt và chúng tôi cùng khóc suốt cả buổi chiều. Mâu thuẫn giữa tôi và cha tôi ngày càng gay gắt như thế này. Đôi khi, tôi dùng dao cứa vào lòng bàn tay và nhìn máu chảy, nỗi đau thể xác khiến tôi cảm thấy mình còn sống. Mẹ phát hiện ra vết thương của tôi đã vô cùng hoảng sợ và đưa tôi đến gặp bác sĩ tâm lý.
Bác sĩ tâm lý hỏi tôi ước gì? Tôi nói: "Mong bố mẹ mau ly hôn".
Lúc đó mẹ tôi đã bật khóc. Bà nói rằng không hiểu tại sao cuộc sống lại như thế này khi rõ ràng họ là một gia đình.
Để cải thiện tình hình, bà đến gặp những chuyên gia tâm lý. Họ chỉ ra một cách sắc bén gốc rễ của vấn đề: "Vấn đề của đứa trẻ là vấn đề của gia đình, và nguyên nhân cơ bản nhất là mối quan hệ giữa cha mẹ không tốt". Ông nói thêm: "Rõ ràng là cha mẹ bệnh, nhưng lại muốn con cái uống thuốc!". Hóa ra tất cả chuyện này không phải lỗi của tôi...
Mẹ tìm hiểu một thời gian và bắt đầu điều chỉnh cách cư xử. Bà không còn cãi nhau với bố, cũng không nói xấu ông nữa. Đôi khi bố tôi không kìm được cảm xúc và lại quát mắng, mẹ tôi hoặc là bình tĩnh đáp lại, hoặc là đưa tôi rời khỏi, đợi ông trấn tĩnh lại và trở về nhà. Một lần, mẹ tôi chủ động nói về quá khứ và chân thành xin lỗi tôi.
Sau khi mẹ tôi thay đổi, bố tôi cũng ít la mắng hơn và cố gắng trò chuyện với tôi một cách vụng về. Sự điềm tĩnh của mẹ tôi cũng ảnh hưởng đến tôi, tôi dần bình tĩnh lại, nhìn cha tôi ở bên ngoài, tôi đột nhiên cảm thấy: Hóa ra ông không mạnh mẽ như vậy, ông cũng có rất nhiều lo lắng và băn khoăn... Mẹ nói, đây gọi là thấu hiểu.
Hành vi của con bây giờ chính là "nhân" mà cha mẹ đã gieo trong quá khứ. Cha mẹ là bản gốc, con cái là bản sao, mỗi đứa trẻ đều là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Trong gia đình cha mẹ quản lý cảm xúc kém, con cái sẽ ảnh hưởng; Vợ chồng bất hòa khiến con cái bất an; Không tạo cho trẻ cảm giác được yêu thương, thấu hiểu, chấp nhận và hỗ trợ vô điều kiện cũng khiến con phát triển tiêu cực.
Khi con có vấn đề gì, nhiệm vụ đầu tiên của cha mẹ không phải là trừng phạt, đổ lỗi hay phàn nàn về con mà xem lại chính mình.
Sẽ chẳng ai quan tâm đến tâm tư của một "cô gái có vấn đề"
Năm lớp sáu, cô giáo coi tôi là "cô bé có vấn đề". Tôi không hiểu: Tôi không quấy phá hay nói bậy, tôi chỉ hay phản biện và có quá nhiều ý tưởng, thấy chuyện không đúng liền lên tiếng, đây có phải là vấn đề không?
Tôi bắt đầu học nội trú khi tôi học lớp hai. Khi tôi học lớp năm, tôi đã có thể tự đến trường bằng cách đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt. Có thể do tôi sống tự lập từ nhỏ nên có sức đề kháng đặc biệt mạnh mẽ. Giáo viên không thích tôi, nhưng các bạn cùng lớp của tôi thì ngược lại. Cô giáo đã nhiều lần đến gặp bố mẹ và yêu cầu họ kỷ luật tôi thật nghiêm khắc để tôi không còn để cái tính "không biết sợ" của mình được nữa. Lần nào mẹ cũng muốn nói chuyện, nhưng cái gọi là nói chuyện thực ra là phê bình.
Họ cũng muốn đưa tôi đi gặp bác sĩ tâm lý, nhưng tôi kiên quyết nói không. Tôi không bị bệnh gì cả, họ mới là người có vấn đề.
Khi tôi học lớp 10, bố mẹ đột nhiên nói rằng mẹ tôi sẽ cùng tôi sang Mỹ du học. Tôi hoàn toàn không có sự chuẩn bị nên đã bị đưa đến một đất nước xa lạ và bỏ lại những người bạn thân nhất của mình. Ở Mỹ không ai để ý đến tôi, tôi cảm thấy người khác coi thường mình. Tôi trở thành một kẻ cô độc hoàn toàn và không thể hiểu bất cứ ai nói gì chứ đừng nói đến việc học.
Ở quê hương, các giáo viên không thích tôi, nhưng điểm của tôi không tệ, và tôi có bạn bè. Trong khi ở nơi mới, tôi không có gì cả. Công việc duy nhất của tôi là ngồi trước máy tính và đợi những người bạn của tôi lên mạng. Trong nửa tháng, tôi không ra ngoài gặp gỡ mọi người, và dành cả đêm để trò chuyện với các bạn và xem phim hoạt hình.
Một ngày nọ, mẹ thấy tôi lại lướt Internet, sau khi thuyết phục không được, bà đã cắt đứt cáp mạng trong cơn thịnh nộ. Lúc đó tôi suy sụp, điên cuồng xé hết sách vở trong nhà, ném khắp nơi rồi gục xuống đất khóc thật to. Sau đó, tôi hoàn toàn nhốt mình trong phòng và không liên lạc với bất kỳ ai, bất kể trực tuyến hay ngoại tuyến. Tôi thường xuyên cảm thấy khó thở và không thể ngủ cả đêm. Tôi nghĩ thế giới không còn tươi sáng nữa. Tôi chán nản.
Tình trạng của tôi khiến mẹ tôi sợ hãi, bà bắt đầu học cách quản lý cảm xúc và tự chăm sóc bản thân, dần dần thay đổi, bà không còn hỏi han hay ép buộc tôi nữa, đôi khi mẹ không kìm được khiển trách tôi, bà cũng chân thành xin lỗi. Khi tôi buồn, mẹ sẽ hỏi tôi: "Con có muốn mẹ đi dạo cùng con không?". Chúng tôi cùng nhau đi trung tâm thương mại và công viên, mẹ tôi không nói về trường học, chỉ ở bên mẹ.
Sau hai năm như vậy, khi tôi 18 tuổi, mẹ nói: "Con lớn rồi, con phải tự học để tự nuôi sống mình". Tôi cũng có dự định này, tôi luôn khao khát một cuộc sống độc lập và tự do.
Tôi tìm được công việc bồi bàn trong một nhà hàng thức ăn nhanh, công việc rất vất vả nhưng tôi không ngại khó, nuôi sống bản thân cảm thấy rất tốt. Nửa năm sau, ông chủ cửa hàng đề nghị tôi bắt đầu làm công việc quản lý.
Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy mình rất yêu thích nên đã đăng ký học chuyên ngành Quản lý và vận hành dây chuyền của trường đại học. Mấy năm qua tuy bỏ lỡ rất nhiều bài vở nhưng tôi không ngại làm lại. Cuộc sống của tôi giờ mới thực sự tươi sáng.
Phụ nữ Việt Nam